Bóng đá Việt và nỗi ám ảnh tiểu nông

Thể thaoThứ Hai, 26/10/2015 04:00:00 +07:00

Bóng đá nhà mình kiểu gì cũng không thoát khỏi cái bóng tiểu nông. Trước thềm mùa giải mới mà nhà nhà lo chạy tiền, cứ như là chuẩn bị mùa giáp hạt

Bóng đá nhà mình kiểu gì cũng không thoát khỏi cái bóng tiểu nông. Trước thềm mùa giải mới mà nhà nhà lo chạy tiền, cứ như là chuẩn bị mùa giáp hạt tháng 3 ngày 8.

Còn nhớ cách đây một năm, cũng trước mùa giải 2015, hàng loạt các CLB “khóc ra tiếng mán” bởi những tiêu chuẩn được cho là quá cao của VFF đối với những CLB chuyên nghiệp. Trong đó đặt ra hàng loạt những tiêu chí bắt buộc để được cấp phép, đó là CLB chuyên nghiệp, trước mắt các CLB phải đạt 3 yêu cầu tối thiểu gồm: công tác đào tạo trẻ (đủ 4 tuyến U21, U19, U17 và U15); phải cải tiến mặt sân; phải đáp ứng đủ yêu cầu tài chính tối thiểu của mùa giải: CLB dự V-League là 35 tỷ đồng, hạng Nhất 20 tỷ đồng.

Thế là rụng như sung, các đội kêu khóc vì thiếu kinh phí, lãnh đạo VFF thì cho rằng: “Tôi cho rằng con số quy định như trên là không cao. Trước khi đưa ra mức trên, BTC đã có sự tính toán dựa trên đầy đủ các cơ sở. Đây là số tiền cần thiết để các CLB đảm bảo chi phí hoạt động và cả cho đào tạo trẻ. Thực tế nếu không tính chi phí đào tạo trẻ thì chi phí hoạt động của các CLB cũng không quá lớn. Mùa trước chúng tôi biết có những đội chỉ hơn 20 tỷ đồng đã đủ hoạt động”. Đúng là kiểu “ngồi máy lạnh làm chính sách”.
CLB của tôi chỉ cần 20 tỷ là khỏe (Ảnh: Quang Minh)
CLB của tôi chỉ cần 20 tỷ là khỏe (Ảnh: Quang Minh) 
Thực tế thì VFF cũng khảo sát, nhưng có vẻ khảo xong, “sát” luôn. Các CLB cần cái cần câu chứ không phải con cá. Thế nhưng với các CLB thì con cá cũng chẳng có mà ăn. Với vai trò lãnh đạo nền bóng đá, VFF hay VPF không cho các CLB, nhất là những CLB nhỏ, tỉnh lẻ có cơ hội trả lời câu hỏi: “Kiếm đâu ra tiền từ bóng đá?”. 
Tài trợ thì chưa xin thì ông phụ trách tài chính đã chốt ngay: “CLB của tôi chỉ cần 20 tỷ là khỏe”. Vậy là chết, lãnh đạo đội bóng lại “khóc như gà con lạc mẹ” bởi vác rổ đi xin tiền tài trợ, đâu cũng bảo: “Đấy nhé, lãnh đạo VFF nói vậy, bóng đá đâu cần nhiều tiền mà các ông xin lắm thế”. 
Rồi có ông ở Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bảo: “Mỗi năm chi cho bóng đá 20 tỷ, thế là bằng ngân sách cấp cho hộ nghèo của một huyện”. Thế là “chết” rồi còn gì. Không bóng đá không sao chứ cả một huyện thiếu tiền trợ cấp thì bị quy ngay là “vô nhân đạo”, “không quan tâm đến dân”.
U21 Báo Thanh Niên
 Bóng đá Việt cần phát triển từ gốc, nâng cao chất lượng đào tạo trẻ
(Ảnh: Quang Minh)

Phó Tổng cục Cục trưởng TDTT Trần Đức Phấn nói: “Bóng đá hoạt động theo quy định, quy chế chung của FIFA nhưng phải phụ thuộc vào đặc điểm thực tế, tình hình chính trị, văn hóa, xã hội,… của từng nước, không thể có chuyện các Liên đoàn muốn điều hành ra sao thì ra.

Phải có sự quản lý, chỉ đạo, định hướng về mặt nhà nước, đấy là điều không phải bàn cãi. Các CLB Việt Nam hoàn toàn chưa tự lo được kinh phí hoạt động, vẫn phải lệ thuộc vào ngân sách, cơ sở vật chất nhà nước và chắc chắn còn lâu mới tự lập được. 

Cho nên, VFF cần phải hạ tiêu chuẩn CLB chuyên nghiệp đi, không thể áp đặt một cách cứng nhắc chuẩn quốc tế vào ta. CLB phải kết hợp hài hòa giữa mô hình nhà nước và doanh nghiệp, mất cân đối là không ổn”.
Thế nên việc VFF tính toán hạn chế đội chuyên nghiệp, tăng chất và lượng những giải hạng nhì, hạng nhất làm chân đế là nguyên tắc đúng. Ấy thế mà VFF cứ khăng đăng đòi nâng số lượng đội chuyên nghiệp cho “bằng anh bằng em”.
Thế chẳng bằng: “Thấy cũng tội, mà thôi cũng kệ” sao?

Nguồn: Thể thao 24h
Bình luận
vtcnews.vn