"Mếu" vì ATM hết tiền ngày cận Tết

Kinh tếThứ Hai, 08/02/2010 04:37:00 +07:00

Những ngày cận Tết, nhu cầu tiền mặt tăng cao, trong khi nhiều NH 2 ngày nghỉ cuối tuần không nhập tiền cho ATM, khiến người dân rơi vào cảnh "vỡ kế hoạch".

Những ngày giáp Tết, người người đổ xô đi mua sắm. Nhu cầu tiền mặt tăng cao, trong khi nhiều ngân hàng hai ngày nghỉ cuối tuần không nhập tiền cho ATM, khiến nhiều người dân rơi vào cảnh "vỡ hết kế hoạch".

Khốn khổ, bực bội vì ATM

Tối Chủ nhật vừa qua (7/2), trước cửa siêu thị Thạch Kim trong khu đô thị mới Định Công, rất nhiều người có nhu cầu rút tiền, nhưng cả hai máy ATM Vietcombank đều báo lỗi, không thể thực hiện giao dịch.

Hai vợ chồng anh Như cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tranh thủ ngày nghỉ cuối cùng trước dịp Tết, cả nhà anh chị đi mua sắm, hàng mua đã chọn xong nhưng chẳng may thiếu tiền mặt, anh Như ra rút tiền thì máy hỏng. Sốt ruột vì đứa con nhỏ đi theo khóc đòi ngủ, đành phải trả lại hàng.

Chị vợ càu nhàu, “đã bảo rút tiền bớt từ hôm qua thì cứ chủ quan. Bây giờ trả lại hàng thì đâu còn thời gian đi mua nữa. Tuần sau về quê rồi. Có tiền bảo rút ngay thì không nghe, cứ nhìn mấy cái máy ATM có ngày không có tiền mà...”.

Thấy vợ bực mình, anh Như nói như quát, “biết rồi, lần sau dịp Tết nhất không thể tin ATM nữa”. Hai vợ chồng ra về với sự bực tức, hàng Tết chưa sắm đủ, đứa con nhỏ vẫn khóc đòi ngủ.

Tình trạng không rút được tiền cũng xảy ra tại nhiều điểm ATM Vietcombank ở Hà Nội. Hai máy ATM ở Bưu điện Định Công, một máy tê liệt hoàn toàn, máy còn lại người xếp hàng chờ, người chờ không nổi đành quay xe đi. Cả hai cây ATM tại 229 Cầu Giấy, từ trưa đến đầu giờ chiều tê liệt không thể rút. Đến tận gần tối mới khôi phục lại.

Trong khi đó, cây ATM Vietinbank cạnh cây xăng Nam Đồng rất nhiều người dừng mua xăng tranh thủ rút tiền đều không thực hiện được. Máy báo lỗi từ trưa đến chiều. ATM khác của Vietinbank trước cổng Ga Hà Nội cũng lỗi tự bao giờ, nhiều người tranh thủ rút tiền trước khi về quê đều chịu.

Hàng loạt ATM của BIDV cũng rơi vào tình trạng tương tự. ATM trên phố Hai Bà Trưng (cổng Tòa án Hà Nội) bị tê liệt, nhiều cây khác như ở Hoàng Quốc Việt (cổng Viện Khoa học Việt Nam), Thái Hà, Chùa Bộc... đều được nhiều bạn đọc và khách hàng phản ánh không phục vụ.

Nhìn chung đa số các máy lỗi, không phục vụ đều rơi vào các ngân hàng lớn, vì ngân hàng này có nhiều khách hàng, lượng rút tiền dịp Tết lớn, trong khi hai ngày cuối tuần không thể nhập tiền cho máy.

Số máy bị lỗi, hết tiền không phải là phần lớn nhưng lại rơi vào những tụ điểm đông người, thời điểm nhạy cảm... nên khiến khách hàng cảm giác bị bỏ rơi, tinh thần phục vụ kém.

Thậm chí, những ngân hàng nhỏ, ít khách hơn cũng có một số cây không phục vụ. Cây ATM của MB tại phòng giao dịch trên phố Lê Trọng Tấn, tối om, phòng đặt máy tắt đèn, màn hình máy tối om, không ai dám vào rút.

Lượng khách tăng lên, dịch vụ đi xuống

Việc thiếu máy ATM, máy không rút được tiền không chỉ được người dân và khách hàng bức xúc phản ánh nhiều lần mà ngay cả Ngân hàng Nhà nước cũng đã dự đoán tình trạng này sẽ xảy ra trong dịp Tết nên đã cảnh báo các ngân hàng cần chú ý phục vụ tốt hơn. Nhưng xem ra thực tế này không được cải thiện là mấy.

Nguyên nhân của tình trạng này chính là thiếu máy ATM và thiếu các máy POS thanh toán tại các điểm mua bán. Tình trạng này cũng được chỉ ra trong báo cáo sơ bộ về việc trả lương qua tài khoản, Ngân hàng Nhà nước đã cảnh bảo tình trạng đầu tư hạ tầng là máy ATM, các máy thanh toán POS không tương xứng với sự phát triển của số lượng thẻ.

Đầu tư chưa tương xứng, khó thuyết phục khách hàng. (Ảnh: taichinhvn)
Đầu tư chưa tương xứng, khó thuyết phục khách hàng. (Ảnh: taichinhvn)

Thực tế, một chuyên gia của hãng máy ATM có chi nhánh ở Việt Nam cho biết, hai năm gần đây, có nhiều lý do mà tốc độ mua sắm máy móc thanh toán của các ngân hàng đang chậm lại.

Đây là điều không bình thường vì dưới sự hỗ trợ của Nhà nước với việc bắt buộc trả lương qua thẻ, số khách hàng thẻ của các ngân hàng đã tăng lên nhiều trong khi số máy ATM và POS lại không phát triển tương xứng.

Trên đường phố, có nhiều máy ATM hỏng cả tuần dán giấy che kín màn hình mà không sửa trông rất phản cảm.

Phải chăng các ngân hàng mới chỉ đầu tư cầm chừng vào dịch vụ thẻ vì: dịch vụ thẻ chưa có lãi, nên chỉ đầu tư như một cách làm thương hiệu và làm cho có để gọi là tham gia thị trường, hay sau nhiều lần đề nghị thu phí không thành công, các ngân hàng có vẻ bắt đầu ngán nên không muốn đầu tư mạnh tay nữa để chờ tình hình mới”, vị chuyên gia này nói.

Với thực tế hạ tầng kém nhất là thiếu ATM và các máy thanh toán POS khiến khách hàng không còn cách nào để ngoài việc rút tiền mặt ra tiêu ngay sau khi có tiền về tài khoản. Mặt khác, dịch vụ thiếu, chất lượng phục vụ kém thì chính các ngân hàng rất khó thuyết phục khách hàng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Vì thế, thay vì sớm nghĩ chuyện thu phí với thực tế hiện nay, các ngân hàng nên làm tốt dịch vụ của mình để thuyết phục khách hàng. Khi đó, một thói quen thanh toán không dùng tiền mặt hình thành, chắc ít người còn thích dùng thẻ chỉ để rút tiền và cũng không so đo tiền phí nếu dịch vụ có ích lợi thực sự.

Theo
VietNamnet
Bạn có nhận xét gì về chất lượng dịch vụ thẻ của các ngân hàng hay đã bao giờ gặp phải tình trạng "dở khóc, dở cười" với các cây ATM? Hãy gửi phản hồi cho chúng tôi vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng cảm ơn!

Bình luận
vtcnews.vn