Kết luận vụ nạn nhân tan cơ, suy thận: Do tôm hùm non

Thị trườngThứ Tư, 08/09/2010 01:00:00 +07:00

(VTC News) - 23 trường hợp bệnh nhân được ghi nhận các triệu chứng tan cơ hoành là do ăn tôm hùm non.

(VTC News) - Hôm nay (8/9), báo giới Trung Quốc đồng loạt đưa tin, chiều tối qua, chính quyền thành phố Nam Kinh tỉnh Giang Tô phối hợp với tổ công tác Bộ Y tế Trung Quốc đã họp báo đưa ra kết luận vụ việc nhiều người dân bị chứng tan cơ sau khi ăn tôm hùm non.

23 trường hợp bệnh nhân được ghi nhận các triệu chứng tan cơ hoành là do ăn tôm hùm non.

Ông Ngô Vĩnh Ninh, chuyên viên Sở nghiên cứu an toàn vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng thuộc Trung tâm phòng chống dịch bệnh quốc gia Trung Quốc, cho biết: những ca bệnh tan cơ do tôm hùm gây ra và có các triệu chứng lâm sàng hoàn toàn trùng khớp với loại bệnh Haff đã được ghi nhận trong y văn thế giới. Theo ông Ninh, tỷ lệ mắc chứng bệnh này ở những người ăn tôm hùm non không nhiều.

Tôm hùm non là món ăn ưa thích của người dân Trung Quốc. (Ảnh minh họa). 

Giới chức y tế Trung Quốc cho biết, Haff là tên một loại bệnh từng xuất hiện ở khu vực Địa Trung Hải, Mỹ, Brazil và miền Bắc Trung Quốc. Hầu hết bệnh nhân của căn bệnh này đều ăn một số loại hải sản như tôm hùm, cá bò, cá chim bạc. Tuy nhiên tỉ lệ số người mắc bệnh/số người ăn tôm hùm non và một số loại hải sản được cho là nguồn gây bệnh không cao.

 
Theo thống kê của ngành y tế Trung Quốc, tính đến chiều ngày 7/9, thành phố Nam Kinh đã ghi nhận 23 trường hợp mắc chứng tan cơ hoành hay còn gọi là bệnh Haff, 22 người đã bình phục sau khi được điều trị, 1 trường hợp vẫn đang tiếp tục điều trị và theo dõi, bệnh tình tương đối ổn định.

Mặc dù khẳng định tôm hùm non là thủ phạm gây ra chứng tan cơ hoành, nhưng Bộ Y tế Trung Quốc vẫn chưa tìm ra cơ chế gây bệnh cụ thể bởi không phải tất cả những ai ăn tôm hùm non đều bị tan cơ hoành.

Họp báo công bố kết quả ban đầu về các trường hợp tan cơ do ăn tôm hùm non.

Trong khi giới quan chức y tế Trung Quốc tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu rõ nguyên nhân và cơ chế gây bệnh, các cơ quan chức năng nước này hiện đang siết chặt các quy chế về nuôi trồng, bảo quản, vận chuyển các sản phẩm thủy hải sản, đặc biệt là tôm hùm non.

Hiện cũng chưa có thông tin kết luận liệu một loại bột dùng để rửa và sơ chế tôm hùm non có phải là nguyên nhân dẫn đến các trường hợp bị tan cơ, suy thận hay không.


B.N (theo báo Trung Quốc)

Bình luận
vtcnews.vn