Đại gia di động chèn mạng nhỏ vào “bước đường cùng”?

Kinh tếThứ Ba, 04/05/2010 10:35:00 +07:00

Nhiều ý kiến cho rằng việc các "đại gia" di động liên tục tung chiêu khuyến mãi thời gian qua có ý ngầm chèn ép các mạng nhỏ vào "bước đường cùng".

Nhiều ý kiến cho rằng việc các "đại gia" di động liên tục tung chiêu khuyến mãi thời gian qua có ý ngầm chèn ép các mạng nhỏ vào "bước đường cùng". Trong khi đó, các "ông bé" gần đây lại khá im hơi lặng tiếng, có phải họ đã đuối sức hay đây chỉ là một nước đi trong chiến lược dài hơi?

Có dấu hiệu của bán phá giá

Cách đây hơn một tuần, thị trường viễn thông đột ngột lên “cơn sốt” bởi các chiêu khuyến mãi "khủng" đồng loạt được tung ra của cả ba đại gia di động Viettel, MobiFone và Vinaphone. Với "anh em" nhà VNPT là Vinaphone và MobiFone, đặc biệt nhất là việc cho phép khách gọi miễn phí trong vòng một năm tới các thuê bao nội mạng của VNPT, cả di động và cố định. Mỗi tháng, người sử dụng chỉ phải trả mức phí 50.000 - 90.000 đồng và dưới 50.000 đồng cước thuê bao.

Bộ TT - TT cho biết sẽ xây dựng quy định về cước viễn thông trong năm nay. Ảnh minh họa: musvn.com 

Tỏ ra không hề thua kém, mạng di động có số lượng thuê bao lớn nhất Việt Nam là Viettel cũng công bố chương trình đại giảm giá. Theo đó, khách hàng tham gia chương trình VT200 của Viettel, nếu bỏ ra 5.000 đồng đăng ký dịch vụ mỗi ngày, sẽ được hưởng mức cước di động ngang với cố định, còn các thuê bao thuộc 12 tỉnh thành, bao gồm cả Hà Nội và TP HCM thực hiện các cuộc gọi nội mạng chỉ mất mức phí 200 đồng mỗi phút.

Cách đây không lâu, việc Beeline gia nhập thị trường viễn thông Việt Nam vào cuối năm 2009 với gói cước “gọi quên ngày tháng” Big Zero có lẽ được xem là sự kiện "khơi mào" cho cuộc đua khuyến mãi "khủng" của các đại gia di động trong nước. Vì liên tiếp sau đó, cả Viettel, Vinaphone và MobiFone tung ra chính sách gọi nội mạng được miễn phí từ phút thứ 4 đến phút thứ 10, hay gọi mười phút tính tiền một phút. Các chương trình khuyến mãi này còn kéo dài tới hết quý 2/2010.

Bên cạnh việc giảm giá cước, từ nhiều tháng nay, ba mạng di động lớn trên luôn duy trì một tháng hai lần tặng thưởng 50% giá trị thẻ nạp cho thuê bao trả trước khi nạp tiền vào tài khoản. Thậm chí, có không ít lần một số nhà mạng còn nâng mức tặng thưởng vượt quy định, lên tới 100%, 170% giá trị thẻ nạp.

Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Viễn thông, Bộ Thông tin - truyền thông, nhận định, từ đầu năm đến nay, hoạt động khuyến mãi của các nhà mạng đang trở nên quá phức tạp và có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh. Theo quy định, khuyến mãi của các nhà mạng thống lĩnh thị trường nếu dưới giá thành sẽ bị coi là bán phá giá. Mà Viettel, Mobifone và Vinaphone là ba nhà mạng đứng đầu thị trường. Vụ sẽ làm việc với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) để xem những khuyến mãi nào đúng, khuyến mãi nào sai và có hình thức xử lý.

Theo ông Hải, người tiêu dùng đừng nhìn vào cái lợi trước mắt mà cứ thấy chỗ nào khuyến mãi nhiều thì chạy theo. Cái lợi lâu dài đối với người tiêu dùng là các doanh nghiệp cần giảm giá thành, đưa về mức giá thực tế, chứ không được lợi dụng khuyến mãi để giảm giá một thời gian ngắn, chơi lại các “ông bé”, thu hồi thị trường, sau đó trở về cạnh tranh độc quyền. “Khuyến mãi hiện nay có biểu hiện của bán phá giá để giết mạng di động nhỏ lẻ, lợi dụng khuyến mãi để cạnh tranh không lành mạnh”, ông Hải nói.

Theo phân tích của ông Hải, các đại gia di động có tiềm lực tài chính mạnh, lợi nhuận lớn nên có thể trường kỳ khuyến mãi mà vẫn không lỗ hoặc chịu được lỗ trong một khoảng thời gian nhất định, với mục đính thu hút khách. Các doanh nghiệp khác muốn bán được hàng phải giảm giá theo nhưng vì tiềm lực nhỏ, lẻ nên không chịu được lỗ lâu, dẫn tới thua cuộc. Lúc đó các doanh nghiệp lớn lại trở về độc quyền và họ có đưa ra chính sách nào thì người tiêu dùng cũng phải chịu vì không còn lựa chọn nào khác.

Các mạng nhỏ đuối sức?

Theo nhìn nhận của tiến sĩ Lê Thẩm Dương, chuyện “cá lớn nuốt cá bé” là chuyện đương nhiên trong nguyên lý cạnh tranh của thị trường, thậm chí việc này đôi khi còn tốt, giúp thanh lọc thị trường.

“Trong cạnh tranh, ai mạnh thì kẻ đó thắng. Các doanh nghiệp nhỏ, ra đời sau, muốn tồn tại thì phải có một chiến lược kinh doanh tầm cỡ. Nếu doanh nghiệp lớn đi đường quốc lộ thì doanh nghiệp nhỏ phải đi đường ngõ, ngách. Các mạng di động hiện nay chủ yếu đánh về giá, còn khâu chất lượng, phân phối, tiện ích và các giá trị gia tăng thì vẫn đang để ngỏ. "Đại gia" hạ giá, các “ông bé” cũng lao theo cơn lốc giảm giá thì làm sao mà đua lâu dài được nếu không chú trọng vào các khâu khác”, tiến sĩ Dương nói.

Tuy nhiên, ông Dương cho rằng, đừng vội có cái nhìn bi quan về các mạng di động nhỏ, lẻ. Có những doanh nghiệp, nguyên tắc kinh doanh của họ là “cứ từ từ”, trước tiên chỉ cần chiếm được một thị phần khách hàng nhỏ là ổn, rồi sau đó phát triển dần.

“Tôi biết một công ty về quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, có trụ sở ở TP HCM thua lỗ trong 13 năm đầu, nhưng hai năm sau đó, họ lãi gấp đôi tổng số lỗ trước đó. Bây giờ công ty này rất nổi tiếng tại Việt Nam”, ông Dương nói.

Ông phân tích thêm, khi Beeline ngừng chương trình khuyến mãi Big Zero từng "làm mưa làm gió" trên thị trường thì hãng này cũng đã chiếm được một thị phần khách hàng nhất định, dù ít dù nhiều. Hơn nữa, chất lượng của “tân binh” này đang ngày càng được cải thiện và phủ sóng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Bây giờ nhắc đến Beeline hầu như ai cũng biết nó là gì, không ít cổng trường đại học có bóng gian hàng của Beeline. Như vậy không thể nói nhà mạng này đã thua trong cuộc đua tranh khốc liệt giành thị phần khách hàng.

Trước đó, Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết sẽ xây dựng quy định về cước viễn thông trong năm nay. Theo đó, các doanh nghiệp không thuộc diện khống chế thị trường có thể được bán dưới giá thành hay bán phá giá, còn các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường thì không được phép. Như vậy, đây có thể là một lợi thế để các “ông bé” giữ và hút khách.

Theo Báo Đất Việt

Bình luận
vtcnews.vn