Cần nhẫn nại với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

Kinh tếChủ Nhật, 06/02/2011 08:10:00 +07:00

(VTC News) - Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, năm 2011, Việt Nam cần phải làm rất nhiều việc để đảm bảo được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

(VTC News) - Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, năm 2011, Việt Nam cần phải làm rất nhiều việc để đảm bảo được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô như thông điệp của Thủ tướng Chính phủ.

 

- Thưa ông, theo ông cụ thể của nhiều việc cần phải làm để đảm bảo được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô như thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ là những gì?

Theo  Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng CIEM: Việt Nam cần phải làm rất nhiều việc để đảm bảo được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô như thông điệp của Thủ tướng Chính phủ.

- Khi đã có quyết tâm ổn định kinh tế vĩ mô thì cần phải hiện thực hoá quyết tâm một cách mạnh mẽ, hợp lý. Điều tôi muốn chia sẻ là cần có sự phối hợp tốt hơn giữa chính sách tiền tệ và tài khoá, cân nhắc tốt hơn giữa chính sách tiền tệ và điều tiết hệ thống ngân hàng.


Tuy nhiên, chúng ta đều nhận thức được rằng, ổn định kinh tế vĩ mô là vấn đề thường xuyên, lâu dài. Trong bối cảnh đó, biến động thế giới hiện đang khó lường, lạm phát cao so với các nước, thâm hụt thương mại cao, thâm hụt ngân sách còn lớn, thậm chí nợ công năm 2011 đang được dự báo có thể đạt đỉnh ...  Điều đó đòi hỏi Việt Nam phải nhẫn nại hơn với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, không thể dễ dàng hả hê với những thành quả nào đó cũng như không thể hồ hởi quá với tăng trưởng.

 

- Cụ thể hơn, doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục lo ngại sức ép của lạm phát, của lãi suất ngân hàng đang vượt quá sức chịu đựng?


- Bài toán đặt Ra là để ổn định thì phải tăng lãi suất, thặt chặt tiền tệ. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải kêu ca, đó là thực tế. Tuy nhiên, tôi cho rằng, phần tăng lãi suất ấy sẽ không quá căng thắng nếu điều hành tốt, hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả; nếu chúng ta nghiêm khắc với tài khoá.


Trong thời gian vừa qua, hệ thống ngân hàng bộc lộ hai điểm méo mó rõ rệt. Một là, cái gọi là cạnh tranh giữa các ngân hàng chưa lành mạnh. Hai là, các tồn tại trong thanh khoản, sau thanh khoản và các vấn đề trong giám sát. Hệ quả là mà nợ xấu tăng, mất cân đối về thời hạn, mất cân đối cơ cấu đồng tiền.


Tôi rất muốn đây sẽ là thời điểm bắt tay vào con đường cải tổ hệ thống ngân hàng, bên cạnh mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Tất nhiên, nói tới điều này không có nghĩa là sẽ giải quyết được trong nay mai, song điều quan trọng là chúng ta cần phải bắt đầu làm và làm một cách triệt để.

 

- Năm 2011 cũng được nhắc tới là một năm bắt đầu cho nhiều kế hoạch, chiến lược phát triển mới, thưa ông?


Hơn thế, năm 2011 là năm bắt đầu, năm nền tảng để Việt Nam chuyển sang một đà phát triển mới, không chỉ là tăng trưởng tương đối tốt mà phải đi kèm với chất lượng tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhắc tới tác động của giai đoạn chuyển biến này có thể sẽ ít nhiều gây khó khăn cho doanh nghiệp, đòi hỏi từng doanh nghiệp nỗ lực, tái cấu trúc để bắt kịp đà chuyển mình của kinh tế vĩ mô. Khi các doanh nghiệp tăng trưởng chất lượng, tăng trưởng của nền kinh tế mới chuyển sang chất được.


Môi trường vĩ mô tạo ra, gây áp lực cho doanh nghiệp thay đổi. Như vậy, những việc mà Việt Nam phải làm không chỉ từ phía Chính phủ mà cả cộng đồng doanh nghiệp phải tham gia vào. Đó chính là điều cực kỳ quan trọng.

Khánh Linh(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn