Chiêu lừa điện thoại cũ bảo hành còn cả năm

Kinh tếThứ Năm, 07/10/2010 07:15:00 +07:00

(VTC News) - Từng rộ lên một thời gian rồi tạm lắng vì bị cơ quan chức năng sờ gáy, giờ đây một số kẻ bán điện thoại cũ, hỏng kèm thẻ bảo hành giả lại tái xuất.

(VTC News) - Từng rộ lên một thời gian rồi tạm lắng vì bị cơ quan chức năng sờ gáy, giờ đây một số kẻ bán điện thoại cũ, hỏng kèm thẻ bảo hành giả lại tái xuất. Thẻ giả được chế tinh vi và khó nhận biết hơn.

 


Điện thoại cũ, hỏng vẫn còn bảo hành... cả năm (!)

 

Tìm kiếm thông tin bằng từ khóa "mua điện thoại hàng công ty cũ" trên một số trang rao vặt trên mạng như rongbay, raovat, muare, phóng viên VTC News dễ dàng có trong tay nhiều tin rao vặt “có mùi”. Nhiều dòng điện thoại không quá mới nhưng hạn bảo hành còn dài tới giữa hoặc cuối năm 2011 và mức giá vô cùng hấp dẫn.

 

Chẳng hạn số điện thoại 0121405xxxx rao trên rongbay: “Mình đang có nhu cầu bán nokia 6700 classic máy hàng công ty còn bh 30-06-2011 máy vỏ inốc máy còn nguyên…giá bán 3tr1” hay số điện thoại 0128770xxxx chào bán chiếc nokia N78 “máy hàng công ty còn bh 30-06-2011 máy vỏ mầu ghi máy còn nguyên bản… giá 2tr5”.

 

Không khó để tìm thấy các tin rao vặt có mùi cũng như những bài trên diễn đàn rao vặt cảnh báo về vấn nạn này.

Khi chúng tôi gọi thử vào 3 số máy để hỏi xem điện thoại, người rao bán thường hẹn ở một địa điểm công cộng như trước cổng trường đại học Thương mại hoặc một quán café. Quá trình xem máy thường diễn ra khá chớp nhoáng và người bán tỏ ra khá cảnh giác khi chúng tôi đặt nhiều câu hỏi về sản phẩm cũng như bảo hành của máy.

 

Chúng tôi đã xem 1 chiếc Nokia N78, một chiếc Nokia 6500S và một chiếc E75. Đặc điểm chung của 3 chiếc điện thoại lướt này là vỏ mới, đủ phụ tùng, thẻ bảo hành còn hạn đến giữa năm 2011. Tuy nhiên, khi soi kĩ cả 3 chiếc điện thoại, chúng tôi không khó để phát hiện ra một số chi tiết trên thân máy cũ hơn mức bình thường, thậm chí một số điểm có dấu hiệu hỏng hóc.

 

Nhiều loại điện thoại không còn mới nhưng bảo hành còn dài cả năm.

Khi chúng tôi tỏ ra nghi ngờ về tuổi thọ và chất lượng máy, người bán chìa ra thẻ bảo hành với thời hạn rất dài và khẳng định chúng tôi có thể bấm *#06# để kiểm tra số imei của máy và so sánh với thẻ để biết là “hàng xịn”.

 

Hai trong số 3 thẻ bảo hành mà chúng tôi xem trông khá cũ dù hạn còn dài. Nếu nhìn nghiêng có thể thấy thẻ xây xước khá nhiều. Tuy nhiên, khi bấm *#06# thì máy hiện ra số imei trùng với thẻ. Với chiêu thức này, không ít người hoàn toàn tin tưởng vào giá trị chiếc thẻ bảo hành dù máy có thể hơi cũ, thậm chí có dấu hiệu hỏng.

 

Thẻ bảo hành điện thoại giả, 50 nghìn đồng/chiếc, đặt nhiều… rẻ hơn

 

Đặt mục tiêu tìm mua một chiếc thẻ bảo hành điện thoại giả, chúng tôi tìm kiếm trên các diễn đàn rao vặt. Không ít thành viên diễn đàn khẳng định “muốn mua thẻ bảo hành điện thoại giả, không khó, 50 nghìn đồng/chiếc, xuống Đặng Dung có ngay”. Chúng tôi đã nhiều lần xuống khu phố cầm đồ nổi tiếng này tìm hiểu nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối.

 

Mặt trước hai thẻ thật (bên trái) và giả (bên phải) có đôi chút khác biệt về màu sắc.

Tuy nhiên, khi nhờ cậy đến một người quen đang buôn bán điện thoại cũ, mọi chuyện lại trở nên đơn giản. Ngay sau khi chúng tôi tỏ ý muốn mua một chiếc thẻ giả để bán con máy cũ mới tút lại, người này cho hay chúng tôi chỉ cần cung cấp tên, đời máy, số Imei, ngày sản xuất và thời hạn bảo hành mong muốn cùng 50 nghìn đồng là sẽ có hàng.

 

Do chúng tôi mua ít nên phải mất vài ngày mới nhận được cái hẹn đến đầu phố Đặng Dung lấy hàng. Sau vài lần điện thoại hẹn hò, chúng tôi mới gặp được người phụ nữ tên N. Sau khi đưa thẻ nhận tiền, người này mới phân trần rằng do chúng tôi đặt hàng lẻ nên phải mất vài ngày mới làm xong, giá lại cao.

 

Còn nếu chúng tôi đặt mua nhiều thì “hai giờ là xong, bao nhiêu cũng có và giá cả mềm hơn”. Khi chúng tôi tỏ ý muốn tìm hiểu thêm về chất lượng và quy trình làm thẻ, người này cam kết thẻ “chuẩn như thật” và cứ làm vài vụ rồi sẽ biết.

 

Quan sát chiếc thẻ bảo hành có giá 50 nghìn đồng mà chúng tôi mua được, khó để biết đây là thật hay giả bởi thẻ còn khá mới, ít xây xước, các con số rõ nét, rành mạch như thật.

 

Nhân viên bảo hành Nokia Việt Nam: Không khó để phân biệt thật – giả (?!)

 

Để kiểm tra mức độ “giống như thật” của chiếc thẻ, chúng tôi mang tới trung tâm Nokia Care trên đường Điện Biên Phủ. Quan sát chiếc thẻ, nhân viên bảo hành ở đây khẳng định đây đúng là thẻ bảo hành của công ty và số imei trên thẻ cũng là số thật, có trên hệ thống. Tuy nhiên, thời hạn bảo hành thì đã hết từ tháng 9/2009.

 

Nếu nhìn thoáng qua thì không dễ để phân biệt thẻ thật và thẻ giả.

Khi chúng tôi hỏi về việc liệu đây có phải thẻ bảo hành giả hay không, nhân viên ở đây ban đầu khi mới nhìn thoáng qua đã khẳng định có vẻ là thẻ thật. Tuy nhiên, sau vài phút quan sát, người này quả quyết đây là hàng giả được làm rất tinh vi từ một chiếc thẻ thật.

 

Theo đó, số imei, ngày sản xuất cùng hạn bảo hành cũ bị cạo đi và in đè lên số mới. Trao đổi với chúng tôi, phụ trách trung tâm bảo hành này khẳng định chỉ cần: “Khách hàng có kinh nghiệm  một chút là có thể nhận ra và nhân viên hãng nhìn là phát hiện ra ngay” đặc biệt là khi nhìn nghiêng.

 

Nhưng nhìn kỹ, sẽ thấy chữ số trên thẻ giả (trong ảnh) đậm và thô hơn thẻ thật. Nhìn nghiêng có thể thấy dấu vết cào, thậm chí cả bóng của các số cũ.

Khi nhìn nghiêng dưới ánh sáng, không khó để thấy dấu vết cạo trên thẻ, thậm chí số imei và thời hạn bảo hành cũ vẫn còn hiện lên mờ mờ phía dưới số mới. Khi sờ nhẹ mặt thẻ, có thể cảm nhận đôi chút sự thô ráp do thẻ bị cào và xây xước. Ngoài ra, khi đặt cạnh thẻ “xịn”, dễ thấy các con số bị làm giả đậm hơn số thông thường. Font chữ cũng có điểm khác biệt.

 

Dù có thể nhận ra thẻ giả nhưng nhân viên tại Trung tâm bảo hành này thừa nhận chiếc thẻ được làm rất tinh vì và nếu ít kinh nghiệm lại nhìn thoáng thì không ai có thể phát hiện ra.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Phan Cẩm Ly, phụ trách truyền thông công ty Nokia Việt Nam khẳng định khi có nghi ngờ về thẻ giả, cách phân biệt tốt nhất là mang thẻ đến Trung tâm bảo hành của Nokia để tra cứu số IMEI trên hệ thống xem thẻ này còn trong thời hạn bảo hành hay không và được nhận dạng thẻ giả hay thẻ thật. Khách hàng cũng có thể gọi đến đường dây nóng của Nokia Care: 1800156 để được tư vấn và hướng dẫn.

 

Người phát ngôn của công ty này cũng lên tiếng khuyến cáo khách hàng nên mua hàng từ một  “nhà phân phối có uy tín” và giữ lại hóa đơn đề phòng trường hợp sản phẩm bị lỗi và có thể trả lại sản phẩm cho nhà phân phối nếu nghi ngờ đây là hàng giả. Bà Ly cho rằng khách hàng nên cảnh giác với những mức giá quá hấp dẫn đến mức phi thực tế khi mua điện thoại đã qua sử dụng trên mạng.

 

Khi được hỏi về kế hoạch cải tiến thẻ bảo hành để những kẻ lừa đạo, đại diện Nokia cho hay từ quý 4 năm nay, Nokia sẽ đưa vào hoạt động hệ thống quản lý và bảo hành điện thoại di động cải tiến với công nghệ mới nhất cho phép khách hàng dễ dàng cập nhật về tình trạng bảo hành và thời hạn hiệu lực bảo hành online.


 



Bài và ảnh: Khánh Hòa



                       Đại lễ 1000 năm, bạn muốn đăng trên VTC News: 

              - Những lời ngẫu hứng, tự sự, tâm sự... của chính bạn?

                - Những bức ảnh, đoạn video... chỉ mình bạn ghi được?
                                                        
                       - Tin tức, bài viết xoay quanh sự kiện Đại lễ?

                                                            
Hãy gửi đến email
[email protected] 
                                                                        hoặc
[email protected]

Tất cả thông tin bạn gửi sẽ được Ban Biên tập VTC News tiếp nhận, xử lý để đăng tải. Trân trọng!



Bình luận
vtcnews.vn