Cà Mau: Triển khai chương trình giảm nghèo bền vững có hiệu quả

An SinhThứ Năm, 23/11/2023 16:27:15 +07:00
(VTC News) -

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau triển khai nhiều chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững có hiệu quả, góp phần ổn định đời sống người dân.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều (cả hộ nghèo và cận nghèo) của tỉnh này còn 4,27%, trong đó hộ nghèo chiếm 2,41%. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 là trên 365 tỷ đồng.

Kế hoạch giảm nghèo bền vững năm 2023 của UBND tỉnh Cà Mau đề ra mục tiêu đến cuối năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tối thiểu 0,8%. Tỉnh cũng đặt kế hoạch hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo đảm bảo mức sống tối thiểu, tăng dần khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững…

Để thực hiện nhiệm vụ này, ngay từ đầu năm 2023 UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các Sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố Cà Mau tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo; đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân.

Các Sở, ngành chú trọng tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), gắn các mục tiêu giảm nghèo bền vững với tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an sinh xã hội và tạo sinh kế bền vững; giúp hộ nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống.

Tích cực đào tạo nghề, chuyển giao ứng dụng kỹ thuật sản xuất, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; thực hiện đầy đủ, kịp thời, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo đúng đối tượng, tránh sai sót; huy động mọi nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững (trong đó, ưu tiên đẩy mạnh xã hội hóa), góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, đảm bảo tính bền vững, lâu dài.

Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững…

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh (bìa phải) cùng lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau đi khảo sát mô hình sinh kế của người dân ở huyện U Minh.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh (bìa phải) cùng lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau đi khảo sát mô hình sinh kế của người dân ở huyện U Minh.

Giúp hộ nghèo sau khi tham gia mô hình thoát được nghèo

Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 hồi cuối tháng 5/2023, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh đánh giá cao công tác chỉ đạo thực hiện chương trình và đề nghị tỉnh tiếp tục tập trung triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc,…

Theo Thứ trưởng Thanh, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn để người dân có điều kiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, để làm sao giúp cho người dân bớt nghèo. Cho nên, phải xác định rõ mục tiêu này và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, lâu dài.

Về đa dạng hóa các mô hình sinh kế, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, phải làm sao giúp cho hộ nghèo sau khi tham gia mô hình là thoát nghèo, đấy mới là mục tiêu quan trọng. Với một tỉnh thuần nông, có đất sản xuất, có sức lao động, theo lãnh đạo Bộ LĐTBXH, quan trọng là biết tận dụng và khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, khơi dậy ý chí và khát vọng thoát nghèo của người dân.

Khi xây dựng mô hình sinh kế cần có doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ tham gia cho quy mô, chuỗi cung ứng cao hơn. Mô hình không chỉ sản xuất nông nghiệp mà cái nào tốt thì làm, kể cả tiểu thủ công nghiệp, thương mại nhưng phải có lãi, mới có thu nhập.

Thứ trưởng cho rằng, có thu nhập thì người dân mới thoát nghèo. Tránh việc gom hết vào mô hình nhưng đầu kỳ, cuối kỳ vẫn như nhau, hộ nghèo vẫn là nghèo thì mô hình này không đạt hiệu quả. Người dân khó khăn nhất là đầu ra. Do đó, nếu có sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã thì đầu ra của người dân sẽ ổn định.

Theo Thứ trưởng, muốn có việc làm tốt thì phải đào tạo nghề và việc này cũng phải tuyên truyền cho người dân. Cà Mau là nguồn cung lao động, khi có nhà đầu tư đến, họ cũng nhìn vào đó để đánh giá nguồn lực thế nào. Khi có thu nhập tốt, lao động sẵn sàng quay về địa phương, như vậy mới phát triển, giảm nghèo bền vững được.

Theo thống kê từ Sở LĐTBXH Cà Mau, trong nửa đầu năm 2023, tỉnh có 4.399 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ vay vốn làm kinh tế; vay giải quyết việc làm 2.790 lượt, cho vay xuất khẩu lao động 27 lượt, với tổng kinh phí là 274.214 triệu đồng và nhiều chương trình cho vay ưu đãi khác.

Thực hiện miễn học phí cho 462 học sinh thuộc hộ gia đình nghèo, giảm học phí cho 441 học sinh thuộc hộ gia đình cận nghèo với số tiền trên 187 triệu đồng, hỗ trợ chi phí học tập cho 334 em với số tiền trên 167 triệu đồng; hỗ trợ sữa tươi cho 6.325 học sinh với số tiền là 6.289 triệu đồng; có 285 hộ gia đình học sinh, sinh viên nghèo, cận nghèo và hộ gia đình có mức sống trung bình được hỗ trợ vay vốn tín dụng.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn