ĐBQH "chê" dự luật Bảo vệ Người tiêu dùng

Kinh tếThứ Năm, 10/06/2010 07:35:00 +07:00

(VTC News) – “Bảo vệ phải là như thế, chứ chung chung như trên trời thế này thì phải bỏ đi 2/3 các quy định để làm lại cho cụ thể”, ĐB Bình nhận định.

(VTC News) – Theo ĐB Trần Đình Long (Đắc Lăk): Quan trọng nhất trong dự luật Bảo vệ Người tiêu dùng phải là BVQLNTD như thế nào.

Chiều 9/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự Luật Bảo vệ quyền lợi ngưi tiêu dùng (BVQLNTD), nhiều câu hỏi được đặt ra khi dự luật chưa trả lời được, nhiều ĐBQH thằng thắn “chê” dự luật.

ĐB Lê Quang Bình (Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh) đặt câu hỏi: Luật này quy định gì? Rồi chính ĐB Bình gợi mở, phải quy định cụ thể cái người dân đang mong đợi. Ví dụ đơn giản như mua con gà cân thịt bị cân thiếu thì phải quy định cơ quan nào kiểm tra để người dân phát hiện được thì báo ngay cho cơ quan đó xử lý.

ĐBQH Nguyễn Đình Xuân tại buổi thảo luận chiều 9/6 về dự luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Ảnh: Kiều Minh) 
Hàng hoá dịch vụ gian dối thì xử lý thế nào? Một viên thuốc quảng cáo bề ngoài đẹp, mọi người truyền tai nhau mua thì ai là người kiểm tra chất lượng?

“Bảo vệ phải là như thế, chứ chung chung như trên trời thế này thì phải bỏ đi 2/3 các quy định để làm lại cho cụ thể” – ĐB Bình nhận định.

Trần Đình Long (Đắc Lăk) nhấn mạnh, quan trọng nhất phải là BVQLNTD như thế nào. Chẳng hạn, phải quy định người bán hàng phải có phương tiện kiểm tra, phân loại chất lượng, chợ phải có cân, máy đo độ ẩm để người tiêu dùng có thể kiểm tra ngay, như thế mới là BVNTD. Hoặc ở chợ, siêu thị phải có ban quản lý để người tiêu dùng khi gặp vấn đề có chỗ để phản ánh. Làm sao đó để người tiêu dung phải tự bảo vệ được họ.

“Còn quy định như trong dự thảo thì chẳng có gì là BVNTD cả”.

ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cũng nhấn mạnh, về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước BVQLNTD trong dự Luật quy định rất chung, không rõ ràng như: “các  cơ quan khác” (gồm Chính phủ, Bộ Công thương, các cấp ngành…). “Bộ nào là Nhạc trưởng thì không thấy? Để người dân khi cần họ liên hệ ở đâu? Cần phải có đầu mối” – ĐB Tâm nói.

Nội dung xử lý vi phạm trong dự luật được ĐBQH cho là rất mờ nhạt, chung chung, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh. Theo đó, Ban soạn thảo cân nhắc làm sao chế tài này đủ mạnh hơn, đủ sức răn đe.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đưa ra giải pháp, cần phạt nặng hoặc bằng mức thu lợi của người vi phạm. ĐB Xuân ví dụ, với gian lận xăng dầu nếu tính từ tháng 1 đến tháng 6 chỉ bị phạt 2 triệu đồng, trong khi số tiền thu lợi là 10 triệu đồng. Do đó, việc phạt bằng hoặc phạt nặng hơn mức thu của người vi phạm thì mới đủ sức răn đe.

ĐB Xuân cũng gợi ý, cần tạm niêm phong hoặc đình chi cơ sở nếu phát hiện cơ sở đó vi phạm hoặc làm sai. Ví dụ, cơ sở sản xuất thuốc trừ sâu giả bị phát hiện ngày mùng 5, người tiêu dùng mang mẫu đi kiện, tới 1 tháng sau quay lại thì cơ sở đã bán hết – nên theo ĐB Xuân, cần niêm phong ngay hoặc phải lưu  danh sách bán số lượng sản phẩm giả đó cho ai.

Nhiều ĐBQH cũng cho rằng, dự án Luật BVQLNTD liên quan mật thiết với đời sống dân sinh nên Ban soạn thảo hơi… tham: Luật quá dài, 8 chương, 66 điều là không cần thiết nên các ĐB đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh lại cho gọn. ĐB Nguyễn Văn Phát (Thanh Hoá) bày tỏ: “Cảm nhận của tôi là Ban soạn thảo có vẻ không chuyên tâm soạn thảo luật mà chỉ làm một việc là copy luật của nước ngoài. Thế nên Luật quy định như những câu tuyên ngôn, hô khẩu hiệu… như vậy thì làm sao có tính khả thi”.

Kiều Minh – Ngọc Linh

Bình luận
vtcnews.vn