Cà Mau tăng cường liên kết nâng giá trị xuất khẩu tôm

Thị trườngThứ Bảy, 02/12/2023 14:40:01 +07:00
(VTC News) -

Đạt được chứng nhận ASC Group tạo tiền đề cho Cà Mau trong việc đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có hơn 40.000 ha lúa - tôm đạt được một trong các chứng nhận quốc tế.

Cà Mau đặt mục tiêu phát triển ngành tôm trở thành trung tâm lớn nhất vùng Ðồng bằng sông Cửu Long và cả nước, với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Cà Mau.

Đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế của tỉnh và cả nước.

Theo kế hoạch Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đến năm 2030, Cà Mau đặt mục tiêu sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 570.000 tấn/năm.

Nông dân Cà Mau trúng mùa tôm. (Ảnh  minh họa: Huỳnh Lâm)

Nông dân Cà Mau trúng mùa tôm. (Ảnh  minh họa: Huỳnh Lâm)

Việc đạt được chứng nhận ASC Group (xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động) là bước khởi đầu, tạo tiền đề cho tỉnh Cà Mau trong việc đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có hơn 40.000ha lúa - tôm đạt được một trong các chứng nhận quốc tế về ASC Group và một số chứng nhận về hữu cơ khác.

Từng bước đưa sản phẩm tôm Cà Mau đến với hầu hết thị trường khó tính trên thế giới, không chỉ góp phần nâng cao giá trị con tôm sú địa phương mà còn nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân.

Để đạt mục tiêu đề ra, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã chủ động, quyết liệt trong quản lý và hỗ trợ người nuôi tôm bằng nhiều giải pháp, như: Tăng cường kiểm soát chất lượng của toàn chuỗi giá trị nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện truy xuất nguồn gốc, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật, ao nuôi cho bà con nông dân...

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, để ngành tôm Cà Mau phát triển bền vững, theo hướng hiện đại, địa phương đang xây dựng chuỗi liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giống, thức ăn, thuốc thú y đầu vào cho sản xuất.

Đồng thời liên kết giữa người nuôi tôm với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, thậm chí liên kết với các nhà phân phối, nhà bán lẻ để bảo đảm sản xuất, chế biến, phân phối tôm nằm trong chuỗi khép kín.

Tôm Cà Mau.

Tôm Cà Mau.

Tới đây, địa phương sẽ tăng cường chuyển giao, ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình nuôi có hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu. Khuyến khích áp dụng các quy trình kỹ thuật nuôi mới, hiệu quả, thân thiện môi trường như Biofloc, các mô hình nuôi ít thay nước, nuôi 2-3 giai đoạn, nuôi trồng thủy sản hữu cơ, tiết kiệm năng lượng...

Tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các vùng nuôi quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sắp tới tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức Festival tôm nhằm giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, các quy trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó chủ lực là con tôm, góp phần kết nối giao thương giữa các vùng, trong và ngoài nước.

Qua đó, khẳng định vị thế con tôm là ngành hàng chủ lực, là động lực thúc đẩy kinh tế tỉnh Cà Mau phát triển bền vững", ông Lê Văn Sử nói.

Sự kiện Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL có chủ đề “Festival tôm Cà Mau 2023 - Tự hào thương hiệu Việt” là sự kiện có quy mô cấp khu vực, diễn ra từ ngày 10 - 13/12 tới.

Sự kiện Festival tôm Cà Mau gồm nhiều hoạt động nổi bật gắn liền với con tôm như: Không gian trưng bày triển lãm, thương mại ngành tôm và sản phẩm OCOP với gần 400 gian hàng tại Quảng trường Phan Ngọc Hiển; Hội thảo: Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng tôm Cà Mau, Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành tôm…

Bên cạnh đó, sự kiện còn có các Hội nghị: Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau, Tổng kết chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL; Kết nối giao thương sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL 2023. Ngoài ra, còn có các chương trình về xúc tiến thương mại, du lịch cũng được tổ chức.

Hoàng Thọ
Bình luận
vtcnews.vn