Giữa thủ đô: Ngủ ngày, thức đêm canh giờ bơm nước!

Kinh tếThứ Tư, 26/05/2010 06:20:00 +07:00

(VTC News) - Cụ Phan Thị Mạn nghẹn ngào: “Hơn 10 ngày nay không có một giọt nước nào. Mấy ngày rồi bà không được tắm nên bà không dám ngồi gần nhà báo".

(VTC News) - Nhịn tắm, nhịn giặt, đến vệ sinh nhà cửa cũng trở thành điều xa xỉ, cuộc sống của những người sống tại khu dân cư cụm 13 phường Trung Liệt, quận Đống Đa, HN có lẽ là điều khó tưởng với mức sống giữa lòng Thủ đô.


Cách Trung tâm chiếu phim Quốc gia không xa, hàng chục hộ dân ở khu dân cư cụm 13, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội lâu nay vẫn phải nhịn tắm, nhịn giặt vì không có nước sinh hoạt. Thậm chí việc vệ sinh nhà cửa cũng trở thành một điều xa xỉ đối với họ. Nhưng đã gần 5 tháng trôi qua, dù các hộ dân đã gửi đơn kiến nghị nhiều lần, cán bộ của nhà máy nước cũng đã xuống nhưng mất nước vẫn... hoàn mất nước.


VTC News đã đến địa chỉ người dân phản ánh cũng như trao đổi với các cơ quan ban ngành để tìm hiểu cội rễ do đâu mà ngay giữa lòng Thủ đô lại còn cảnh thiếu nước trầm trọng như vậy.

Không dám ngồi gần vì... lâu không được tắm

Theo đơn đề nghị của chị Nguyễn Thị Thu Lý, trú tại cụm 13 phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội, VTC News đã xuống tìm hiểu việc không có nước sinh hoạt tại khu vực này.

Người dân cụm 13, phường Trung Liệt trình bày với VTC News 

Mặc dù đã lường trước được phần nào nhưng PV vẫn không khỏi bất ngờ khi trực tiếp chứng kiến. Ở trong ngõ 87 Láng Hạ (Đống Đa, HN), cách Trung tâm chiếu phim Quốc gia chưa đầy 500m, có tới hơn 20 hộ dân ở khu B của cụm dân cư 13 bị mất nước hoàn toàn gần nửa tháng nay. Nhà nào nhà nấy không có một giọt nước để sử dụng.

Giữa mùa hè nóng nực nhưng nhiều người phải nhịn tắm, nhịn rửa mặt mũi, chân tay. Bát đũa ăn xong chất lại để chờ có nước thì rửa một thể. Quần áo cũng gom từng đống chờ mang đến nhà người quen giặt nhờ. Thậm chí, nhiều người phải sang tận hồ Thành Công (cách đó gần 1km) để xách nước hồ về dội nhà vệ sinh.

Khu vực vòi nước sạch nhà chị Nguyễn Thị Thu Lý khô khốc (ảnh chụp 13/5) 

Việc mất nước liên tục ít thì vài ba ngày, một tuần có khi đến nửa tháng trong suốt quãng thời gian từ tháng 1/2010 trở lại đây khiến cho nhiều người dân khu B cụm 13 phải tìm cách “sơ tán” để thoát cảnh thiếu nước.

Trong chiều 13/5, khi biết có phóng viên báo chí đến, rất nhiều người dân xung quanh đã đến căn hộ của chị Nguyễn Thị Thu Lý để “tố” khổ.

Cụ bà Phan Thị Mạn (80 tuổi, trú tại 232B phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) nghẹn ngào: “Hơn 10 ngày nay không có một giọt nước nào. Mấy ngày rồi bà không được tắm nên bà không dám ngồi gần cô. Bát đũa ăn hằng ngày, quần áo bà cũng gom lại để chờ đi mua nước về rồi mới giặt. Mà những nước đấy cũng không dám đổ đi đâu cô ạ, dồn lại chứa trong các xô, chậu để còn dội nhà vệ sinh.”.

Bà Mạn đã phải "huy động" các loại xô, châu để chứa nước đã sử dụng và nước sạch (ảnh chụp ngày 13/5) 

Còn chị Dương Bích Hạnh (cũng trú tại cụm 13 phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) lại kể: “Việc mất nước ở khu này diễn ra như “cơm bữa”, ít thì 2-3 ngày chứ thường kéo dài hàng tuần. Hiện giờ đã gần 15 ngày rồi, chúng tôi không có nước để sinh hoạt. Đi mua nước không xuể nên lại hò nhau đi xách nước hồ về rửa. Không khéo sau này, cả khu mang bệnh hết”.

Bát đũa cũng "gác" lại chờ nước để rửa 

Chị Nga, sinh viên trọ học tại cụm 13 cũng chia sẻ: “Không có nước, hôm vừa rồi có cơn mưa, em trai tôi chạy ào ra tắm mưa bỏ qua cả lời cảnh báo tắm mưa có thể bị ghẻ của tôi. Nó nói: “Ghẻ cũng được còn hơn là hôi”.

Ngủ ngày, thức đêm canh giờ bơm nước

Cũng theo nhiều người dân ở cụm 13, phải mua nước, xách nước hồ để sử dụng đã khổ nhưng khổ hơn là hằng ngày, dù là người lao động hay công chức nhà nước, cứ 3h30 – 4h sáng, là ai nấy lại lục tục dậy để cắm máy bơm hút nước. Đến nỗi, như chị Nguyễn Thị Thu Lý kể lại, có muốn ngủ nướng cũng không được, cứ đến giờ đấy, tiếng khua khoắng xô, chậu rồi tiếng máy bơm chạy là lại hò nhau dậy hết.

Quần áo phải gom lại để đem đi giặt nhờ (ảnh chụp ngày 13/5) 

Khi PV thắc mắc về việc cả khu phải thức khuya, dậy sớm, chị Lý cho biết: “Bắt đầu từ tháng 1/2010, khu dân cư ở cụm 13 liên tục bị mất nước. Không có nước thì chúng tôi gọi điện thoại lên nhà máy nước để hỏi, câu trả lời mà chúng tôi thường xuyên nhận được là mai có, đêm nay có… Thế là ai nấy lại bảo nhau, thức đêm canh nước để bơm”.

“Nhưng không phải lúc nào cũng bơm được nước. Nhà tôi đã dùng máy bơm tăng áp mà nhiều khi cũng không thể hút nổi. Mất ngủ, người lại luôn trong tình trạng nhớp nháp, cơ thể thiếu ngủ sinh ra mệt mỏi. Đến cơ quan tôi hầu như chỉ muốn ngủ, chẳng làm được việc gì”, chị Hạnh tiếp lời.

Cơn mưa to đêm ngày 15/5 đã kéo người dân ở khu B, cụm 13 phường Trung Liệt dậy hứng nước mưa dù mới có 4h sáng (ảnh chụp ngày 15/5)

Bà Mạn cũng thở dài cho biết: “Cứ hôm nào nhà máy nước bảo sẽ có nước trong ngày thì đêm đó, bà ngồi chong chong đến sáng cũng chỉ để chờ bơm nước. Người cũng gầy mòn đi vì nước”.

Còn cô Châu, giáo viên tiểu học cũng trú tại cụm 13 thì lại kể: “Gia đình tôi mới chuyển tới sống tại khu này. 9 tháng mà hóa đơn tiêu thụ nước của gia đình chỉ có 6 khối nước. Có lần Nhà máy nước cũng đến thu của gia đình tôi theo Nghị định 117 tối thiểu 4m3 nước/tháng/hộ nhưng cả tháng không có giọt nước nào để sử dụng thì sao lại thu tiền nước được.

Chậu nước mưa vẩn cát đối với nhà chị Nguyễn Thị Thu Lý lúc này cũng quý (ảnh chụp ngày 15/5) 

Cuối cùng nhân viên thu tiền nước cũng lại về. Chúng tôi có hợp đồng với Nhà máy nước cũng không mong được cung cấp nước đầy đủ như trong hợp đồng, chỉ cần có nước, một buổi sáng, một buổi chiều thôi là chúng tôi cũng chấp nhận”, cô Châu ngậm ngùi nói.

Cuộc sống của hơn 20 hộ dân bị đảo lộn vì thiếu nước sinh hoạt. Sự việc kéo dài trong nhiều tháng nhưng tại sao vẫn không có câu trả lời cụ thể của cơ quan chức năng để người dân yên tâm sinh sống? Khó khăn từ đâu? Người dân ở cụm 13 phường Trung Liệt đã phải tự xoay sở thế nào? VTC News sẽ tiếp tục đăng tải thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Bài, ảnh: Thu Hiền

* Bạn có nhận xét gì về nội dung trong bài, hay đã và đang gặp cảnh thiếu nước giữa mùa hè nóng nực này? Hãy gửi phản hồi cho chúng tôi vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng cám ơn!

Bình luận
vtcnews.vn