Các môn học được tích hợp thế nào từ lớp 6?

Tin tức - Sự kiệnThứ Năm, 01/04/2021 14:48:00 +07:00
(VTC News) -

Dạy học tích hợp là khái niệm mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 được áp dụng từ lớp 6, năm học 2021 – 2022.

Theo chương trình mới, ở bậc trung học cơ sở, các môn học Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học được tích hợp lại thành hai môn chính Khoa học Tự nhiên; Lịch sử và Địa lý.

Tích hợp khoa học, tránh trùng lặp

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho biết, tích hợp là định hướng dạy học mới, trong đó giáo viên tổ chức, hướng dẫn để học sinh biết huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Việc dạy học tích hợp triển khai theo ba định hướng. Thứ nhất, tích hợp giữa các mảng kiến thức khác nhau, giữa yêu cầu trang bị kiến thức với việc rèn luyện kỹ năng trong cùng một môn học, tích hợp giữa. Thứ hai, tích hợp kiến thức của các môn học, khoa học có liên quan với nhau (ở mức thấp là liên hệ kiến thức được dạy với những kiến thức có liên quan trong dạy học; ở mức cao là xây dựng các môn học tích hợp). Thứ 3, tích hợp một số chủ đề quan trọng gồm: chủ quyền quốc gia, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, giáo dục tài chính vào nội dung chương trình nhiều môn học.

Cụ thể, ở môn Lịch sử và Địa lý, gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lý, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng. Bốn chủ đề chung mang tính tích hợp cao được phân phối phù hợp với mạch nội dung chính của mỗi lớp, là: Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam; Đô thị – lịch sử và hiện tại; Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; Các cuộc đại phát kiến địa lý.

Với môn Khoa học Tự nhiên, các kiến thức được tổ chức theo 4 chủ đề khoa học chính, gồm: Chất và sự biến đổi của chất; Vật sống; Năng lượng và sự biến đổi; Trái Đất và bầu trời.

Các môn học được tích hợp thế nào từ lớp 6? - 1

Sách giáo khoa lớp 6 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Về cách bố trí, các tác giả biên soạn sách giáo khoa được yêu cầu xây dựng theo mạch nội dung tích hợp các kiến thức. Ví dụ khi cô giáo dạy về vật thể sống, nội dung không chỉ đơn thuần là kiến thức sinh học, mà còn tích hợp nhiều kiến thức khác nhau. Điều này đòi hỏi giáo viên dạy Sinh học ngoài việc dạy kiến thức phải đảm nhận thêm việc bổ sung các kiến thức nền cho học sinh.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, việc tích hợp sẽ giảm nội dung trùng lặp giữa các môn học Vật lý, Hoá học và Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Ví dụ, nội dung protit, lipit, gluxit dạy trong kiến thức Hoá học thì sẽ không cần dạy trong kiến thức Sinh học nữa hay khái niệm vật chất đã dạy trong nội dụng Hoá học sẽ không cần dạy trong nội dung Vật lý nữa; chủ đề về năng lượng trước đây được dạy riêng trong từng môn nay được tích hợp chung; chủ đề nước trong tự nhiên trước đây được dạy cả ở Hoá học và Vật lý thì nay được dạy chung trong môn Khoa học tự nhiên.

Trước băn khoăn của nhiều giáo viên về cách triển khai việc dạy học tích hợp, GS Thuyết cho biết, tuy việc dạy môn tích hợp không còn riêng biệt từng môn như trước đây nhưng cơ bản số lượng công việc của thầy cô không thay đổi. Điều quan trọng, để dạy các môn tích hợp đạt hiệu quả thì giáo viên cần bám sát nội dung bồi dưỡng, đồng thời cần vận dụng sáng tạo các kiến thức từ sách giáo khoa cho học sinh dễ tiếp thu, dễ hiểu bài.

Mặt khác, ông cũng khẳng định, các nội dung giáo dục và hình thức tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới cơ bản không làm thay đổi lớn số lượng giáo viên hiện nay. Giáo viên hiện hành đều có thể tham gia dạy các môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý được ngay khi bước vào năm học mới.

Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, giáo viên dạy các môn tích hợp rất đa dạng. Có giáo viên chỉ dạy một mạch nội dung nhưng cũng nhiều giáo viên dạy được 2 hoặc 3 mạch nội dung. Do vậy, một môn học có nhiều giáo viên đảm nhận là việc bình thường và phổ biến.

Ông cho biết thêm, việc viết sách giáo khoa lần này cũng rất vất vả. Các tác giả xác định đây không còn là trách nhiệm mà còn cần tình yêu thực sự với đổi mới giáo dục mới có thể vượt qua. Sách giáo khoa mới được biên soạn với phương châm tinh giảm, kế thừa nội dung hiện hành, đạt được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, thiết thực, gắn liền với cuộc sống. Thông qua môn học giúp học sinh khơi nguồn sáng tạo, tư duy rộng hơn trong quá trình học tập. Đây cũng chính là quan điểm được Bộ GD&ĐT, các chuyên gia xây dựng chương trình và tác giả biên soạn sách thực hiện xuyên suốt thời gian qua.

"Mỗi quốc gia sẽ có những cách tích hợp các môn khác nhau. Chúng tôi chọn cách tích hợp ở mức độ vừa phải, phù hợp với trình độ giáo viên phổ thông hiện hành, để các thầy cô yên tâm giảng dạy", Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới nhấn mạnh.

Xu hướng phù hợp với thế giới

Bàn về dạy học tích hợp trong chương trình mới, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thẩm định các đầu sách giáo khoa lớp 6 cho năm học 2021 - 2022  kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn Việt Nam cho thấy, dạy các môn tích hợp giúp việc học của học sinh gắn với thực tế hơn. Từ đó giúp học sinh phát triển các phẩm chất và năng lực cần thiết, khả năng tổng hợp kiến thức, kỹ năng… thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống, nhất là năng lực giải quyết vấn đề.

Theo ông Thành, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn học tích hợp được thực hiện chủ yếu ở cấp tiểu học và cấp THCS. Ở cấp tiểu học, môn học có tên Tự nhiên và Xã hội, môn Khoa học. Đến cấp THCS sẽ phát triển thành môn Khoa học Tự nhiên. Ở cấp trung học phổ thông, khoa học tự nhiên được chia ra thành các môn học riêng rẽ là Vật lý, Hoá học và Sinh học.

Như vậy, xu hướng tích hợp trong chương trình giáo dục mới lần này là tích hợp sâu ở lớp dưới và phân hoá dần ở các lớp trên.

Trên thế giới gần 70 nước đang dạy môn tích hợp ở cấp THCS (chẳng hạn như ở Anh, Thụy Sỹ, Xứ Wales, Australia, Niu Di-lan, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhiều bang ở Mỹ…), đạt nhiều kết quả khả quan.

Các môn học được tích hợp thế nào từ lớp 6? - 2

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT.

Về thời lượng môn học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết, việc đưa các môn tích hợp vào thay thế môn học truyền thống sẽ không làm tăng thời lượng dạy học. Chương trình được xây dựng cả bậc trung học cơ sở là 560 tiết, chiếm 12% trên tổng số giờ của tất cả các môn học. Như vậy thời lượng không có thay đổi nhiều so với chương trình hiện hành nên không làm dư thừa số giáo viên hiện nay hay làm thiếu hụt giáo viên.

So với chương trình của một số nước trên thế giới, nếu môn Khoa học Tự nhiên của các nước chiếm từ 11 đến 14%, thì môn học của chúng ta là ở mức trung bình. Hoặc so với chương trình hiện hành (tổng số 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học là 595 tiết) thì chương trình lần này có ít đi đôi chút, do đã tích hợp và cắt giảm bớt các tiết có nội dung trùng lặp.

Về nội dung, PGS Thành cho biết, các môn tích hợp kiến thức làm cho chương trình nhẹ hơn và hấp dẫn hơn với người học. Các môn này không đi sâu mô tả đối tượng, mà đi thẳng vào chức năng và ý nghĩa ứng dụng thực tiễn, gần gũi với cuộc sống hơn.

Ví dụ, khi học về thực vật học, chương trình không tập trung vào mô tả cấu trúc của các cơ quan thực vật mà tập trung vào chức năng hoạt động và ý nghĩa thực tiễn của các cơ quan, hệ cơ quan.

Khi học về Hoá học, Vật lý và Sinh học, các khái niệm, định luật... được tiếp cận theo phương pháp làm nổi rõ bản chất, ý nghĩa khoa học, tránh khuynh hướng làm chương trình nặng hơn (tránh nặng về vận dụng toán học trong các môn khoa học, tránh thực hiện các bài tập lắt léo).

Để chuẩn bị cho triển khai dạy học tích hợp ở lớp 6 năm học 2021 – 2022 tới, từ tháng 1/2021, Bộ GD&ĐT cùng các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn, tại nhiều nơi. Trong đó, chú trọng bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên các môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học để sẵn sàng tâm lý đứng lớp các môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Tuy nhiên, từ thực tế tập huấn, biên soạn sách giáo khoa và chuẩn bị triển khai trước thềm năm học mới đã bộc lộ một số bất cập.

Nhấn mạnh đến 5 nguyên lý cơ bản của dạy học các môn tích hợp, PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, Trưởng nhóm xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới môn Khoa học Tự nhiên viện dẫn gồm: Tính đa dạng; Cấu trúc; Biến đổi; Vận động và Hệ thống. Giáo viên dạy theo mạch chủ đề nào cũng phải bám sát các nguyên lý trên. Nói cách khác, 5 nguyên lý đó chính là sợi dây kết nối bài học. Tuy nhiên, để các thầy, cô có thể dạy tốt môn Khoa học Tự nhiên, cần quan tâm, chú trọng đến công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn