Cánh diều vàng 2014 bị nghệ sĩ ghẻ lạnh: Vì đâu nên nỗi?

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 05/03/2015 03:08:00 +07:00

(VTC News) - MC Quyền Linh thốt lên đầy đau xót khi không thể mời được ai dự Cánh diều 2014, vì đâu mà giải thưởng này bị ghẻ lạnh đến vậy?

(VTC News)  - MC Quyền Linh thốt lên đầy đau xót khi không thể mời được ai dự Cánh diều 2014, vì đâu mà giải thưởng này bị ghẻ lạnh đến vậy?

Cánh diều đã không bay suốt hơn 10 năm

Trong cuộc họp báo chuẩn bị cho Cánh diều vàng 2014, không ít người đã phải cảm thấy đau xót thay cho Quyền Linh khi nam MC thốt lên:

'Đây là chương trình tôi cảm thấy vô cùng đau xót thưa các anh chị. Cách buổi họp báo hôm nay 3 ngày, chúng tôi thật sự vẫn phải đi tìm hỗ trợ từ các doanh nghiệp và anh chị em bạn bè.

Thậm chí đến giờ này chỉ còn 10 ngày là lễ trao giải sẽ diễn ra, Hội chúng tôi cũng nhờ may mắn mà tới giờ chót đã có được tài trợ. Hầu hết mọi thứ đều nhờ sự giúp đỡ đầy tình nghĩa của người em từng là đồng nghiệp.


Để có một tiết mục trao giải, phải gọi mời nghệ sĩ không biết bao nhiêu người, bao nhiêu lần, rồi nhận hồi đáp là: ‘Để mai em trả lời!’ Bây giờ còn 10 ngày nữa thôi, mà vẫn chưa ai nhận lời chúng tôi'.
quyền linh
MC Quyền Linh trong buổi họp báo 
Trong nhiều năm qua, vấn đề kinh phí luôn là khó khăn lớn nhất của Hội Điện ảnh trong mỗi lần tổ chức giải và năm nay cũng không khá khẩm hơn.

Đúng 10 ngày trước khi lễ trao giải 2014 diễn ra, ban tổ chức gần như không thể tổ chức vì không đủ điều kiện. Rất may khi mới đây, một doanh nhân đã quyết định đứng ra hỗ trợ Hội về địa điểm, sân khấu, âm thanh, ánh sáng... để buổi trao giải có thể diễn ra.


Còn nhớ, trong Cánh diều vàng 2013, chính MC Quyền Linh cũng là người ngơ ngác khi được mời lên trao giải thưởng, bởi anh không được phân công làm nhiệm vụ này.

Hay do không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kịch bản, MC còn lẫn lộn trong thứ tự các hạng mục được trao giải. Thậm chí, các giải thưởng còn được thêm nếm, thay đổi xoành xoạch tới phút cuối. Nói thế để thấy, sự luộm thuộm trong khâu tổ chức đã trở thành ‘thương hiệu’ của giải thưởng trong nhiều năm liền.


Và trong suốt hơn 10 mùa Cánh diều, thực tế là giải thưởng không nhận được sự ủng hộ của dư luận, thậm chí của chính những người làm nghề, mặc dù đó là một giải thưởng mang tính nghề nghiệp.

Cứ đến mỗi mùa Cánh diều là BTC lại ‘toát mồ hôi’ vận động các hãng phim tham gia cho đủ giải thưởng, và từ tham vọng nuôi Cánh diều bay cao, bay xa như một sự kiện uy tín, giải thưởng này đã trở nên èo uột, thiếu sức sống và ngày càng thu nhỏ quy mô. 

Thiên chức của Cánh diều, sinh ra là để bay, cao và xa. Không làm được điều này, có nên cố hữu giữ mãi Cánh diều?

Cánh diều: Không nhiều ý nghĩa

Nguyên do vì đâu khiến giải thưởng Cánh diều bị chê suốt những năm qua ? Bỏ qua vấn đề nan giải về kinh phí, bao nhiêu năm nay, tiêu chí của giải thưởng vẫn chung chung một màu, thiếu định hướng rõ ràng: Đề cao phim điện ảnh, truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực.

Dường như khúc mắc còn nằm ở chuyện muôn thuở vẫn là phim Việt vẫn đang loay hoay giữa hai khái niệm ‘nghệ thuật’ hay ‘thị trường’.

Những phim được giải, được đánh giá nghệ thuật cao thường chết yểu trên đường ra rạp với công chúng, trong khi đó phim thị trường thì được sản xuất với mục đích duy nhất là hiệu suất đầu tư: lỗ hay lãi? Và đương nhiên, những đơn vị này không mặn mà gì với Cánh diều.

Những hãng làm phim tư nhân hay phim độc lập – được săn đón và đánh giá cao vài năm trở lại đây thì điều họ quan tâm là họ mang được gì đến cho công chúng, chứ không phải vài ba giải thưởng tượng trưng trao rồi bỏ đó, không mang lại lợi ích cả về kinh tế lẫn uy tín làm nghề.

Nghĩa là, giải thưởng Cánh diều hầu như không giúp ích gì được cho các nhà làm phim.
elly
Elly Trần được giải thưởng gây nhạc nhiên 
Nhiều người vẫn nói vui, đến lơ mơ với điện ảnh như Elly Trần mà còn rinh về một Cánh diều, thì quả thực,  giải thưởng này đã đến hồi mạt vận.

Những nhà tổ chức, đã bao giờ một lần đặt câu hỏi, tại sao Oscar, cũng mỗi năm một lần, thuần tính nghề nghiệp chưa bao giờ hết sức hấp dẫn với bất cứ nhà làm phim nào?

Có phải bởi giải thưởng này đã giúp ích rất nhiều cho việc làm nghề, cho sự gắn kết với nghề, cũng như sự tôn vinh ý nghĩa đích thực cho cá nhân, tập thể lên nhận tượng vàng danh giá?

Còn Cánh diều, cũng với tham vọng như một Oscar Việt Nam lại bị hắt hủi và chê bai không thương tiếc của chính những người làm nghề?

Cánh diều Vàng 2014 có 137 phim tham gia tranh giải, trong đó có 17 phim điện ảnh. Bên cạnh phim của các hãng phim thuộc nhà nước và Hội Điện ảnh như: Sống cùng lịch sử (Nguyễn Thanh Vân), Thầu Chín ở Xiêm (Bùi Tuấn Dũng), Những Đứa Con Của Làng (Nguyễn Đức Việt), Mộ Gió (Nguyễn Hữu Phần) thì những phim còn lại đều thuộc các hãng phim tư nhân, gây chú ý trong năm qua như: Chàng trai năm ấy (Quang Huy), Hương Ga (Ngô Quốc Cường), Quả tim máu, Scandal: Hào quang trở lại (Victor Vũ), Để Mai Tính 2 (Charlie Nguyễn), Hiệp sĩ mù (Lưu Huỳnh), Tốc độ và đường cong (Phan Minh Mẫn), Bước khẽ đến hạnh phúc (Lưu Trọng Ninh), Lạc giới (Phi Tiến Sơn), Mất xác (Đỗ Thành An), Bí mật lại bị mất (Nhật Cường - Lý Hải)…

Bên cạnh đó là 25 bộ phim truyền hình (18 phim dài tập, 7 phim 1 tập), 14 phim hoạt hình, 4 phim tài liệu điện ảnh, 48 phim tài liệu truyền hình, 7 phim khoa học, 29 phim ngắn và và 3 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh - truyền hình.

Mỗi hạng mục sẽ được trao 1 giải Cánh diều Vàng, 2 giải Cánh diều Bạc và 2 bằng khen.

Thuần Vũ
Bình luận
vtcnews.vn