Chàng trai liệt toàn thân muốn ghép đầu: 'Phẫu thuật rủi ro cũng hơn chết dần chết mòn như hiện tại'

Sức khỏeThứ Năm, 11/08/2016 12:19:00 +07:00

Vượt qua tất cả những ám ảnh, sợ hãi chàng trai 8X ở Hà Tĩnh đã đưa ra quyết định muốn được thực hiện ca ghép đầu ở Việt Nam.

Sinh ra vốn  là một chàng trai khỏe mạnh nhưng sau một tai nạn vào năm 16 tuổi, anh Phạm Sỹ Long (SN 1988, trú tại xóm 3, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã bị liệt hoàn toàn. Chàng trai trẻ bỗng chốc bị cướp đi hoàn toàn khả năng hoạt động nên tưởng như mình đã rơi xuống vực sâu tuyệt vọng. Tuy nhiên, bằng nghị lực và khát vọng sống mãnh liệt, anh đã không đầu hàng số phận.

IMG20160810153257

Anh Phạm Sỹ Long và mẹ đẻ của anh. ảnh Kim Thược 

Hơn 10 năm nỗ lực sống và luyện tập viết chữ bằng miệng, vẽ tranh sáng tác thơ để quên đi nỗi đau thể xác, gần đây anh Long tình cờ nghe được thông tin ca ghép đầu người đầu tiên trên thế giới sẽ được thực hiện vào năm 2017, sau đó Việt Nam sẽ lên kế hoạch mời chuyên gia nước ngoài sang đào tạo bác sỹ Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người nên anh Long ấp ủ hy vọng sẽ thay đổi được số phận cuộc đời mình. Đến khi biết bác sỹ Trịnh Hồng Sơn đang tìm người tình nguyện tham gia ca ghép đầu đầu tiên này, anh Long càng quyết tâm hơn.

“Từ khi đọc được những thông tin đó, đêm nào tôi cũng bị ám ánh, tôi luôn cầu mong thông tin đó là sự thật. Nó như tiếp thêm sức mạnh, hy vọng để tôi có thể thay đổi số phận cuộc đời mình. Tôi muốn được hiến đầu mình cho ca phẫu thuật đó”, anh Long nói.

Để bắt đầu thực hiện mong muốn của mình, anh Long đã viết ngay một bức thư bằng miệng nhờ cơ quan báo chí kết nối tâm nguyện xin ghép đầu của mình đến bác sỹ Trịnh Hồng Sơn.

 
Tôi hiểu, ca đầu tiên thì sự rủi ro là rất lớn nhưng thay vì cứ chết dần chết mòn theo năm tháng, tôi muốn cống hiến cuộc đời mình cho nền y học nước nhà

Anh: Phạm Sỹ Long

Anh Long tỏ ra quyết tâm: “Tôi hiểu, ca đầu tiên thì sự rủi ro là rất lớn nhưng thay vì cứ chết dần chết mòn theo năm tháng, tôi muốn cống hiến cuộc đời mình cho nền y học nước nhà. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro. Nếu thành công tôi có cơ hội thay đổi cuộc đời còn nếu không xem như tôi hi sinh để những người cùng cảnh ngộ giống tôi có cơ hội được thay đổi số phận".

Ban đầu, mẹ là người đã ra sức phản đối quyết định muốn ghép đầu của anh. Mẹ anh cho rằng, bà chỉ có duy nhất một cậu con trai. Tuy anh tật nguyền nhưng vẫn còn ở bên cạnh để bà chăm sóc, nuôi dưỡng. Bà chỉ sợ nếu như thất bại thì sẽ mất con mãi mãi.

"Mẹ không thể ở bên để chăm sóc cho mình cả đời được. Với lại, tôi còn nhiều ước mơ và hoài bão chưa thể thực hiện được. Tôi muốn báo đáp công ơn của mẹ đã vất vả chăm sóc tôi những năm qua. Bây giờ, cơ thể tôi cũng đang ngày càng yếu dần. Nếu không may tôi chết đi thì cũng chỉ chôn xuống đất. Chết như thế thì vô nghĩa, tôi không muốn sống một cuộc đời vô nghĩa như thế", anh Long đã thuyết phục mẹ bằng chính tư tưởng đó.

Video: Tâm sự của chàng trai có tâm nguyện muốn ghép đầu tại Việt Nam

"Ca phẫu thuật mà thành công thì cái đầu nó vẫn là của con mình. Tôi lo sợ nhưng sau khi nghe con thuyết phục thì cũng ủng hộ quyết tâm của con trai. Chỉ mong là sẽ thành công để con được sống", bà Trần Thị Hà mẹ anh Long rơm rớm nước mắt chia sẻ.

Sau nhiều ngày chờ đợi, ngày 10/8, anh Phạm Sỹ Long đã có mặt tại Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để thăm khám trước khi thực hiện ý nguyện ghép đầu. Tại Hà Nội, sau cuộc trò chuyện với bác sĩ, anh Long đã được kiểm tra sức khoẻ tổng thể, kiểm tra các chỉ số về gan, phổi, thận.

4_356117

Bức tâm thư của Phạm Sỹ Long gửi PV làm cầu nối tới bác sỹ Trịnh Hồng Sơn 

Trả lời PV về trường hợp của anh Phạm Sỹ Long, bác sĩ Trịnh Hồng Sơn khẳng định: "Không hề có chuyện hiến đầu, cái này cũng không phải là hiến mà là ghép thôi. Hiện tại, bộ não của Long phát triển hoàn toàn bình thường, rất tỉnh táo và có đủ điều kiện để tiến hành ca ghép đầu người. Chúng tôi còn phải đang chờ kết quả trên thế giới họ làm có thành công không đã".

Khi mới nghe thông tin chưa thể ghép đầu ngay từ bác sỹ Sơn, anh Long khá hụt hẫng nhưng sau đó anh tâm sự: "Biết rằng, để thực hiện được ca phẫu thuật sẽ còn rất nhiều khó khăn và cơ hội thành công cũng không thể nói trước được. Nhưng tôi vẫn nuôi hy vọng, tôi tin tưởng vào bác sĩ Sơn, vào sự tiến bộ của y học và tin điều kỳ diệu sẽ xảy ra”.

Chia sẻ về ước mơ nếu là người đầu tiên thực hiện ghép đầu thành công, anh Long cho biết: "Sau ca phẫu thuật, nếu tôi vẫn còn sống, được làm người bình thường, tôi sẽ đi học làm đầu bếp, sẽ kiếm tiền phụng dưỡng mẹ. Tôi chỉ mong đơn giản vậy thôi".

Nhìn mẹ anh đứng bên giường bệnh khóc, cố giấu những giọt nước mắt nhìn sang chúng tôi anh nói: “Mẹ đừng buồn, hãy tin rằng cuộc đời sẽ có những điều kỳ diệu giành cho con. Con muốn được chăm sóc mẹ, mẹ khổ vì con quá nhiều rồi".

Cuộc trò chuyện của chúng tôi và anh Long kết thúc khi anh được chuyển lên xe cứu thương để rời Hà Nội. Trước khi lên xe, nhìn ánh mắt lạc quan và nụ cười nhiều hy vọng của anh chúng tôi tin cuộc sống này chắc chắn sẽ có điều kỳ diệu xảy ra. Cầu mong cho ước mơ làm đầu bếp của anh sẽ sớm trở thành hiện thực.

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn