Khách hàng lợi hay thiệt nếu áp giá sàn cước di động?

Kinh tếThứ Hai, 22/03/2010 05:59:00 +07:00

(VTC News) – Theo Viettel, việc đề xuất giá sàn cước di động của các doanh nghiệp viễn thông đi trước không phải là triệt tiêu mạng di động nhỏ. Tuy nhiên...

(VTC News) - Theo quan điểm của Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel), việc đề xuất giá sàn cước di động của DN không phải là triệt tiêu mạng di động nhỏ mà Viettel chỉ muốn tạo ra một môi trường kinh tế viễn thông lành mạnh. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ TT&TT) Phạm Hồng Hải cho rằng, nên quản lý vấn đề giá cước viễn thông dựa trên giá thành.

Giữa tháng 1/2010, Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) đã đề xuất việc áp dụng giá sàn cước di động lên Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo đó, Viettel kiến nghị Bộ sớm ban hành giá sàn cước di động với mức sàn đề xuất áp dụng trong hai năm 2010 và 2011 là 800 đồng/phút, đồng thời xem xét khống chế khuyến mãi sim điện thoại và thẻ cào không vượt quá 50%.

 

Phụ trách truyền thông của mạng Mobile Phone cho biết, Mobile Phone đã gửi đề xuất về việc áp dụng giá sàn lên Bộ Thông tin và Truyền thông. Hiện, Mobile Phone cũng đang chờ công bố chính thức của Bộ”.

Việc các nhà mạng lớn cùng có chung “quan điểm” áp dụng giá sàn được các chuyên gia nhận định đó có thể là “đòn phủ đầu” đối với những doanh nghiệp nhỏ đang có ý định “bành trướng” thị phần. Bởi lẽ, xét về góc độ thị trường, cơ chế về giá là sách lược duy nhất để các doanh nghiệp nhỏ thu hút khách hàng.

Trả lời báo giới, đại diện của hai mạng Beeline và Vietnamobile đều không mấy đồng tình với “quan điểm” áp dụng giá sàn này. Theo nhà mạng Beline, chính sách giá sàn nên được áp dụng với các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế. Nếu áp đồng loạt thì không hợp lý.

Lãnh đạo của mạng Vietnamobile cũng cho rằng, trong quản lý vĩ mô, việc đề nghị giá sàn là không hợp lý, nó đi ngược lại xu thế chung, phản lại các quy luật của nền kinh tế thị trường.

Trước nhiều luồng dư luận trái chiều, trao đổi với VTC News, lãnh đạo của Viettel đã lý giải về vấn đề này: “Việc đề xuất giá sàn của DN không phải là triệt tiêu mạng di động nhỏ mà Viettel chỉ muốn tạo ra một môi trường kinh tế viễn thông lành mạnh. Các mạng di động mới gia nhập thị trường có thể giảm giá để thu hút khách nhưng mức giảm không thể dưới giá thành vì như thế là lũng đoạn nền kinh tế.

Đồng thời, điều đó cũng làm suy yếu các tập đoàn kinh tế chủ chốt của đất nước, ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia. Và muốn Việt Nam trở thành một cường quốc hay một quốc gia mạnh về CNTT thì không thể thiếu được vai trò của các doanh nghiệp mang tính chủ lực của Nhà nước.

Cũng theo vị lãnh đạo này: “Đề xuất với Bộ Thông tin truyền thông về giá cước di động hoàn toàn hướng đến lợi ích của mỗi khách hàng cũng như toàn xã hội".

“Hiện tại, thị trường viễn thông Việt Nam đang có 7 nhà khai thác dịch vụ di động, việc các nhà khai thác mới gia nhập thị trường đua nhau giảm giá để hút khách sẽ khiến các doanh nghiệp mới không có lãi, doanh nghiệp lớn cũng bị cuốn vào vòng xoáy giảm giá cước tới dưới mức giá thành. Và như vậy, doanh nghiệp chiếm thị phần lớn sẽ không có điều kiện để tái đầu tư lại cho xã hội, mở rộng cũng như nâng cao chất lượng mạng lưới.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước cũng chính là lợi nhuận của đất nước để phục vụ cho lợi ích của nhân dân, của xã hội. Viettel hoàn toàn ủng hộ quan điểm cạnh tranh tuy nhiên phải dựa trên tinh thần cạnh tranh lành mạnh”, vị lãnh đạo của Viettel nhấn mạnh.

Cũng theo lý lẽ của Tập đoàn viễn thông Quân đội, trong những năm gần đây, với sự phát triển không ngừng của ngành viễn thông, người dân Việt Nam đã được tiếp cận với những dịch vụ viễn thông có chất lượng được đánh giá vào loại cao nhất trên thế giới. Nhờ sự phát triển vững mạnh, ổn định, các doanh nghiệp có điều kiện để tái đầu tư, thường xuyên đưa vào ứng dụng những công nghệ mới, đảm bảo chất lượng dịch vụ viễn thông. 

Việc nên áp giá sàn cước di động theo quan điểm của doanh nghiệp Viettel sẽ có lợi cho cả chính các doanh nghiệp viễn thông. Bởi, đặc thù của ngành viễn thông là liên tục có sự thay đổi về công nghệ, đòi hỏi mức đầu tư rất lớn. Do vậy, bản thân các doanh nghiệp phải có tích lũy về mặt tài chính, để chạy theo công nghệ, mang đến lợi ích tối đa cho khách hàng”, lãnh đạo của Viettel chia sẻ.

Khi đặt vấn đề việc áp giá sàn cước di động đem lại lợi ích gì cho người tiêu dùng? Đại diện Viettel cho rằng, đề xuất áp giá sàn thực chất là đưa ra một mức cước tối thiểu, để tránh việc cạnh tranh về giá. Trước mắt, lợi ích của người tiêu dùng sẽ không có gì thay đổi nhưng về lâu dài, nếu đề xuất áp dụng giá sàn cước di động được thông qua thì xét trên góc độ xã hội, người dân và bản thân doanh nghiệp đều được hưởng lợi do các doanh nghiệp viễn thông có sự tích lũy, tái đầu tư, ứng dụng công nghệ mới.

Trao đổi với VTC News ngày 17/3, ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho biết: "Hiện, Bộ đang xem xét, cân nhắc đề xuất giá sàn cước di động của 3 mạng Vinaphone, Mobile Phone, Viettel". Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, ông Hải cho rằng nên quản lý vấn đề giá cước viễn thông dựa trên giá thành.

Viettel hiện có 8 gói cước trả trước (Gói cước Hi School, Sinh viên, Tourist, Happy Zone, Cha và con, Ciao, Tomato, Economy) trong đó gói Tomato là gói khách hàng sử dụng nhiều nhất (chiếm 62,8% số thuê bao trả trước).

Giá cước trung bình gọi nội mạng của gói Tomato là 1223đ/phút, ngoại mạng là 1490đ/phút. 4 gói cước trả sau gồm gói cước VIP, Family, Basic, Corporate trong đó gói Basic được sử dụng nhiều nhất (chiếm 87% số thuê bao trả sau). Giá cước trung bình gọi nội mạng của Basic là 790đ/phút, ngoại mạng là 890đ/phút.


Đối với Vinaphone, gói cước VNPT – Trò chuyện thoải mái hiện là gói cước được khách hàng sử dụng nhiều nhất (giá trọn gói 159.000 đồng/nhóm/tháng)
Thu Hiền

Theo bạn, có nên áp giá sàn di động theo cách lý giải mà các đại gia viễn thông đưa ra? Hãy gửi phản hồi cho chúng tôi vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng cảm ơn!

Bình luận
vtcnews.vn