Cái Ngông của con gián

Tổng hợpThứ Sáu, 22/04/2011 11:16:00 +07:00

Ngôn ngữ hiện đại những năm gần đây xuất hiện một thành ngữ “Ăn chơi tàn bạo”. “Tàn bạo” là cách nói thậm xưng...

Ngôn ngữ hiện đại những năm gần đây xuất hiện một thành ngữ “Ăn chơi tàn bạo”. “Tàn bạo” là cách nói thậm xưng. Nhưng người nói muốn diễn tả hiện tượng bất thường, ngoài tưởng tượng, khác người, từ cách ăn chơi đến hành xử trong quan hệ xã hội, quan hệ cộng đồng. Mà bản chất của nó được mô tả bằng ngôn ngữ Việt là “Ngông”, là “Chơi trội”.

     “Từ điển Tiếng Việt thông dụng” của Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 2009 giải nghĩa:

      “Ngông”, là có những lời nói việc làm ngang tàng, khác lẽ thường, bất chấp sự khen chê của người đời.

      Còn “Ngông nghênh” là tỏ ra tự đắc, coi thường mọi người, bằng những thái độ, cử chỉ gây cảm giác khó chịu.

      Lấy thêm một giải nghĩa về “Ngông cuồng” cho rộng luận bàn, là có những suy nghĩ, hành động ngược với lẽ thường đến mức như cuồng dại mà không có đủ tự chủ để suy xét đúng sai nữa.

      Và “Chơi trội”, là cố ý phô trương mặt mạnh của mình để tỏ ra ta đây nổi trội, tài giỏi hơn hẳn người khác.

 
      Hai chục năm trước, Bưu điện Hà Nội dựng một chiếc đồng hồ to đẹp  có bốn mặt số, đặt trên nóc tòa nhà Bưu điện Trung tâm ở tầm bán kính một cây số xem được giờ. Rất thuận lợi cho dân Hà Nội. Nhưng khi giám đốc Bưu điện Hà Nội báo cáo với lãnh đạo Thành phố và Trung ương, sẽ cài đặt hệ thống đổ nhạc và chuông tự động, dẫu ở tận Giáp Bát (8 km) cũng nghe thấy. Lãnh đạo Thành phố và Trung ương cười, hỏi lại: “Vậy có đặt kèm thiết bị chống ồn cho thành phố không?” Thế rồi từ khi có đồng hồ cho tới nay, không thấy có đổ nhạc và chuông. Ý tưởng là tốt, muốn có một nét văn hóa gây ấn tượng như chiếc đồng hồ BigBell nơi xứ sương mù Anh quốc, mà chưa nghĩ tới tiếng ồn được tính từng décibel. Mà hồi đó dân sinh cũng chưa quan tâm tới môi trường lắm. Chưa có khái niệm phát triển bền vững.

     Cũng khoảng mười lăm năm trước, làng Ninh Hiệp-Gia Lâm nhờ có buôn bán vải được xem như một cái chợ đầu mối về vải mà giàu lên. Phú quý sinh lễ nghĩa. Nhà nhà xây nhà. Mà lại là các mẫu nhà như nhà ở làng Olimpic Moscow phong cách kiến trúc Nga. Đua nhau nhuộm xóa làng Việt. Ngay sau đó đến làng cổ Yên Phụ, Nghi Tàm, Quảng An phất lên nhờ đất, một loạt nhà mới xây theo kiến trúc Hồi giáo có quả cầu xoáy nhọn trên nóc. Sợ người ta chưa nhận ra nên chủ những ngôi nhà đó cho đắp nổi tên “Alibaba”.

      Nhà của người ta người ta muốn xây kiểu gì bận lòng ai? Nhưng gai đôi con mắt.

      Lại khoảng mười năm trước ở Việt Nam xuất hiện các đại gia. Nhanh chóng có “Câu lạc bộ các doanh nhân 100 tỷ”. Tháng 1 – 2008 một nữ đại gia ngành địa ốc Sài Gòn đã làm dư luận báo chí xôn xao: Bà sang tận Manchester Anh quốc đặt sản xuất theo yêu cầu chiếc xe sang trọng bậc nhất thế giới: Rolls Royce Phantom, trọng lượng 3,2 tấn, động cơ 12 mã lực, điều khiển từ xa 200 mét, màu lục như tên bà, mang logo công ty, khắc tên chủ nhân trên mũi xe, với giá hơn 21 tỷ VND. Rolls Royce Phantom được đánh giá là một “văn phòng di động” để bà chủ có thể điều hành toàn công ty ngay cả khi trên đường công tác hoặc đi nghỉ chơi. Một bài báo giật tít “Chiếc xe hơi bí ẩn nhất Việt Nam xuất hiện cùng chủ nhân đến Nha Trang xem Hoa hậu Hoàn vũ 2008”. Sau đó hai năm, một đại gia Cao Nguyên chơi thượng hạng hơn đặt hàng sắm hẳn một “con máy bay”, lại gây xôn xao dư luận xã hội và trong cánh đại gia… Có một chút ngông, có một chút chơi trội, cũng có một chút gây cảm giác ghen tỵ và ngờ vực. Nhưng cả xe hơi và máy bay đều là phương tiện làm ăn của bà chủ ông chủ. Hề hấn tới ai? Nhưng nó lại gây một ấn tượng đẳng cấp.

      Khi mà nền kinh tế bây giờ là nền kinh tế của các đại gia, phần lớn thuộc các đại gia chi phối mà ta gọi là các chủ đầu tư, được pháp luật bảo hộ vốn đầu tư, mà nay tỉnh thành nào cũng có vài chục đại gia, thì chuyện biệt thự sang trọng “6 sao”, xe cộ “độc đỉnh” hóa nên bình thường như công việc công chức viên chức lĩnh lương phọt phẹt hằng tháng vậy. Một thời người ta hãnh diện ngồi xe con “biển xanh”, xe công dành cho lãnh đạo nhà nước thấp nhất là vụ trưởng, thì nay xe biển xanh chỉ là chiếc “đinh rỉ”, là thời của xe con “biển trắng”, xe mua bằng tiền của chính mình, khẳng định một đẳng cấp tài chính

      Chơi ngông ngày nay như một xu hướng phát triển trong lớp trẻ, không những dị hợm, khó chịu, đáng ghét, mà còn ảnh hưởng tới trật tự xã hội, mà đa phần lại là con em các đại gia, con em lớp người có chức có quyền thiếu chăm sóc quản lý. Cái tộc danh “thiếu gia” đặt cho lớp trẻ này nghe đắng đót làm sao. Các “thiếu gia” rủ nhau đua xe hơi mỗi tối trên đường Láng - Hòa Lạc rồi va quệt chết người trên đường đua. “Thiếu gia” phóng xe tay ga phân khối lớn thả chân chống cho quẹt rạch xuống mặt đường bê tông xèn xẹt tóe lửa như pháo hoa. Rồi lắp còi hơi cho xe gắn máy rú inh ỏi. Dựng ngược bánh trước chỉ đi bằng bánh sau nơi phố đông như trong rạp xiếc. Thế mới là sành điệu. Cảnh sát giao thông ra hiệu dừng xe, các “thiếu gia” tăng tốc cho cán lên người đang thi hành công vụ. Nếu không chạy thoát phải dừng, thì “thiếu gia” nghênh ngang như “cậu ông trời” cóc sợ ai, rút điện thoại gọi người thân có quyền chức bảo lãnh. Các tụ điểm ăn chơi như vũ trường, quán bar các “thiếu gia” đốt tiền như đốt vàng mã ngày rằm, mồng một.

      Nếu chuyện xưa cho ta khó tin về một chàng công tử Bạc Liêu đốt tờ tiền 10 đồng soi cho một anh nhà nghèo đang mò mẫm trên sàn nhà tìm đồng kẽm 5 xu vừa đánh rơi, thì công tử thời nay “khủng” hơn nhiều, khi bị cảnh sát giao thông giữ xe vì đua xe, đã thản nhiên bật chiếc zippo đốt luôn chiếc xe có giá cả trăm triệu đồng trước bàn dân thiên hạ tròn mắt ngẩn ngơ tiếc.

      Cuối năm 2008, một đám cưới độc nhất vô nhị diễn ra ở thành phố Buôn Ma Thuột, với sự tham gia của hội viên thuộc 67 câu lạc bộ những người chơi xe máy cổ tỉnh Đắk Lắk. Một đoàn xe máy cổ rồng rắn như duyệt đội hình, đi suốt 10 con phố dưới sự chỉ huy dẫn đường của chính chú rể - trưởng đoàn, đón cô dâu “về dinh”. Complé áo dài đội mũ bảo hiểm nghiêm chỉnh.

      Không đem lại tai họa cho xã hội nhưng chơi ngông chơi trội gây bức bối dư luận và để lại hình ảnh phản cảm là lớp trẻ “làng giải trí”: Ăn mặc hở hang quá ngưỡng, gây chuyện ầm ĩ, tình ái lăng nhăng chỉ để gây ấn tượng “sao” để nhiều người biết tới qua các trang báo mạng và blog cá nhân. Thời trang phải là hàng hiệu, hàng độc, không “đụng” hàng.

      Chơi ngông chơi trội thường kèm nói ngông “coi trời bằng vung”. “Thiếu gia” đe cảnh sát: “Này, bắt người thì dễ thả người thì khó đấy!” “Này, hãy coi chừng cái sao trên ve áo! Đây có thể vặt như vặt lá!” Một “sao” gái trả lời phỏng vấn báo chí: “Cũng đã có gần chục đạo diễn mời. Nhưng tôi đang cân nhắc!” Chả trách được thời Johnson đương nhiệm Tổng thống Mỹ khi mượn cớ “Sự kiện vịnh Bắc bộ” phát lệnh đánh bom miền Bắc Việt Nam 1965 cũng đã nói ngông “Sẽ cho Bắc Việt trở về thời kỳ đồ đá!”

      Trong các tác phẩm văn học của M.Gorky (Nga), ta thường gặp nhiều hình tượng con gián. Có lẽ Gorky ghét cay ghét đắng phẩm chất loài gián, nên Gorky mới viết “Nó có hai cái râu lúc nào cũng ve vẩy ra điều ta đây!”

Giang Lân

Bình luận
vtcnews.vn