“Café Ấy” ấy là Mỹ Vân

Tổng hợpThứ Tư, 26/09/2012 01:20:00 +07:00

“Café Ấy” chỉ có ở quán “Ấy Café". Tuần rồi Mỹ Vân đưa “Café Ấy” ở quán “Ấy Café” lên chương trình “Sành điệu” Kênh VTC HD1.

“Café Ấy” chỉ có ở quán “Ấy Café". Tuần rồi Mỹ Vân đưa “Café Ấy” ở quán “Ấy Café” lên chương trình “Sành điệu” Kênh VTC HD1. Ấy là phong cách làm chương trình “Sành điệu” của Mỹ Vân gần đây.

Một thời gian dài chương trình “Sành điệu” cứ sa vào những thú chơi đồ đắt tiền như kim cương, hạt xoàn, tắm khoáng, mỹ phẩm khoáng, xe sang, váy áo nạm châu báu… toàn những thứ cực đắt tiền như chuyện của những bà hoàng siêu sao thế giới. Đó là “Sài sang” đâu phải “Sành điệu”. Chúng ta đã hiểu nhầm ý nghĩa của từ sành điệu, nó có nghĩa là sành sỏi trong việc thưởng thức, thẩm định. Am tường và thông thạo về một thứ gì đó.

 
Tôi nhớ phóng viên đầu tiên hiểu ra vấn đề này là Thùy Linh, em đã mang đến cho tôi một chương trình“Không gian âm nhạc” mang tính thể nghiệm ở một sân khấu biểu diễn nhỏ hẹp với một cách trình diễn hàn lâm từ bài trí, ánh sáng đến nhạc cụ và phong cách biểu diễn.

Mà sự thưởng thức âm nhạc là số một, nặng nghe nhẹ nhìn. Mà sự giao tình giữa ca sĩ và người nghe có cộng hưởng giao hòa. Số thứ hai Thùy Linh làm về một người chơi đồ gốm. Ở đó có những sản phẩm gốm độc đáo nhiều thời và người xem được thưởng lãm cái đẹp của gốm cùng nghe những triết lý về gốm. Rồi tắc. Tắc vì vẫn chưa hiểu hết chữ “sành” nên hết đề tài.

Người ta có thể sành nghe hát xẩm, hát chèo. Sành pha trà, pha chế nước giải khát, cũng như sành nấu ăn, nếm bia nếm rượu, sành thẩm định gái ngoan gái hư. Là những thứ trong đời sống thường nhật chỉ có điều thưởng thức ở cấp độ “sành” và có thêm “điệu”.

Thì Mỹ Vân thế chân Thùy Linh đem lại cho tôi một số chương trình “Sành điệu” hấp dẫn và lý thú. Không chỉ là thưởng thức mà còn là “chơi”. Đầu tiên Mỹ Vân “dụ” khán giả trẻ “Khám phá thể thao mạo hiểm”, rồi “Lướt sóng cùng mô hình tàu thủy”, “Bay cùng máy bay mô hình”. Những thứ này phải sành kỹ năng công nghệ, phải sáng tạo cách chơi độc đáo, rèn luyện cách làm việc theo nhóm. Tiếp theo Mỹ Vân “rủ” lớp người tuổi nửa chừng xuân thưởng lãm “Thú chơi cổ vật”,1“Tìm hiểu sứ vẽ vàng”, “Nghỉ ngơi cùng phong cách mới”, “Chăm sóc sức khỏe gia đình” ở các trung tâm luyện tập máy, luyện tập nhảy múa tập thể có vũ đạo. Hải Ninh “ngứa nghề” cũng nhẩy vào một cái “Sành điệu” dành cho những người ham môn thể thao mạnh “Chơi golf trong nhà” ứng dụng công nghệ điện tử rất thú vị...

 
Có nghĩa là Mỹ Vân đã đem lại nhiều chương trình “Sành điệu” đúng nghĩa mang tính cộng đồng, có phổ cập có nâng cao, phù hợp sở thích của nhiều lứa tuổi, trong phạm vi tài chính có thể được số đông chấp nhận. Làm những chương trình như thế đòi hỏi phóng viên trước nhất phải đi tìm kiếm đề tài, lại phải liên hệ để thuyết phục người ta hợp tác giúp mà lại là “giúp chay”.

Truyền hình phát triển nên phóng viên làm phim hơi bị khó. Người ta không cần quảng cáo mà mời như trước. Có nơi còn đòi tiền thuê “hiện trường”. Ấy là chưa kể tổ chức làm phim phải tác nghiệp trong không gian rộng, mà vất nhất là anh quay phim, di chuyển liên tục động tác máy liên hồi giữa trời nắng chang chang không dễ dàng gì khi phải bắt kịp những cảnh chơi và con người chơi nhanh thoăn thoắt như trong “Khám phá thể thao mạo hiểm” hay “Bay cùng máy bay mô hình”.

Trở lại với chương trình “Thư giãn với Cafe mang nhiều phong cách”, Mỹ Vân đã chọn quán “Ấy Cafe”. Có lẽ Mỹ Vân bươn chải lắm mới tìm ra cái quán cafe độc đáo này. Loại phim về đề tài trầm lắng như cafe, đòi hỏi cách tư duy hình ảnh và lời bình có chiều sâu lắng là hợp với Mỹ Vân. Bởi em giàu cảm xúc. Tôi thích cái cách Mỹ Vân bổ đề:

“Ấy Café”, quán có cái tên nghe lạ, dân dã và mộc mạc như cách chúng ta vẫn thường gọi nhau thân mật thời còn đi học”.

“Bước vào “Ấy café”, chúng ta như chìm vào một không gian âm nhạc và nghệ thuật xếp đặt tĩnh mịch, ánh sáng tím vừa phải, cho âm thanh duy nhất là những bản nhạc acoustic nồng ấm và da diết”.

 
“Bởi là quán café, nên café nơi đây được quan tâm hàng đầu, có người đã nói: “Cafe không phải là thú thanh thản như trà, càng không mạnh mẽ bạo liệt như rượu. Người thưởng thức nhẹ nhàng cho rằng cafe là gạch nối giữa niềm vui và nỗi buồn. Với ai đang phiền muộn, cafe càng day dứt như một bản nhạc có nhiều dấu lặng. Còn những kẻ môn đồ của giáo phái cafe thì cho đó là người đàn bà mang bùa ngải trong mình….”.

Mỹ Vân có những trường đoạn phim cho thấy tại “Ấy Cafe” vào ban ngày có thể nhấm nháp ly café và thả hồn cùng những bản nhạc được bật sẵn trên CD. Buổi tối lại có thể cùng bạn bè thưởng thức đồ uống và thưởng thức các chương trình ca nhạc với sự trình diễn của các ca sĩ đang được yêu thích.

Với những ca khúc và giai điệu trẻ trung, cùng những ca sỹ nhiều người biết tới sẽ giúp khách xua đi sự căng thẳng và mệt mỏi trong cuộc sống thường nhật. Đó chính là điểm nhấn của “Ấy”, bởi tại đây luôn có sự chọn lọc trong âm nhạc và trong cách thể hiện, các đêm nhạc sống được trình diễn xen kẽ vào các tối thứ Hai, thứ Tư và Chủ Nhật, không ồ ạt xuyên suốt cả tuần. Tạo nên sức hút đối với các khách hàng từ tuổi mép còn lông tơ cho tới lứa tuổi giữa.

Cùng dòng cafe, Mỹ Vân đưa khán giả đến với Barbetta. Barbetta được nhiều người biết đến nó được chọn làm bối cảnh chính trong MV "Nếu như anh đến" của cô ca sĩ tuổi teen Văn Mai Hương. MC Mạnh Thắng đưa người xem bước qua những bậc cầu thang cũ kỹ, vào một không gian của một căn biệt thự Pháp xưa. Mang phong cách cổ điển, Barbetta gây ấn tượng mạnh với khách bởi sự trang trí cầu kỳ, nổi bật với gam màu nóng. Những đồ dùng từ thời bao cấp tại Hà Nội như quạt điện, bàn ghế gỗ được sắp đặt bên cạnh máy nghe nhạc, đĩa than hay bộ sofa Tây thập niên 1950-1960 mang đến sự hài hòa, độc đáo và lạ mắt.

 
Chất liệu nội thất của quán chủ yếu là gỗ. Màu nâu của bàn ghế, của bình phong, của lan can cùng những bậc thang làm không gian trở nên ấm áp và gần gũi. Tất cả những món đồ tại đây đều khiến bạn liên tưởng đến Hà Nội một thời xa xưa, như chiếc rương đựng đồ, chiếc chậu đồng rửa mặt, chiếc ghế sắt cũ kĩ hay bộ bàn ghế nhỏ xinh xắn mà tuổi thơ ta vẫn ngồi học, hay chiếc đèn dầu, chiếc đồng hồ xưa thật xưa... tạo nên một quán cafe cổ điển, nhưng vẫn mang dáng dấp của sự trẻ trung, tươi mới bởi cách sắp đặt khéo léo của chủ quán.

Trên các bức tường được trang trí những tấm áp phích, những bức ảnh đen trắng hoặc nâu nhạt của những diễn viên nổi tiếng thế giới một thời; những chiếc đĩa than, những chiếc chai nhiều màu bố cục chặt chẽ. Cách bài trí này đã làm cho không gian quán thêm tinh  tế, sắc sảo, vừa đáng yêu quyến rũ cùng cảm giác  khác lạ.

Âm nhạc ở Barbetta không có những đêm biểu diễn nhạc sống như “Ấy Café”, mà là một không gian âm nhạc với những bản nhạc jazz hay blues qua máy chạy đĩa than amply đèn, giai điệu và tiết tấu nhấn nhá tạo nên một không khí khá riêng biệt và ta có thể thả hồn vào với những giai điệu bất hủ ấy.

Những chương trình của Mỹ Vân thường cộng tác với MC Mạnh Thắng. Mạnh Thắng hoạt ngôn ứng khẩu tình huống sáng tạo dẫn dắt người xem truyền hình liên tục không phút ngơi nghỉ. Cái đoạn Mạnh Thắng yêu cầu người đứng quầy hãy làm cho anh ta một ly “Café Ấy” xem có gì khác “Café khác”, có crem vắt trăng bên trên, rồi anh ta mút ống chặp chặp tươi cười khen ngon thơm ơi là ngon thơm làm tôi thấy… thèm.

Lúc ấy tôi gọi điện cho Mỹ Vân. Em ốm. Giọng nghẹn ngào. Tôi trách sao em không cho tôi đi cùng đến “Ấy Café” chứ đâu phải xem Mạnh Thắng nhem nhèm “Café Ấy”. Để rồi Mạnh Thắng còn khua môi múa mép “Nếu có một ngày bạn muốn “trốn” mình khỏi cái ồn ào, vội vã của Hà Nội, muốn được thả mình thư giãn trong bầu không khí ấm cúng, chọn cho mình một góc riêng kín đáo để đọc sách hay nghe nhạc, thì hãy thử một lần đắm mình trong không gian xưa cũ của “Ấy Café” hay “Barbetta”, tự mình khám phá và trải nghiệm những phong cách đang được yêu thích hiện nay để thấy rằng sự hòa quyện giữa cái cũ và cái mới chính là nét nổi bật của những quán café như “Café Ấy”.

KA – QUY – BÊ

Bình luận
vtcnews.vn