Cách ngắm đợt mưa sao băng cực đại trong năm ở VN

Khoa học - Công nghệThứ Hai, 13/12/2010 06:05:00 +07:00

(VTC News) – Để quan sát mưa sao băng vào nửa đêm 13/12, rạng sáng ngày 14/12 và nửa đêm 14/12, rạng sáng ngày 15/12, nên nhìn về hướng Bắc hơi lệch Đông.

(VTC News) – Theo thạc sĩ Phan Văn Đồng, phó chủ tịch Hội Thiên văn học – vũ trụ Việt Nam, để quan sát mưa sao băng vào nửa đêm 13/12 rạng sáng ngày 14/12 và nửa đêm 14/12, rạng sáng ngày 15/12, người xem nên nhìn về hướng Bắc hơi lệch Đông.

Quan sát lúc nào đẹp nhất?

Thạc sĩ Phan Văn Đồng cho biết: “Mưa sao băng là hiện tượng thường niên có liên quan đến sự tan rã của một sao chổi. Sao chổi đó quét vào vùng gần khí quyển trái đất thì mảnh đó va vào khí quyển trái đất và bốc cháy làm ion hóa khí quyển trái đất, khí quyển trái đất bức xạ lại nên có ánh sáng”.

Thời điểm quan sát mưa sao băng đẹp nhất là vào nửa đêm về sáng ngày 14/12 và 15/12.

Mưa sao băng. (Ảnh: Internet)

Còn theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, chủ nhiệm câu lạc bộ Thiên văn học trẻ Việt Nam thì: “Trận mưa sao băng Geminids diễn ra trong khoảng dài từ ngày 5-6/12 đến 20/12 và giờ cực điểm vào ban ngày của ngày 14/12. Nhưng chúng ta chỉ quan sát được mưa sao băng vào đêm và rạng sáng vì trước 1h sáng khó quan sát”.

“Chúng ta có thể quan sát được nhiều nhất vào 3h sáng 14/12, và 1 – 2h sáng ngày 15/12. Những thông tin này về nguyên tắc có thể tính được. Dựa vào chuyển động quỹ đạo của trái đất và thiết bị có thể tính được thời gian cực điểm khi những thiên thạch này va chạm vào tầng khí quyển của trái đất”.

Liệu mưa sao băng có ảnh hưởng gì đến trái đất cũng như sức khỏe  con người? Thạc sĩ Phan Văn Đồng khẳng định: Mưa sao băng hoàn toàn không ảnh hưởng gì đế khí hậu, sức khỏe của con người. Vì một năm có nhiều đợt mưa sao băng được tính toán và công bố theo lịch. Nhưng lần mưa sao băng này khá đặc biệt vì những đợt mưa sao băng bình thường tần suất xuất hiện chỉ 50 sao băng/giờ còn lần này được dự báo là cực đại của năm. Trong 1 giờ có thể đếm được 100 – 120 sao băng.

Làm thế nào để quan sát được mưa sao băng?

Người quan sát tại Việt Nam có thể nhìn theo hướng Đông Bắc về phía chòm sao Gemini (Song Tử). (Ảnh: Internet)

Mưa sao băng thường rơi ở phổ rộng, người quan sát ở Hà Nội nói riêng và các điểm khác tại Việt Nam đều có thể ngắm theo hướng Bắc hơi chệch sang Đông.

Để quan sát được mưa sao băng, tốt nhất cần có trường nhìn rộng. Người ngắm sao băng nên chọn những chỗ đất cao, xa ánh điện thành phố, vùng đồng quang mông quạnh.

Thạc sĩ Đồng tư vấn: “Nên nhìn bằng mắt thường hoặc ống nhòm chứ quan sát bằng kính thiên văn cũng không ăn thua vì sao băng rơi rất nhanh. Quan sát bằng mắt cũng không bị ảnh hưởng gì do cường độ sáng của sao băng yếu. Nếu trời mây mù thì không quan sát được”.

Còn ông ông Đặng Vũ Tuấn Sơn tư vấn: “Vì thời gian sao băng rơi khá dài, nên chuản bị sẵn chiếu hoặc ghế nằm để quan sát cho đỡ mỏi cổ. Cần chuẩn bị mũ, áo ấm trang thiết bị cần thiết và cả... dầu đuổi muỗi”.

Ông Sơn còn cho biết: Người xem đừng quá kỳ vọng mưa sao băng nó sẽ tuôn xối xả như những hình ảnh có trên mạng nên cần phải kiên nhẫn đợi.


Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn