Câu hỏi lớn về vụ phóng tên lửa Triều Tiên rơi vào EEZ Nhật Bản

Tư liệuChủ Nhật, 19/02/2023 16:11:17 +07:00

Vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên của Bình Nhưỡng năm nay có thể leo thang căng thẳng ở khu vực, trong bối cảnh Mỹ, Hàn có kế hoạch tập trận quy mô lớn.

Câu hỏi lớn về vụ phóng tên lửa Triều Tiên rơi vào EEZ Nhật Bản - 1

Hình ảnh được công bố ngày 19/2 về ông Kim Jong Un và con gái ở gần một ICBM. (Ảnh: Reuters)

Triều Tiên thông báo đã phóng tên lửa Hwasong-15 ngày 18/2, biến đây trở thành tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên Triều Tiên thử nghiệm trong năm nay, kể từ vụ thử ICBM Hwasong-17 vào tháng 11/2022.

Trong thông báo ngày 19/2, đài KCNA nói cuộc diễn tập được tổ chức không báo trước. Tên lửa đã bay 989 km và rơi xuống vùng biển quốc tế. Quân đội Nhật Bản nói rằng tên lửa đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nước này.

Vụ phóng được cho là phản ứng trước các kế hoạch tập trận của liên minh Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Động thái này xuất hiện sau cảnh báo của Bình Nhưỡng ngày 17/2 rằng sẽ có phản ứng “mạnh mẽ chưa từng có” nếu Seoul và Washington tiếp tục các đợt tập trận chung.

Dấu hỏi về công nghệ ICBM của Triều Tiên

Leif-Eric Easley, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nữ sinh Ewha (Seoul), cho biết các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên thường dùng để thử nghiệm các công nghệ đang phát triển. Triều Tiên được cho là đang phát triển hệ thống tên lửa dùng nhiên liệu rắn.

Tại buổi duyệt binh ngày 8/2, Bình Nhưỡng đã giới thiệu khí tài được cho là mẫu ICBM mới của nước này, sử dụng nhiên liệu rắn và được trang bị ống phóng.

Kho tên lửa của Triều Tiên, bao gồm Hwasong-17, trước đây sử dụng nhiên liệu lỏng, cần thời gian để bơm đầy, cũng như không thể bay trong thời gian dài. Việc sử dụng nhiên liệu rắn sẽ tốn ít thời gian chuẩn bị, dễ di chuyển, và khó bị phát hiện hơn, theo AP.

Câu hỏi lớn về vụ phóng tên lửa Triều Tiên rơi vào EEZ Nhật Bản - 2

Mẫu ICBM mới, được Triều Tiên giới thiệu vào lễ diễu binh ngày 8/2, được cho là ICBM sử dụng nhiên liệu rắn. Hiện không rõ đây là nguyên mẫu hay xe mô phỏng. (Ảnh: Reuters)

"Rất đáng chú ý nếu Bình Nhưỡng tuyên bố đạt tiến triển trong tên lửa dùng nhiên liệu rắn”, giáo sư Easley nói. Dù vậy, hiện không rõ vụ thử tên lửa ngày 18/2 có sử dụng nhiên liệu rắn hay không.

Yang Moo Jin, giáo sư Đại học Nghiên cứu Triều Tiên (Seoul), nói rằng vụ thử tên lửa này cho thấy Bình Nhưỡng đã trang bị công nghệ giúp phóng ICBM trong chưa đầy nửa ngày mà không cần phải chuẩn bị quá nhiều, kể cả khi đây có là ICBM dùng nhiên liệu lỏng.

Về phía Triều Tiên, nước này coi "các mối đe dọa quân sự" từ Mỹ và Hàn Quốc ngày càng nghiêm trọng và không thể làm ngơ. "Triều Tiên đã chỉ thị toàn bộ đơn vị phụ trách hoạt động của tên lửa duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu", KCNA cho biết.

Các nhà quan sát ở Seoul đưa ra khả năng vụ đây là vụ thử ICBM nhiên liệu rắn, bên cạnh kế hoạch của Bình Nhưỡng là đưa vệ tinh do thám vào quỹ đạo.

Nguy cơ leo thang căng thẳng

Trong năm 2022, Triều Tiên đã lập kỷ lục về số lần phóng tên lửa, với hơn 70 vụ thử tên lửa đạn đạo.

Các cuộc thử tên lửa của Triều Tiên đi kèm với thông điệp sẽ có những đáp trả cứng rắn với mối đe dọa từ Mỹ và Hàn Quốc.

Bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un, ngày 19/2 yêu cầu Mỹ "dừng mọi hoạt động đe dọa đến an ninh Triều Tiên", và khẳng định Bình Nhưỡng không có ý định đối đầu với Hàn Quốc, Yonhap đưa tin.

Tại cuộc gặp khẩn cấp bên lề hội nghị an ninh Munich ngày 19/2, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nói rằng Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, cùng các thành viên khác của G7, sẽ có phản ứng mạnh mẽ, bao gồm các hoạt động tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Bình Nhưỡng đối thoại, khẳng định Washington "không yêu cầu phải có điều kiện tiên quyết nào".

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson đã lên án vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, nói đây là "sự vi phạm trắng trợn" nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Câu hỏi lớn về vụ phóng tên lửa Triều Tiên rơi vào EEZ Nhật Bản - 3

TV ở ga điện ngầm tại Seoul phát tin tức về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 18/2. (Ảnh: AP)

"Trong khi Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ nói điều này không đe dọa đến Mỹ và đồng minh, vụ phóng đã làm leo thang căng thẳng không cần thiết, và có nguy cơ làm mất ổn định tình hình an ninh khu vực", bà Watson nói.

Giáo sư Yang Moo Jin nhận định tình hình an ninh ở bán đảo Triều Tiên có thể tệ hơn trong tháng tới, khi Mỹ và Hàn Quốc tăng cường tập trận chung, và Triều Tiên có những phản ứng cứng rắn, theo AFP.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin cho rằng vụ phóng ICBM vào ngày 18/2 là một “dấu hiệu rõ ràng” về ý định tăng cường gây căng thẳng của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên có thể tiến hành các vụ thử hạt nhân mới bất kỳ lúc nào. Trong trường hợp đó, nó sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi trong việc phát triển vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên”, ông Park Jin nói.

(Nguồn: Zing News/AP/Yonhap)
Bình luận
vtcnews.vn