Miếng ốp pô xe Honda AirBlade: “Sát thủ” cắt bàn chân

Kinh tếThứ Hai, 13/09/2010 03:26:00 +07:00

(VTC News) – So với bỏng pô, tai nạn do bị miếng ốp pô cứa xảy ra ít hơn rất nhiều, nhưng một khi "dính nạn" hậu quả thường rất thảm khốc...

(VTC News) – Trong vòng hơn nửa năm qua, tính riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) đã có trên 10 trường hợp trẻ bị cắt đứt bàn chân, các ngón chân vì miếng inox làm đẹp cho phần pô của xe AirBlade.

Ngày 11/9 vừa qua, báo điện tử Dân trí đưa ra con số thống kê “giật mình” về số ca cấp cứu tại  Bệnh viện Nhị đồng 2 (BVNĐ2), theo đó, từ tháng 11/2009 đến nay (chỉ tính những trường hợp đưa đến cấp cứu tại BVNĐ2) đã có trên 10 trường hợp trẻ bị cắt đứt bàn chân, các ngón chân vì miếng inox làm đẹp cho phần pô của xe AirBlade. Trong đó, có trường hợp phải phẫu thuật nhiều lần trong thời gian gần 3 tháng mới có thể xuất viện. Đáng chú ý, miếng inox mà phụ huynh làm đẹp gây thương tật cho con cháu mình chiếm đến 80% các trường hợp.

 

Các chủ xe AirBlade thích gắn những "sát thủ" này vào pô xe như một vật trang trí (Ảnh: Cường Cao) 

Đây không phải lần đầu tiên các cơ quan báo chí vào cuộc đưa thông tin cảnh báo về sự việc này. Các đây 3 tháng, trên VTC News cũng đã đăng tải bài viết “Cảnh báo về những miếng trang trí pô Honda "sát thủ"” sau khi nhận được thông tin phản ánh từ độc giả về tác hại của miếng ốp pô nguy hiểm trên.

 

Theo tìm hiểu và quan sát của chúng tôi, miếng ốp pô xe AirBlade dùng với mục đích trang trí, ngoài ra không có tác dụng nào khác. Trên thực tế, nguyên thủy pô xe Air Blade không có miếng inox mà chỉ là nhựa đen. Sau khi mua xe, nhiều người đã lắp thêm phụ kiện bằng inox bên ngoài pô để làm đẹp nhưng đáng tiếc là cạnh dưới các miếng inox này quá sắc, gây nên những tai nạn không đáng có cho trẻ cũng như người lớn.


Trên diễn đàn bienhoateen.vn, thành viên Koreanfashion đã kêu gọi: “Mình cũng từng là nạn nhân của miếng inox chắn pô xe AirBlade, máu chảy như suối. Mình kêu gọi mọi người cùng vận động anh em gỡ bỏ miếng inox chắn pô xe AirBlade, tránh gây tai nạn không đáng có cho bản thân mình và những người xung quanh”.


Vết cứa của miếng ốp pô xe AirBlade rất sâu do phụ kiện này khá mỏng và vát sang 2 đầu (trên và dưới). (Ảnh Sài Gòn tiếp thị) 

Theo ghi nhận thông tin phản ánh trên các báo và diễn đàn, thời gian gần đây, lượng trẻ bị đứt chân do miếng cản pô xe AirBlade đang tăng cao. Mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp đưa ra cảnh báo song tại các tuyến phố như Nguyễn Công Trứ, Chợ Trời, Phố Huế (quận Hai Bà Trưng, HN) lượng người tìm mua phụ kiện này vẫn rất đông. Theo anh L. – nhân viên 1 cửa hàng cuối đường Phố Huế, trung bình 1 ngày cửa hàng của anh bán ra 2-3 tấm ốp pô AirBlade loại inox với giá bán lẻ là 85.000 – 90.000 đồng/miếng có hỗ trợ lắp đặt.

M
iếng ốp pô kể trên không phải là do Honda sản xuất mà thực chất là một loại hàng ăn theo loại xe AirBlade của Honda dù nguyên mẫu, miếng ốp pô xe Airb Blade đã có phần nhựa bảo vệ làm nhiệm vụ này nhưng nhiều người lại thích gắn thêm miếng ốp kim loại để làm đẹp cho xe.

 

Trả lời báo chí, bác sĩ Nguyễn Đắc Nghĩa, Khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) nhấn mạnh: "So với bỏng pô thì các trường hợp bị miếng ốp pô cứa ít hơn rất nhiều, nhưng những trường hợp này cực kì nguy hiểm".

 

Quan sát cho thấy, miếng ốp pô trên xe Honda AirBlade khá mỏng và vát sang hai đầu (trên và dưới), sờ vào thấy gợn ở chỗ tiếp xúc với da tay và đặc biệt sắc, càng sắc hơn nếu lia miếng inox đấy ở vận tốc khoảng 20km/h hoặc lớn hơn.

 

Dọc đường Phố Huế, Nguyễn Công Trứ NTD dễ dàng mua được những miếng ốp pô xe AirBlade với giá bán lẻ từ 85.000 - 90.000 đồng/chiếc (Ảnh minh họa internet) 


Độc giả Phạm Duy Phong cho biết: Chỉ có ở Việt Nam người dân mới dành nhiều thời gian để “sáng tạo” ra những chi tiết không cần thiết như tấm cản pô inox này. Những phụ kiện như tấm cản pô chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng và chính tuổi thọ của sản phẩm, thậm chí còn làm xấu thêm ở một góc nhìn nhận nào đó”.

 

Còn độc giả Thu Trang cho rằng: Quá nguy hiểm khi đi gần những chiếc xe trang trí thêm phụ kiện này. Với mật độ giao thông dày đặc như Hà Nội, làm sao tránh khỏi những tai nạn tưởng chừng hy hữu như thế bởi việc va quệt xe vào nhau là điều không thể tránh khỏi. Tôi nghĩ các cơ sở sản xuất phải có hướng giải quyết để tình trạng tương tự như trên không xảy ra nữa”.

 

Độc giả kí tên Alpha nói: “Nên cấm sử dụng những chi tiết trang trí như này. Những người khác đâu có tội tình gì để bị những thương tích không đáng có.

Chủ nhân của những chiếc xe AirBlade gắn áp pô phải tự kiểm tra và chịu trách nhiệm về những vật dụng mà mình sở hữu. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, những người tự ý lắp đặt những vật làm thay đổi tính năng, hình dáng xe sẽ bị xử phạt. Những trường hợp này CSGT nên xử phạt người lắp thêm phụ kiện vào xe; Quản lý thị trường nên tịch thu tiêu hủy.

 

Rất mong các cơ quan nâng cao ý thức trách nhiệm, người có xe AirBlade đừng nên gắn miếng ốp pô bén như dao cạo này”.

 

Trao đổi với báo Lao động, ông Phạm Văn Tuệ - chuyên viên kỹ thuật tại cửa hàng bán xe và dịch vụ do Honda ủy nhiệm tại công ty TNHH TM&DV Hà Thành (125 Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh) - cho biết, ống pô xe AirBlade được thiết kế cao và dốc xuống. Miếng cản nhiệt lại nằm phía ngoài cùng của bô xe, rất dễ tiếp xúc với chân những người chạy xe cùng chiều.

 

“Hãng Honda không hề thiết kế miếng cản nhiệt bằng inox trên xe AirBlade. Tuy nhiên, trong quá trình bảo dưỡng xe, tôi gặp rất nhiều trường hợp thay đổi và gây tai nạn nguy hiểm. Chúng tôi luôn khuyến cáo khách hàng không nên thay thế miếng cản nhiệt inox vì chúng chỉ làm đẹp xe mà không có tác dụng cản nhiệt lại rất dễ cắt chân những người lưu thông cùng chiều”, ông Tuệ khẳng định.  

 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM, cũng nhận định: Việc các xe AirBlade gắn miếng cản nhiệt inox gây thương tích cho người khác là lỗi của chủ xe bởi nhà sản xuất thiết kế bộ phận này bằng nhựa nhưng người dùng đã tự ý thay đổi. Lỗi này được xem là lỗi vô ý xâm phạm sức khỏe theo quy định tại Khoản 1 Điều 604 của Bộ luật Dân sự.

 

Chủ xe có trách nhiệm bồi thường thiệt hại gồm: chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị… (Tham khảo tại Điều 609 của Bộ luật Dân sự)

 

Ngoài ra, với việc gây ra hàng loạt tai nạn nguy hiểm như vậy, mặt hàng này cần được Chính phủ liệt kê vào danh mục hang hóa cấm sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở đó, Chi cục Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra, tịch thu, đồng thời xử phạt những chủ xe không chịu tháo miếng cản nhiệt inox.

 





Hà Linh
(tổng hợp)


Bình luận
vtcnews.vn