Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 3,8 triệu ha lúa là quy hoạch mở, không đóng khung

Thị trườngThứ Bảy, 24/09/2022 18:50:03 +07:00

Ngành nông nghiệp đang quy hoạch 3,8 triệu ha trồng lúa linh hoạt, có độ mở và tập trung tăng tỷ trọng thuỷ sản và cây ăn trái, giảm tỷ lệ lúa gạo.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan tại hội thảo Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững vùng ĐBSCL, diễn ra hôm nay 24/9.

Theo Bộ trưởng, nếu nhìn tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với cặp mắt tích cực hơn, từ những điều sẵn có chúng ta có thể "biến hóa" thành có nhiều hơn nữa tại vùng này. 

Câu chuyện thích ứng với biến đổi khí hậu là chuyện của đồng bằng chứ không phải chuyện riêng lẻ của từng tỉnh trong vùng. Nông nghiệp Việt Nam đang tập trung để tăng tỷ trọng trong vực thủy sản và cây ăn trái, giảm lúa gạo. Quy hoạch 3,8 triệu ha trồng lúa là linh hoạt có độ mở chứ không đóng khung”, ông cho hay.

Bộ trưởng cho rằng, đã có một chương trình hỗ trợ ĐBSCL từ Ngân hàng Thế giới, cần mở rộng tư duy từ gói hỗ trợ này: địa phương sẽ được gì, ĐBSCL được gì?

Người đứng đầu ngành nông nghiệp dẫn lại câu chuyện về một doanh nhân người Úc từng chia sẻ, người dân Úc không biết Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ…Còn khi nhắc đến Mekong Delta thì ai cũng biết, bởi nó đã thành thương hiệu nằm trong những quyển sách về 5 đồng bằng lớn thế giới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 3,8 triệu ha lúa là quy hoạch mở, không đóng khung - 1

Sẽ tăng tỷ trọng đầu tư cho thuỷ sản và trái cây, giảm lúa gạo nhằm thích ứng với BĐKH.

Mekong Delta là thương hiệu được thế giới biết đến. Cần chung tay hành động, không phải chống chịu mà cần liên kết, kích hoạt khả năng thích ứng, phục hồi để phát triển”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các địa phương chia sẻ những lo lắng về biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng phức tạp, không theo quy luật; ranh giới vùng mặn - ngọt thay đổi nhanh. Đồng thời, nhấn mạnh đến sự cần thiết hỗ trợ chuyển đổi phương thức sản xuất chuyên nghiệp hơn, nhất là khâu tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, chất lượng để tăng tính cạnh tranh cho nông sản. 

Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho biết, với Nghị quyết 120 được Chính phủ ban hành năm 2017, Việt Nam đã đạt được một cột mốc đột phá, đánh dấu sự khởi đầu từ cách tiếp cận phòng thủ khí hậu thường thấy để hướng tới mô hình “chủ động sống chung với thiên nhiên”. 

Tác động của BĐKH, nước biển dâng, thời tiết thay đổi lớn hơn cùng với nhiễm mặn đã được coi là bình thường mới của ĐBSCL. Đã bắt đầu có chuyển đổi trong tư duy, tầm nhìn và cách tiếp cận đối với phát triển và quy hoạch ở cấp vùng - từ quy mô nông hộ nhỏ và quan điểm của tỉnh sang liên tỉnh và toàn vùng đồng bằng; từ quan điểm ngắn hạn sang cách tiếp cận dài hạn, đa ngành và tổng hợp. 

Nền tảng của sự chuyển đổi này là quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL và chương trình tổng thể chuyển đổi nông nghiệp vùng.

WB đã đồng ý phát triển một dự án mới ở ĐBSCL nhằm hỗ trợ giải quyết các thách thức về quản lý tài nguyên nước và xây dựng sinh kế nông nghiệp trong thời kỳ BĐKH. Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ thông qua việc huy động kiến thức hiện đại, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để thực hiện tầm nhìn và mục tiêu của các bạn”, bà Carolyn Turk cho biết thêm.

WB cũng công bố báo cáo “Hướng tới Chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp” tại hội thảo.

Theo báo cáo, việc chuyển sang trồng lúa carbon thấp sẽ có tiềm năng cao nhất để Việt Nam đạt mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí mê-tan vào năm 2030, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng xuất khẩu chiến lược này.

Báo cáo nêu bật 5 lĩnh vực chính sách, từ ngắn hạn đến trung hạn, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang lúa gạo carbon thấp, bao gồm đảm bảo tính nhất quán của chính sách cũng như việc điều chỉnh kế hoạch-ngân sách; định hướng lại các công cụ chính sách và chi tiêu công; thúc đẩy đầu tư công; cải thiện thể chế và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân và các bên liên quan.

Ông Benoit Bosquet - Giám đốc Khu vực về phát triển bền vững của WB, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, nhận xét: “Những phương pháp này đã được chứng minh là hiệu quả. Nếu mở rộng quy mô trên toàn ngành nông nghiệp sẽ giúp Việt Nam tiến dần tới mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050”.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn