Chính sách nghỉ trong ngày 'đèn đỏ' gây tranh cãi dữ dội

Kinh tếChủ Nhật, 06/03/2016 08:33:00 +07:00

Một công ty tại Anh vừa có chính sách cho nhân viên nữ được nghỉ làm trong kỳ kinh nguyệt của mình, nhưng một cuộc tranh luận lớn sau đó đã nổ ra...

(VTC News) - Một công ty tại Anh vừa có chính sách cho nhân viên nữ được nghỉ làm trong kỳ kinh nguyệt của mình, nhưng một cuộc tranh luận lớn sau đó đã nổ ra...

Theo trang The Guardian, công ty Coexist - có trụ sở tại Stokes Croft, Anh vừa ra quyết định sẽ cho phép nhân viên nữ được nghỉ làm trong mỗi kỳ kinh nguyệt với hy vọng tạo dựng được môi trường làm việc hiệu quả và sáng tạo hơn.

Giám đốc công ty, Bex Baxter cho biết, chính sách này là nhằm để đồng bộ hóa công việc với chu kỳ tự nhiên của cơ thể người phụ nữ. Giám đốc Coexist cũng sẽ hết sức linh động trong việc cho nhân viên nữ làm việc tại nhà trong kỳ kinh nguyệt của họ.
Họ có thể nghỉ làm bất cứ lúc nào trong thời điểm này nếu cảm thấy sức khỏe quá bất ổn, không thể làm việc được, và tất nhiên là sẽ không bị tính là nghỉ ốm hay nghỉ phép theo quy định.

"Tôi đã quản lý rất nhiều nhân viên nữ trong những năm vừa qua, và có khi tôi đã thấy một trong số họ gập bụng lại vì đau đớn do đến ngày kinh nguyệt. Mặc dù vậy, họ lại cảm thấy rằng mình không thể về nhà vì những triệu chứng như vậy không có gì là bất ổn"

"Và điều này là không công bằng. Tại Coexist, chúng tôi luôn thấu hiểu. Nếu ai đó đang đau đớn - kể cả vì bất kỳ lý do gì - thì họ đều được khuyến khích để về nhà. Nhưng, đối với chúng tôi, chúng tôi muốn có một chính sách tại nơi làm việc công nhận và cho phép phụ nữ dành thời gian cho chu kỳ tự nhiên của cơ thể mà không cần phải trình bày nó như một loại bệnh".

Bà Bex Baxter cũng cho biết: “Nhiều nhân viên nữ nói với tôi họ đau đớn đến phát sốt trong kỳ kinh nhưng không dám thừa nhận vì xấu hổ. Tôi muốn phá vỡ sự xấu hổ này, thay thái độ tiêu cực với kỳ kinh của phụ nữ bằng tích cực. Tôi thấy mừng vì hiện cả hai giới đều đã dần cởi mở hơn với vấn đề này, đặc biệt là giới trẻ".

“Tôi đã từng nói với một số người về chủ đề này và họ nói với tôi rằng nếu kỳ kinh của nam giới chứ không phải của phụ nữ thì có lẽ chính sách cho nghỉ làm này đã có sớm hơn!”.

Coexist có tổng cộng 31 nhân viên nhưng tới 24 nhân viên là nữ. Tuy nhiên, theo bà Baxter, việc cho phép nhân viên nữ nghỉ làm sẽ không hề làm giảm năng suất của công việc vì sau thời giann nghỉ, những nhân viên này sẽ trở lại làm việc hiệu quả và sáng tạo hơn.

Thời điểm vừa kết thúc kỳ kinh chính là lúc phụ nữ làm việc hiệu quả hơn cả, gấp ba so với bình thường.

 “Đội ngũ nhân viên Coexist rất linh hoạt và hiểu biết. Chúng tôi có thể nghỉ làm khi có việc cần thiết nhưng sau đó chúng tôi sẽ quay lại làm việc hiệu quả hơn để bù vào thời gian làm việc đã mất của công ty”.

Chính sách "nghỉ đau bụng kinh" của Coexist đã tạo ra một cuộc tranh luận lớn trong dư luận. Tuy nhiên chính sách này không phải là lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới, mà trước đó cũng đã có ở một số nước và vùng lãnh thổ tại châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan.
Trang Independent cho biết, Nhật Bản thực sự là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực cho người lao động nữ được nghỉ trong chu kỳ kinh nguyệt của họ.Liên đoàn lao động Nhật Bản bắt đầu có ý định cho lao động nữ được nghỉ làm trong những năm 1920. Tới năm 1947, một đạo luật đã được đưa vào để bắt buộc rằng phụ nữ chỉ được phép nghỉ làm việc nếu bị đau đụng dữ dội do "đến ngày".

Trong luật pháp Anh, đau bụng nghiêm trọng trong kỳ kinh nguyệt có thể được coi là một sự suy nhược cơ thể, theo một luật gia cho biết.

Và việc người lao động được nghỉ làm trong kỳ kinh nguyệt có thể sẽ được luật hóa, nhưng điều đó sẽ rất khó để quản lý lao động trong thực tế.

"Tôi cũng nghĩ rằng nó sẽ rất khó khăn cho người sử dụng lao để quản lý trong thực tế - chẳng hạn như làm thế nào để xác định được họ có bị đau bụng thật hay không. Trong một số lực lượng lao động còn có thể tạo ra cảm giác không tốt trong họ và có những sự phản ứng, bất bình về phân biệt giới tính.."

Năm 2007, hãng sản xuất hàng thể thao Nike (Mỹ) cũng đã ra chính sách cho phép phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt được nghỉ làm, đồng thời yêu cầu các đối tác kinh doanh ký biên bản ghi nhớ sẽ theo đúng chính sách này của Nike.

Còn tại Toyota, dù liên đoàn lao động lên tiếng cho rằng việc đứng, hàn, sơn và chạy các dây chuyền sản xuất khác trong nhà máy của hãng là những việc làm đặc biệt khó khăn đối với phụ nữ trong những ngày kinh nguyệt của họ.

Tuy nhiên, Toyota đã không đồng ý nên cho đến nay, chỉ có Nike được cho là có một chính sách dành riêng cho lao động nữ bị đau bụng kinh.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nói chung, phụ nữ rất khó khăn để tập trung được khi họ bị đau đớn âm ỉ, họ sẽ trở nên chậm hơn và làm việc cũng kém chính xác.

Như công ty Coexist, họ không "cung cấp" cho nhân viên những ngày nghỉ có lương để giảm đau trong những ngày bị hành kinh, mà thay vào đó là cho phép người lao động có thể sắp xếp lại thời gian làm việc của họ cho phù hợp, bằng cách cho phép họ làm việc theo một giờ giấc linh hoạt hơn để có được sự hiệu quả hơn.

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn