Cách trang trí mâm ngũ quả đẹp ngày Tết

Gia đìnhThứ Ba, 30/01/2024 18:00:00 +07:00
(VTC News) -

Mỗi loại quả khi bày trên ban thờ đều có ý nghĩa riêng, vì vậy các gia đình cần nắm rõ cách bày mâm ngũ quả để gửi gắm ước nguyện của mình trong năm mới.

Ngày Tết cổ truyền, trên bàn thờ tổ tiên, ngoài cỗ xôi con gà, hoa đào (hoặc hoa mai), bánh chưng (hoặc bánh tét) thì mâm ngũ quả cũng là thứ không thể thiếu.

Mâm ngũ quả ngày Tết gồm 5 loại trái cây khác nhau, mỗi loại tượng trưng cho một ước nguyện của gia chủ thông qua tên gọi và màu sắc của nó. Không những thế, "ngũ" còn thể hiện ước muốn của người Việt đạt được ngũ phúc lâm môn: Phúc, quý, thọ, khang, ninh.

Ở ba miền, tùy theo quan niệm và phong tục tập quán mà người ta có cách bày mâm ngũ quả khác nhau. 

Cách trang trí mâm ngũ quả đẹp ngày Tết

Tùy vào từng vùng miền, địa phương mà gia chủ chọn lựa các loại trái cây để bày mâm ngũ quả. Dựa trên hiểu biết về mâm ngũ quả truyền thống, mỗi gia đình cũng có thể thay đổi, sáng tạo cho phù hợp với điều kiện cũng như sở thích của mình.

Mâm ngũ quả miền Bắc

Với miền Bắc, mâm ngũ quả thường được bày theo ngũ hành, được phối theo 5 màu: Kim - màu trắng hoặc xám, ghi, Mộc - xanh lá, Thủy - màu đen, Hỏa - màu đỏ, Thổ - màu vàng. Mâm ngũ quả miền Bắc thường có chuối xanh, bưởi vàng (hay phật thủ), táo, thanh long, quýt.

Mâm ngũ quả đẹp ngày Tết ở miền Bắc thường dùng nải chuối xanh tượng trưng cho hành Mộc đặt ở dưới cùng để đỡ lấy các loại quả khác. Nải chuối như một bàn tay nâng đỡ, che chở cho gia chủ. 

Quả phật thủ hay bưởi vàng tượng trưng cho hành Thổ thường được đặt ở chính giữa nải chuối. Các loại trái cây còn lại như ớt đỏ tượng trưng cho hành Hỏa; đào, lê - hành Kim được bài trí xung quanh mâm ngũ quả sao cho hài hòa, cân đối.

Người miền Bắc thường kiêng dùng các loại quả có gai nhọn, có mùi nồng hay thân xù xì vì cho rằng chúng có thể mang lại vận rủi cho gia chủ.

Các loại trái cây bày trong mâm ngũ quả được chọn theo số lẻ, xếp đan xen và so le với nhau.

Mâm ngũ quả miền Bắc. (Ảnh: Tran Hong Van)

Mâm ngũ quả miền Bắc. (Ảnh: Tran Hong Van)

Mâm ngũ quả miền Trung

Do các loại trái cây miền Trung không được phong phú như nhiều nơi khác nên mâm ngũ quả ngày Tết thường khá đơn giản và là sự giao thoa của hai miền Bắc - Nam. Thường người ta dùng cây nhà lá vườn, mùa nào thức nấy, thành tâm mới là điều quan trọng.

Các loại trái cây thường được đưa vào mâm ngũ quả miền Trung là cam, dừa, chuối, xoài, đu đủ, quýt, thanh long, dứa, mãng cầu, sung, dưa hấu…

Cách trang trí của người miền Trung khá đơn giản và không cầu kỳ. Những quả to, nặng thường được đặt ở dưới cùng, những quả nhỏ được xếp đan xen lẫn nhau để tạo nên sự hài hòa hoàn hảo.

Mâm ngũ quả miền Trung khá đơn giản. (Ảnh: Tiệm gốm AjiSun)

Mâm ngũ quả miền Trung khá đơn giản. (Ảnh: Tiệm gốm AjiSun)

Ngày nay, khi các loại trái cây được bán khắp mọi miền, mâm ngũ quả miền Trung cũng đa dạng hơn rất nhiều.

Mâm ngũ quả miền Nam

Người miền Nam bày mâm ngũ quả theo mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài”, ước mong một năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, một số nhà còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.

Khác với miền Bắc hay bày chuối, cam quýt, táo, người miền Nam thường tránh những loại quả có phát âm không tốt như lê (lê lết, dễ thất bại), chuối (chúi nhủi, không phất lên được), quýt (quýt làm cam chịu), táo - người miền Nam thường gọi là quả “bom”, sầu riêng - loại quả có cái tên khá buồn…

Cách bày mâm ngũ quả ở miền Nam thường là xếp các quả nặng, to và màu xanh ở phía dưới. Bên trên là những quả chín, nhỏ xen kẽ nhau. Đặc biệt, họ thường trang trí mâm ngũ quả giống như một ngọn tháp. Hai bên mâm ngũ quả là cặp dưa hấu đẹp mắt.

Mâm ngũ qả miền Nam theo mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài”.

Mâm ngũ qả miền Nam theo mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài”.

Ý nghĩa một số loại trái cây trong mâm ngũ quả

Mỗi loại trái cây bày trên mâm ngũ quả đều chuyển tải một thông điệp:

Chuối xanh: Màu xanh tượng trưng cho hành Mộc, mang ý nghĩa như bàn tay ngửa để che chở, đem lại sự bình an, sung túc, đùm bọc và gắn kết.

Quả phật thủ: Phật thủ có hình dạng đặc biệt tựa như những bàn tay của Phật, che chở, bảo vệ cho gia đình. Phật thủ thường được đặt ở trung tâm, nơi cao nhất trong mâm ngũ quả.

Táo: Có nghĩa là phú quý.

Quýt/quất: Âm Hán của từ “quất” gần giống từ “cát” nghĩa là tốt lành. Người ta bày quất trên mâm ngũ quả với ý nghĩa cầu mong năm mới cát tường, ăn nên làm ra.

Bưởi: Được đặt trên nải chuối xanh, tượng trưng cho phúc lộc.

Dưa hấu: Dưa hấu với vỏ xanh và ruột đỏ tượng trưng cho sự may mắn. Quả dưa căng tròn mọng nước, ngọt thanh tượng trưng sự sung túc và căng tràn sức sống. Dưa hấu ruột vàng cũng được ưa thích vì màu vàng cũng là màu may mắn.

Đu đủ: Chưng đu đủ trong ngày Tết, người Việt Nam bày tỏ mong muốn được đầy đủ, sung túc, viên mãn không chỉ về kinh tế mà cả các mặt khác của cuộc sống.

Xoài: Tên trái cây này gần với âm “xài”, ý muốn cầu mong tiêu xài không thiếu thốn, cuộc sống sung túc.

Dừa: Người miền Nam phát âm là “vừa”, ý cầu mong sự vừa đủ, không túng thiếu.

Sung: Tên loại quả này khiến người ta nghĩ đến sự đầy đủ, sung mãn. 

Dứa: Với dáng như rồng (vỏ giống như vảy rồng), quả này mang ý nghĩa phát triển, giàu có, may mắn và thịnh vượng.

Thanh long: Mang ý nghĩa rồng mây hội tụ, tượng trưng cho sự cát tường, thịnh vượng.

Nho: Trong phong thủy, nho tượng trưng cho sự phong phú của cải vật chất, cũng đại diện cho sự thành công. Đôi khi, nho cũng được sử dụng như công cụ phong thủy để hóa hung thành cát, biến vận hạn, rủi ro thành may mắn.

Quả trứng gà (hay lê-ki-ma): Loại quả này có hình như đào tiên với ý nghĩa là lộc trời.

Quả lê: Vị ngọt thanh, ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.

Quả lựu: Nhiều hạt tượng trưng cho con đàn cháu đống.

Nhật Thùy(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn