Các ca COVID-19 nặng hiện nay không giống tình trạng phi công người Anh

Tin tứcThứ Năm, 13/08/2020 21:04:59 +07:00
(VTC News) -

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, khác với BN91, các ca COVID-19 nặng hiện nay ở nước ta đều có mắc kèm nhiều bệnh lý nền nên dễ gặp biến chứng dẫn đến thiệt mạng.

Tính tới sáng 13/8, theo thống kê từ Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống COVID-19, nước ta có 15 bệnh nhân COVID-19 đang trong tình trạng nặng, 20 bệnh nhân tử vong (tính tới 18h hôm nay).

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống COVID-19, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, công tác điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng lần này so với BN91 – phi công người Anh lần trước - có rất nhiều điểm khác biệt.

Các ca COVID-19 nặng hiện nay không giống tình trạng phi công người Anh - 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống COVID-19, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Đà Nẵng. (Ảnh: Bộ Y tế).

Điển hình nhất là việc đại đa số các ca nguy kịch, ca tử vong hiện nay tại Việt Nam đều có bệnh nền nặng và thời gian bệnh dài. Đây là lý do tại sao nhiều người bệnh lại dễ gặp biến chứng “chết người” như suy tim, suy thận hay suy kiệt cơ thể đến vậy.

“Điều này làm cho khả năng đáp ứng trong điều trị của các bệnh nhân so với BN91 rất kém. Một khi cơ thể người bệnh đã bị giảm miễn nhiễm, lại thêm virus SARS-CoV-2 xâm nhập thì sẽ tạo cơ hội làm tình trạng bệnh nặng thêm dù chúng ta đã nỗ lực cứu chữa hết sức”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng nhận định, trong tất cả các trường hợp bệnh nhân có bệnh lý nền nặng, nguy hiểm nhất vẫn là các bệnh nhân đang phải chạy thận nhân tạo. Những bệnh nhân này, đặc biệt là những trường hợp chạy thận lâu năm cơ thể bị suy giảm miễn dịch, dễ dẫn đến suy tim, suy đa tạng, làm ảnh hưởng tới chức năng khác. Đây chính là điều kiện thuận lợi để virus xâm nhập vào cơ thể và gia tăng những biến chứng nguy hiểm.

Chia sẻ về phác đồ điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, cho đến hiện tại, phác đồ điều trị tại Việt Nam đã trải qua 6 lần chỉnh sửa, thay đổi và bổ sung.

Tuy nhiên, phác đồ được dùng cho các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 không phải là khung điều trị cố định. Bởi đối với mỗi bệnh nhân, ngoài việc được hồi sức tích cực tại chỗ thì y bác sĩ sẽ hội chẩn trực tuyến. Để rồi từ đó kế thừa những kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành trong Tổ Điều trị, tùy theo tình trạng từng bệnh nhân mà y bác sĩ sẽ chọn lựa những quyết định điều trị phù hợp.

Chiều 13/8, Bộ Y tế công bố thêm 22 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm virus corona tại nước ta lên 905.

Trong 22 ca mắc mới có 14 ca tại Đà Nẵng, 2 ca tại Quảng Nam, 1 ca tại Quảng Trị và 5 ca tại Khánh Hòa được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, có 133.340 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly tại nước ta. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện: 5.361, cách ly tập trung tại cơ sở khác: 25.043, cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 102.936, cả nước có 327 ca mắc COVID-19 nhập cảnh được cách ly ngay.

Đến thời điểm này có 421/905 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh. Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 71 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-2 lần với virus SARS-CoV-2. Cả nước hiện còn 456 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.

Video: Ca mắc COVID-19 (BN416) ở Đà Nẵng có dấu hiệu giống bệnh nhân 91

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn