Chuyển đổi xanh

Chai nhựa, túi nylon: Doanh nghiệp thích đóng tiền hơn thu gom, tái chế

Thứ Sáu, 13/10/2023 09:04:00 +07:00

(VTC News) - Trong khi một lượng khổng lồ rác thải nhựa đổ ra môi trường thì nhiều doanh nghiệp sản xuất thừa nhận thích đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường hơn thu gom, tái chế.

Video: Rác thải nhựa ngập tràn đường phố, 'bức tử' sông hồ biển.

Theo Luật Bảo vệ môi trường, nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm tái chế sản phẩm nhựa, bao bì. Doanh nghiệp cũng được lựa chọn một trong hai hình thức thực hiện, bao gồm: Tự mình tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế. Và phương án nộp tiền đang được rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn.

Chai nhựa, túi nylon: Doanh nghiệp thích đóng tiền hơn thu gom, tái chế - 1

 

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD), hiện nay các loại nhựa, nylon sau sử dụng phần lớn không được phân loại, thu gom, xử lý theo đúng quy trình. Điều này đã tạo một lượng rác thải nhựa khổng lồ.

Một vị chuyên gia khác cũng cho biết: “Một số doanh nghiệp lớn hiện có tham gia liên minh tái chế. Tuy nhiên, có triệt để hay không thì cần tính đến giá trị. Khi giá trị lớn hơn chi phí thu hồi thì hoạt động thu gom, tái chế sẽ được doanh nghiệp đẩy mạnh. Còn nếu giá trị nhỏ hơn chi phí thu hồi thì doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước mới đảm bảo bền vững, lâu dài”.

Chai nhựa, túi nylon: Doanh nghiệp thích đóng tiền hơn thu gom, tái chế - 2

 

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD), hiện nay các loại nhựa, nylon sau sử dụng phần lớn không được phân loại, thu gom, xử lý theo đúng quy trình. Điều này đã tạo một lượng rác thải nhựa khổng lồ.

Một vị chuyên gia khác cũng cho biết: “Một số doanh nghiệp lớn hiện có tham gia liên minh tái chế. Tuy nhiên, có triệt để hay không thì cần tính đến giá trị. Khi giá trị lớn hơn chi phí thu hồi thì hoạt động thu gom, tái chế sẽ được doanh nghiệp đẩy mạnh. Còn nếu giá trị nhỏ hơn chi phí thu hồi thì doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước mới đảm bảo bền vững, lâu dài”.

Theo chuyên gia xử lý chất thải David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), hiện nay, rác thải nhựa mà con người thường xuyên bắt gặp chủ yếu là túi nylon có giá trị thấp, trọng lượng nhẹ.

“Chính vì túi nylon quá nhẹ nên phải nhặt rất lâu và rất nhiều mới được 1kg. Trong khi đó, rác nhựa nylon lại vô cùng nguy hiểm khi bay lơ lửng trên trời hoặc nằm dưới các kênh rạch, sông ngòi, đại dương… Nhiều sinh vật dưới nước đã ăn phải túi nylon và chết.

Tôi đã từng gặp hàng chục người kinh doanh ve chai lớn ở TP.HCM. Tôi hỏi họ là nếu lượm hết bao nylon và bán cho tôi thì giá cả thế nào?. Họ trả lời rằng 600 đồng/kg mới thu gom được”, ông David Dương nói.

Ông David Dương cho biết thêm, hiện nay, mỗi ngày doanh nghiệp của ông xử lý khoảng 7.000 tấn rác ở TP.HCM, trong đó có 1% là túi nylon. Với giá xử lý rác hiện nay là 21 USD/tấn thì chỉ cần trả thêm 0,021 USD (1% giá xử lý rác) cho nhà xử lý chất thải thì rác nylon sẽ được thu gom sạch sẽ hơn. Đó là bởi nhà xử lý chất thải sẽ trả thêm 0,021 USD này cho người thu gom nylon và người nhặt rác sẽ dọn dẹp sạch sẽ hơn.

Chai nhựa, túi nylon: Doanh nghiệp thích đóng tiền hơn thu gom, tái chế - 3

 

Thừa nhận thực tế không thể trực tiếp thu gom, tái chế rác thải nhựa, đại diện một doanh nghiệp sản xuất đồ uống tại TP.HCM cho biết, doanh nghiệp của ông chấp nhận phương án đóng góp tài chính thay vì chọn phương án thu gom, tái chế bao bì, sản phẩm. Bởi lẽ, việc làm này tại Việt Nam hiện rất khó khăn và nhiều vướng mắc.

Trong đó, khó khăn lớn nhất là phân loại rác để tái chế. Rất ít khu dân cư thực hiện được việc phân loại rác thải đúng chuẩn và cách làm cũng chưa chuyên nghiệp, đồng bộ. Điều này sẽ không thuận lợi cho doanh nghiệp thu gom, nếu để một mình doanh nghiệp tự làm sẽ rất khó và không hiệu quả.

Một vướng mắc khác là khi thu gom với số lượng lớn thì doanh nghiệp không có mặt bằng chứa. Đồng thời, các thủ tục về giấy phép tái chế cũng chưa được hướng dẫn cụ thể dù doanh nghiệp đã có sẵn máy móc, thiết bị để tái chế ra hạt nhựa.

Nhưng vấn đề đặc biệt “đau đầu” với doanh nghiệp là chi phí vận chuyển, thu gom và tái chế rất cao. Vị lãnh đạo này dẫn chứng, công ty của ông từng chi khoảng gần 11.000 đồng cho 1 kg nhựa tái chế. Với chi phí này, ước tính mỗi năm doanh nghiệp tiêu tốn gần 1 tỷ đồng để tái chế chai, lọ đã qua sử dụng.

Tương tự, đại diện của Suntory Pepsico Việt Nam cũng cho hay, doanh nghiệp không thu gom, tái chế các vỏ sản phẩm là chai nhựa đã xuất bán ra thị trường. “Chúng tôi đảm bảo nộp thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm công ty sử dụng", vị đại diện nói.

Tuy nhiên, Pepsico có tham gia vào Liên minh tái chế bao bì Việt Nam. Doanh nghiệp này đã giảm trọng lượng bao bì sản phẩm với chai 1.5 lít, giảm trọng lượng chai Sting 330ml, gỡ bỏ màng co của sản phẩm Aquafina PET. Tính từ năm 2018, Pepsico Việt Nam đã tiết kiệm được 3.500 tấn nhựa, hay sáng kiến bỏ màng co ở nắp chai Aquafina giúp tiết kiệm 140 tấn nhựa mỗi năm.

Doanh nghiệp cũng có sáng kiến tái chế bao bì, chai nhựa bằng việc xây dựng 9 công trình nhà vệ sinh từ gạch bằng chai nhựa lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, mỗi công trình có thể tái chế 4.300 chai nhựa và 20kg nhựa cắt vụn.

Là một trong số ít doanh nghiệp lớn tham gia thu gom, tái chế bao bì sau khi sử dụng, Coca-Cola Việt Nam cho biết đang hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn cho bao bì. Doanh nghiệp phối hợp cùng Công ty nhựa Duy Tân để thu hồi, tái chế các sản phẩm nhựa đã qua sử dụng.

Chai nhựa, túi nylon: Doanh nghiệp thích đóng tiền hơn thu gom, tái chế - 4

 

“100% bao bì của chúng tôi có thể tái chế được. Hiện nay, lượng bao bì nhựa đã được chúng tôi và đối tác thu hồi, tái chế là khoảng 40%. Qua năm sau, con số này có thể đạt đến 50%”, đại diện Coca-Cola Việt Nam chia sẻ.

Trong khi đó, bà Ngô Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc Công ty Fujiwa Việt Nam chuyên sản xuất nước ion kiềm, nhấn mạnh: Tuy doanh nghiệp cũng ý thức được việc hạn chế dùng rác thải nhựa, nhưng lại gặp khó trong việc tìm vật liệu thay thế.

“Hiện nay, vẫn chưa có loại vật liệu nào thay thế được nhựa. Chúng tôi cũng sử dụng lon nhôm để đựng nước ion kiềm nhưng chi phí rất cao, kéo theo giá thành sản phẩm tăng mạnh. Do đó, nhựa vẫn được ưu tiên để sử dụng làm chai đựng nước. Trong tương lai, nếu có những vật liệu thân thiện với môi trường hơn thì doanh nghiệp của bà sẵn sàng sử dụng những loại vật liệu mới để sản xuất nước uống”, bà Thủy giải thích.

Nêu thêm về thực trạng hoạt động tái chế ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế và manh mún, hiệu quả chưa cao, TS Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam - một doanh nghiệp chuyên xử lý rác thải - nhận xét, nhiều địa phương hay thành phố lớn vẫn đang loay hoay từ việc lựa chọn công nghệ tới chọn nhà đầu tư, quản lý sau đầu tư đối với việc tái chế các loại rác thải nhựa.

“Vấn đề này như một vòng luẩn quẩn. Theo tôi, mấu chốt có thể nằm ở chỗ nhiều tỉnh, thành phố đang thiếu một “kiến trúc sư trưởng” của ngành rác”, ông Trọng nói.

Chai nhựa, túi nylon: Doanh nghiệp thích đóng tiền hơn thu gom, tái chế - 5

 

Cũng theo ông Trọng, có nhiều nguyên nhân gây nên thất bại của các nhà máy rác trên toàn quốc trong những năm qua, trong đó có nguyên nhân về công nghệ.  Công nghệ hiện nay chưa phù hợp với rác Việt Nam, kể cả công nghệ Đức, Nhật Bản, châu Âu…qua các nguồn vốn ODA. Đầu tư tư nhân đa phần thất bại như: Sản xuất phân Compost thất bại, Plasma thất bại, Khí hóa thất bại… 

Ngoài ra, do công nghệ nước ngoài quá đắt nên suất đầu tư luôn là quá sức đối với các doanh nghiệp, trong khi đơn giá xử lý rác rất thấp, chỉ từ 400.000 - 500.000 đồng/tấn. Quy hoạch nhà máy rác cũng không khoa học, hệ thống thiết kế không tốt, không tối ưu dẫn đến lãng phí và vận hành kém hiệu quả.

“Năng lực vận hành yếu do ít kinh nghiệm, nhà đầu tư “tay ngang”, không chuyên nghiệp. Đồng thời, họ cũng không có công nghệ trong tay mà phụ thuộc nhiều vào công nghệ nước ngoài nên khá bị động. Trong khi đó, xử lý rác thải lại là công việc đòi hỏi sự liên tục, dài hơi”, TS Trọng phân tích.

Chai nhựa, túi nylon: Doanh nghiệp thích đóng tiền hơn thu gom, tái chế - 6

 

Là một doanh nghiệp chuyên làm về nhựa phân hủy sinh học, TS. Nguyễn Lê Thăng Long - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings chia sẻ những khó khăn khi tìm cách đưa sản phẩm vào thị trường Việt Nam.

Ông cho biết, nhựa sinh học có thể làm từ nguyên liệu có nguồn gốc tái tạo (như tinh bột ngô, khoai, sắn….) hoặc làm từ nguyên liệu có nguồn gốc hóa thạch (dầu mỏ). Đây chính là một giải pháp để dần hạn chế rác thải nhựa khó phân hủy hiện nay và thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Với sản phẩm nhựa phân hủy sinh học, sau khi được người tiêu dùng sử dụng, nó sẽ trở thành một loại rác hữu cơ, phân huỷ thành mùn hữu cơ, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, sau đó, cây trồng lại trở thành vật liệu để tạo ra các sản phẩm phân hủy sinh học.

Các sản phẩm này sau khi sử dụng sẽ có thể được xử lý như những rác hữu cơ khác thông qua quá trình xử lý vi sinh như chôn lấp hoặc các nhà máy rác vi sinh, sau đó, sẽ phân hủy thành CO2, nước và sinh khối dưới tác dụng của vi sinh vật.

Những sinh khối trên lại có thể được sử dụng để làm nguồn nguyên liệu đầu vào trong nông nghiệp. Tất cả những điều này tạo nên một vòng tròn tuần hoàn, khép kín, đảm bảo thân thiện với môi trường.

Dù nhận thấy đây là các sản phẩm có ích, tốt cho môi trường và rất muốn đưa về Việt Nam nhưng ông Long thừa nhận việc này không hề dễ.

Chai nhựa, túi nylon: Doanh nghiệp thích đóng tiền hơn thu gom, tái chế - 7

 

“Hiện nay thị trường chính của doanh nghiệp vẫn là xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ, còn tại Việt Nam, đây vẫn chưa thể trở thành sản phẩm phổ biến”, ông Long nói.

Khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp khi làm các sản phẩm nhựa sinh học là chưa có chính sách, nên giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh với các sản phẩm nhựa thông thường. Hiện chi phí để làm ra những sản phẩm nhựa phân hủy thường có giá đắt gấp đôi, thậm chí gấp ba, gấp bốn so với nhựa thông thường.

Ví dụ, một kg túi nylon phân hủy sinh học có giá thành khoảng hơn 60.000 đồng, trong khi túi dùng phụ gia phân hủy sinh học bán tại nhiều siêu thị chỉ có giá 30.000 đồng/kg, còn túi nylon bình thường trôi nổi ngoài các chợ chỉ khoảng 15.000 - 20.000 đồng.

“Hiện chúng tôi đang tìm nhiều cách để vào thị trường nhưng chưa thể thay đổi nhanh được. Khi chính sách đồng bộ, mới có thể khả quan hơn”, ông Long nói.

Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường: Tổ chức cá nhân, nhập khẩu có trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế; Được lựa chọn thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo một trong các hình thức sau đây: Tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì; Đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.

Nhà sản xuất tự kê khai số tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/3 hàng năm.

Theo quy định, đối với các loại chai, hộp nhựa nhỏ hơn 500ml, số tiền đóng là 50 đồng/chiếc, từ 500ml trở lên là 100 đồng/chiếc.

Phạm Duy - Nguyễn Yến - Đại Việt - Bích Đào (Thiết kế: Huy Mạnh)
Bình luận
vtcnews.vn