6 dịch vụ "hái ra tiền" ngày khai mạc Đại lễ

Kinh tếThứ Bảy, 02/10/2010 06:07:00 +07:00

(VTC News) - Hôm qua (1/10), hàng vạn người dân đổ về thủ đô tham dự khai mạc Đại lễ 1000 năm, các dịch vụ "ăn theo" cũng nhanh chóng nắm cơ hội "hái ra tiền".

(VTC News) -  Hôm qua (1/10), hàng vạn người dân đổ về  thủ đô tham dự khai mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các dịch vụ "ăn theo" cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội "hái ra tiền".


1. Chụp ảnh được mùa


Ngay từ sáng sớm ngày khai mạc Đại lễ (1/10), dòng người đã nườm nượp tiến về Hồ Gươm - trái tim của thủ đô nghìn năm văn hiến. Trong không khí náo nức, ai cũng muốn ghi lại cho mình những khoảnh khắc đẹp nhất và đó chính là cơ hội để giới thợ ảnh chuyên nghiệp lẫn không chuyên "vào mùa" làm ăn.

Hàng ngàn người về thủ đô dự Đại lễ 1000 năm cũng chính là cơ hội kiếm tiền của giới thợ ảnh.

Đang tạo dáng cho du khách tại vườn hoa Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhiếp ảnh gia Trần Duy cho biết: Dịp này, ngoài 30 tay máy thường xuyên túc trực, khu vực Hồ Gươm còn có hơn 100 thợ khác từ các tỉnh khác kéo về. Tính cạnh tranh vì thế cũng gay gắt hơn.

Hầu hết các dịch vụ chụp ảnh dịp này đều không tăng giá, vẫn 20.000 đồng/ảnh như ngày thường. “Chúng tôi chỉ hi vọng vào doanh số bởi chỉ cần du khách hỏi mà mình nói giá cao, lập tức khách sẽ bỏ đi ngay, như thế chỉ trong chốc lát, mình lại mất khách”, anh Quốc Huy (thợ ảnh quê ở Hà Đông - Hà Nội), chia sẻ.


Ngày  thường, những thợ ảnh chỉ chụp được từ 5 – 10 kiểu ảnh, thậm chí có hôm không chụp được kiểu nào thì chỉ trong ngày khai mạc, không ít người đã được dịp "ghi lại dấu ấn không quên" cho 30 đến 40 du khách, con số mà họ vẫn thường mơ ước.

Thu nhập bình quân của những nhiếp ảnh gia ngày này là 400.000 đồng/ngày

Chị Tuyết Hoa, nữ nhiếp ảnh chuyên tác nghiệp tại Hồ Gươm, cho biết: Thu nhập bình quân của chị dịp này lên tới 400.000 – 500.000 đồng/ngày, trừ tiền phim, tiền rửa ảnh (khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kiểu), chị kiếm được khoảng 200.000 – 300.000 đồng/ngày.

2. "Không gì đắt như nước giải khát"

Nhiều người tham dự Đại lễ nhận xét: "Không gì đắt như nước giải khát". Ngày khai mạc diễn ra trong thời tiết khá oi ả. Mặc dù nắng không quá chói chang nhưng do lượng người đông đúc nên không ít du khách cảm thấy ngột ngạt, nóng bức. Tìm đến các quán nước ven đường Hàng Gai, Cầu Gỗ, Lương Văn Can… để mua vội một chai nước “giải nhiệt”, họ phải chịu mức giá khá đắt đỏ.

Khách hàng "cắn răng" chi tiền mua nước giải khát với giá đắt đỏ

Nước tinh khiết Aquafina loại nhỏ 500ml bình thường giá chỉ khoảng 3.500 - 5.000 đồng/chai, ngày Đại lễ tăng vọt lên 10.000 đồng/chai. Một số loại đồ uống khác như C2, trà xanh 0 độ, Sting... giá thị trường chỉ khoảng 7.000 – 10.000 đồng/chai, dịp này 15.000 đồng.chai được xem là bình thường. Có nơi lên đến 20.000 đồng/chai mà người mua vẫn phải mua vì không còn cách nào khác.

Để chuẩn bị cho Đại lễ, anh Hoàng Anh - chủ một cơ sở bán nước giải khát nhỏ lẻ trên phố Tràng Tiền đã điều động nhân viên “cắm chốt” lại một số điểm đông khách qua lại nhưng không thuộc phạm vi cấm bán hàng của các cơ quan quản lý. Anh cho biết: Mỗi một nhân viên phụ trách 3 – 4 thùng hàng, tổng cộng khoảng 500 – 700 chai nước bao gồm nhiều loại khác nhau. Các thùng hàng liên tục được chở ra để phục vụ nhu cầu của du khách.

3. Đồ ăn nhanh là số 1?

Ban quản lý qui định cấm tất cả các mặt hàng không được bán trong khu vực diễn ra Đại lễ, tuy nhiên để đảm bảo nhu cầu ăn uống cần thiết của du khách, Ban quản lý cũng cho phép một cửa hàng kinh doanh đồ ăn nhanh tại địa điểm giữa khuôn viên diễn ra Đại lễ, gần đối diện khu tượng đài Lý Thái Tổ.

Đồ ăn nhanh đắt khách ngày Đại lễ

Trong ngày khai mạc, gian hàng này luôn chật kín người mua. Hai nhân viên bán hàng luôn tay, luôn chân phục vụ nhưng cũng quá tải. Hầu hết các mặt hàng tại đây đều tăng giá, cao gần gấp đôi so với giá bán ngoài thị trường: xúc xích giá 8.000 đồng/chiếc, bỏng ngô 10.000 đồng/hộp, kem Merino 10.000 đồng/chiếc, kem ốc quế 20.000 đồng/chiếc…

Mua cho con 2 cái xúc xích tại quầy hàng này với giá tổng cộng gần 20.000 đồng,
chị Nguyễn Hoài An (Nam Định) bày tỏ:  “Những ngày này, biết cái gì cũng sẽ đắt nhưng đành chịu bởi cả năm mới có một lần cho cháu lên chơi Hà Nội”.

Cách đó không xa về phía đường Hàng Gai, các quán kem Thủy Tạ lúc nào cũng tấp nập khách ra vào. Một nhân viên ở đây cho biết, hàng kem đông từ lúc mới mở cửa từ sáng sớm. Có lúc quá đông, nhân viên quầy kem phải cáu gắt với khách hàng vì liên tục trả lời về giá cả các loại kem mặc dù đã có bảng giá để ngay bên cạnh.

4. Vẽ chân dung bất ngờ"hút" khách

Trong ngày khai mạc Đại lễ, chú Vương Thiết Hùng - chuyên phác họa chân dung ở khu vực Hồ Tây - cũng tay xách nách mang đồ nghề ra tác nghiệp tại Hồ Gươm.

Ai cũng muốn khắc họa chân dung mình trong lễ kỷ niệm Hà Nội nghìn năm

Chú Hùng cho biết: những ngày này, du khách đổ về Hồ Gươm tăng đột biến. Khách hàng của chú đông nhất là những người trung niên và cao tuổi, từ các tỉnh khác về thủ đô. Họ khá mới mẻ, lạ lẫm với loại hình nghệ thuật vẽ ký họa, chính vì vậy, vẽ chân dung của chú bỗng trở nên "hút" khách. Tính riêng trong tối ngày 30/09, chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ, chú Hùng đã có 15 người khách yêu cầu vẽ chân dung. Với mỗi bức vẽ, chú lấy tiền công 50.000 đồng.

Cách đó không xa, ngay sát mép hồ Gươm, 3 – 4 tốp cũng tụ tập rôm rả. Cứ cách khoảng 5m lại có một “dân mỹ thuật” ngồi vẽ chân dung. Nhiều bạn sinh viên chưa ra trường cũng tận dụng cơ hội này để “hành nghề”, nâng cao trình độ và tranh thủ kiếm thêm thu nhập trong những ngày Đại lễ.


Tranh nhau xem họa sĩ "trổ tài" vẽ chân dung

Bạn Thu Minh (sinh viên trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội) khoe: “Từ sáng tới giờ (10h – pv), lượng khách đến yêu cầu vẽ rất đông. Mình lấy theo “giá sinh viên”, rẻ hơn những chỗ khác một chút, 40.000 đồng/bức ảnh”.

Với đồ nghề rất đơn giản, chỉ một chiếc ghế nhựa, vài tấm giấy vẽ cùng một cây bút, những họa sĩ như Minh thỏa sức "tung hoành" cùng những người mẫu không chuyên trong ngày Đại lễ.


5. Cờ đỏ, băng rôn “Tôi yêu Hà Nội”

Để cổ động phong trào chào mừng sinh nhật Hà Nội nghìn năm, từ nhiều tuần trước, một nhóm sinh viên trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã đứng ra đặt in các tấm băng rôn nhỏ đề chữ ““Tôi yêu Hà Nội” cùng lá cờ đỏ cầm tay khắc hình logo biểu tượng của thủ đô Hà Nội để bán trong ngày Đại lễ.

Quốc Huy, thành viên trong nhóm cho biết: “Ý tưởng thì luôn luôn có trong đầu. Việc thực hiện như thế nào mới là quan trọng”. Để chuẩn bị cho “đợt ra quân” này, nhóm Quốc Huy đặt làm 1.500 tấm băng rôn để bán cho mọi người buộc lên đầu hoặc thắt ở cổ tay.

Khách nước ngoài háo hức mua khẩu hiệu, băng rôn đề chữ "Tôi yêu Hà Nội"

Giá của những sản phẩm trên không quá cao, chỉ 5.000 đồng/chiếc. “Điều bọn mình mong muốn là góp sức vào kỉ niệm Đại lễ nghìn năm, tô thêm màu sắc phố phường Hà Nội trong buổi sinh nhật vĩ đại này”, Quốc Huy vui vẻ. 


Với những lá cờ mini hay băng rôn, khẩu hiệu mang dòng chữ thể hiện tình cảm với thủ đô, nhiều du khách đặc biệt là du khách người nước ngoài tỏ ra rất hào hứng hòa vào không khí náo nức của ngày kỷ niệm thủ  đô 1000 năm. Kaori, đến từ Nhật Bản, chia sẻ cảm xúc: “Khi tôi đeo khẩu hiệu này quanh trán, tôi muốn mọi người nhìn tôi như một người Hà Nội chứ không phải là một người khách nước ngoài. Tôi thực sự đã hòa nhập vào không khí nơi này”.

Cũng có nhiều cụ ông, cụ bà mua những chiếc cờ đỏ mang về làm quà cho các cháu ở nhà. Trong khi thanh, thiếu niên lại vui vẻ bỏ ra 5.000 đồng để sở hữu chúng với ý nghĩ “Đây sẽ là minh chứng mình có mặt tại thủ đô đúng ngày Đại lễ”.

6. Giá trông xe tăng "chóng mặt"

C
ấm đường cùng với việc quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, một số cơ sở chuyên trông giữ xe trên vỉa hè như bãi xe trước Bưu Điện Hà Nội, trên đường Nguyễn Xí, Đinh Tiên Hoàng gần như “hết thời” làm ăn. Tuy vậy, đó lại là lý do để các bãi trông xe khu vực phố Cầu Gỗ, chợ Đồng Xuân và một số địa điểm khác quanh phố Cổ mặc sức làm giá.

Mới 8h sáng, các bãi giữ xe khu vực Cầu Gỗ đã đông kín người. Lượng xe máy lưu thông hướng này càng lúc càng đông khiến bãi giữ xe trở nên quá tải. Giá được đưa ra lúc này là 15.000 đồng/xe, cao gấp 5 lần so với ngày bình thường.

Giá trông xe "hét" lên 30.000 đồng/chiếc, trong khi bảng ghi 2.000 đồng/lượt

“Đúng là kiếm được chỗ gửi xe những ngày này quá khó”, chị Thu Hà, người dân đi xem Đại lễ than thở. Thậm chí nhiều người dân các tỉnh khác lên thành phố, mượn được xe của người quen đi chơi nhưng lại ngơ ngác vì chẳng biết nơi nào gửi xe đúng giá.


Giá xe cũng tăng lên chóng mặt từng phút. 11h cùng ngày, theo ghi nhận của pv VTC News, hầu hết các bãi gửi xe đều đã tăng giá lên 30.000 đồng/xe, gấp 10 lần so với quy định. Nếu ngày thường, người dân chỉ phải chi trả từ 2.000 – 3.000 đồng/xe, cùng lắm là 5.000 – 7.000 đồng/xe thì dịp Đại lễ, nhiều người gửi xe đã phải "ngậm bồ hòn" móc hầu bao mà không biết kêu ai.

“Giá này (30.000 đồng/xe – pv) vẫn còn rẻ chán, chỉ chập tối thôi, giá sẽ lên 60.000 đồng/xe”, bà chủ quán trông xe khu vực phố Cổ tuyên bố.

Ngoài ra, một số dịch vụ khác cũng kiếm bộn tiền nhờ Đại lễ như bán quạt, mũ nón rong. Thêm nữa, các cửa hàng lưu niệm trên phố cổ cũng nô nức đón Đại lễ với nhiều mặt hàng, quà tặng phong phú. “Chắc chắn số lượng hàng dịp này sẽ bán ra nhiều hơn, có thể gấp đôi, gấp ba so với ngày thường”, các chủ cửa hàng nhận định.



Đại lễ 1000 năm, bạn muốn đăng trên VTC News:
Bài, ảnh: Tiểu Phương


                       Đại lễ 1000 năm, bạn muốn đăng trên VTC News: 

              - Những lời ngẫu hứng, tự sự, tâm sự... của chính bạn?

                - Những bức ảnh, đoạn video... chỉ mình bạn ghi được?
                                                        
                       - Tin tức, bài viết xoay quanh sự kiện Đại lễ?

                                                            
Hãy gửi đến email
[email protected] 
                                                                        hoặc
[email protected]

Tất cả thông tin bạn gửi sẽ được Ban Biên tập VTC News tiếp nhận, xử lý để đăng tải. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn