Nếu tranh chấp, NTD nên chọn trọng tài hoặc tòa án

Kinh tếThứ Bảy, 21/08/2010 07:02:00 +07:00

(VTC News) – Nếu là tranh chấp nhỏ, có thể thương lượng hoặc cho qua. Khi không thương lượng được, NTD nên chọn 2 con đường: trọng tài hoặc tòa án.

(VTC News) – Nếu là tranh chấp nhỏ, người tiêu dùng (NTD) có thể thương lượng hoặc cho qua.  Nhưng khi không thể thương lượng được, NTD nên chọn 2 con đường: 1 là trọng tài, 2 là tòa án.

Góp ý cho dự Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD), Trưởng Ban dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, cần tập trung vào vấn đề giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh (chương 5).

Theo dự Luật này, việc giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh có 5 phương thức là: thương lượng, hòa giải, trọng tài, biện pháp hành chính, tòa án.

 

Trưởng Ban dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng (Ảnh: vovnews.vn) 
“Tôi nghĩ có cần thiết nhiều thế không? Bản chất việc tranh chấp là quan hệ dân sự giữa nhà sản xuất kinh doanh với NTD, là quan hệ mua bán hàng hóa, là nhận dịch vụ do người cung ứng dịch vụ - hoàn toàn là vấn đề dân sự. Chúng ta sử dụng nhiều phương thức quá!” – ông Vượng nói.


Theo ông Vượng, nếu là chuyện tranh chấp nhỏ thì người ta có thể thương lượng với nhau, thậm chí là cho qua. Còn khi không thương lượng được thì “anh” chọn 2 con đường: một là trọng tài, 2 là tòa án. Còn đưa UBND cấp huyện vào (biện pháp hành chính) rất phức tạp, trình tự thủ tục nhiều, theo đó sẽ xảy ra chuyện “tôi lên huyện thì gặp ai? Trong khi ở biện pháp Tòa án thì rất rõ, có anh thư ký, cán bộ, chánh án… rất dễ giải quyết.

“Ta không thể nói UBND huyện có thể làm được (xử lý tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh – PV). Theo tôi việc này không phải của chính quyền - quy định này quá nhiều về hình thức phương thức giải quyết tranh chấp và khó thực hiện” – ông Vượng nhấn mạnh.

Chung ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba cho rằng, quan hệ giữa NTD và người kinh doanh hàng hóa là quan hệ dân sự và nếu phát sinh tranh chấp, hiện chúng ta có cơ chế thương lượng hoặc trọng tài thương mại.

Bà Thu Ba phân tích sự bất hợp lý trong 5 giải pháp giải quyết tranh chấp mà dự Luật nêu, trong đó, vấn đề thương lượng có thể áp dụng bất cứ lúc nào nên ta có thể chấp nhận được. Nhưng theo bà Thu Ba, phương thức hòa giải với những nguyên tắc trong quy định thì e rằng sau này sẽ mâu thuẫn với Luật Hòa giải đang đưa vào chương trình chuẩn bị. “Nếu giờ ta tổ chức hòa giải e rằng tổ chức nào đảm nhiệm việc này, mấy điều quy định tôi cho là chưa đủ!” – bà Thu Ba nói.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển gợi ý, nên có 4 phương thức giải quyết tranh chấp là thương lượng, hòa giải, trọng tài, Tòa án. Theo ông Hiển, “không nên giao cho các cơ quan nhà nước như chính quyền các cấp (trong biện pháp hành chính). Nếu đưa ra thì như anh Thuận và chị Ba nói, sẽ làm cho nhiệm vụ Nhà nước rất nặng nề, ảnh hưởng đến hoạt động hành chính của nhà nước”.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng (Ảnh: TTXVN) 


Làm rõ làm tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng (thành viên Ban soạn thảo dự Luật) nhấn mạnh, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một dự án tương đối đặc thù, xuất phát từ quan điểm của Chính phủ, sự chỉ đạo và nhận thức của Đảng và Nhà nước với việc bảo vệ NTD - là nhóm xã hội yếu thế cần được bảo vệ.

Theo đó, việc giải quyết tranh chấp xuất phát từ bảo vệ quyền lợi của nhóm người yếu thế. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bảo lưu ý kiến trong dự Luật về biện pháp hành chính, ông phân tích, trong tính toán, thì phòng công thương quận, huyện chủ yếu tiếp nhận tranh chấp – “Tuy nhiên điều này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, về xử lý vi phạm hành chính nêu trong dự Luật, “chúng tôi thấy cũng là đặc thù của dự luật này, vì nếu không quy định, khi xảy ra chuyện phương hại đến NTD thì phương thức nào sẽ xử lý việc này nên dự Luật có nêu một số quy định xử lý vi phạm hành chính”.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận thẳng thắn cho rằng, Bộ trưởng Hoàng vẫn bảo lưu xử lý tranh chấp bằng cơ quan hành chính là… không ổn. Theo ông Thuận, phòng công thương hiện nay chỉ có mấy người không thể giải quyết được “ý tưởng” bảo vệ những người yếu thế, không có khả năng làm được.

“Điều quan trọng đây không thuộc việc của cơ quan hành chính, ta biến cơ quan hành chính thành cơ quan tài phán giải quyết – tôi thiết tha đề nghị riêng phần xử lý ý tưởng thì tốt nhưng về bản chất không đúng với việc ta phấn đấu xây dựng pháp quyền, ta không nên làm thế, không nên để tiền lệ thế này. Tất nhiên là nếu vi phạm đến dân thì căn cứ thẩm quyền xử lý, nhưng không nên biến anh cán bộ công thương trở thành nhà tài phán!” – ông Thuận nói.

Bà Lê Thị Thu Ba hiến kế: “Những việc nhỏ lẻ thay vì giao phòng công thương làm thì tôi đề nghị các chuyên gia đó thành trọng tài để giải quyết”.

Kiều Minh





Bình luận
vtcnews.vn