Bộ trưởng Công Thương: Cần tính các quỹ an sinh, quỹ bình ổn để kìm giá xăng

Thị trườngThứ Tư, 16/03/2022 11:10:08 +07:00
(VTC News) -

Bộ trưởng Công Thương cho rằng nếu giảm các loại thuế, phí mà giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng thì cần tính các quỹ an sinh, quỹ bình ổn để kìm giá trong nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu nội dung trên trong phần trả lời chất vấn về xăng dầu tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 16/3.

Theo ông Diên, giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá thế giới do chủ yếu sử dụng linh hoạt các công cụ bình ổn như quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tại nhiều kỳ điều hành, liên bộ Tài chính - Công Thương đã trích 500 - 1.500 đồng một lít xăng, dầu tuỳ loại. Nếu không trích quỹ này thì không thể có giá thấp hơn thế giới. Do giá những vật tư chiến lược như xăng dầu giống như bình thông nhau, giá thế giới thế nào thì giá Việt Nam phải như thế. 

Tuy việc duy trì quỹ bình ổn rất quan trọng, nhưng quỹ có hạn, hiện chỉ khoảng 600 tỷ đồng trong khi quỹ này tại nhiều doanh nghiệp đã âm lớn. Trong bối cảnh này, hai Bộ Tài chính - Công Thương đã đề xuất và Chính phủ có Nghị quyết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Nếu chính sách này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, áp dụng từ 1/4 thì "hy vọng giá xăng dầu sẽ giảm".

Tuy nhiên, ông Diên cũng nhìn nhận, nếu giá nguyên liệu thế giới tiếp tục tăng cao thì sẽ phải nghiên cứu giảm tiếp các loại thuế, phí khác...Hết công cụ thuế phí mà giá thế giới vẫn tăng cao, để kìm giá CPI, giữ nền kinh tế ổn định hay những đối tương dễ bị tổn thương khó khăn thêm, các bộ, ngành chức năng có thể đề xuất cấp có thẩm quyền sử dụng các quỹ an sinh, quỹ bình ổn hỗ trợ các đối tượng nghèo, hỗ trợ thuế doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu.

Bộ trưởng Công Thương: Cần tính các quỹ an sinh, quỹ bình ổn để kìm giá xăng - 1

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn sáng 16/3. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin, những ngày qua giá xăng dầu thế giới tăng đột biến bởi đứt gãy nguồn cung ở một số nước có sản lượng lớn, cũng như căng thẳng Nga - Ukraine. Những điều này khiến cho thị trường xăng dầu thế giới đảo lộn, tăng biên độ từ 40 - 60%.

Ở trong nước, chúng ta cũng gặp những khó khăn từ nguồn cung do Nghi Sơn - nhà máy cung ứng 35 - 40% sản lượng dầu trong nước mỗi tháng - đã giảm công suất một cách đột ngột, có lúc chỉ còn 55%. 

Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó, Bộ Công Thương cho biết kịch bản điều hành xăng dầu quý II sẽ không có nguồn từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn do kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng tháng 4 và 5 của nhà máy này chưa rõ.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của nhà máy”, báo cáo của Bộ Công Thương nêu.

Tuy vậy, ông Diên cho rằng nguồn cung xăng dầu trong nước không thiếu. Ngay từ tháng 1, Bộ Công Thương đã trực tiếp chỉ đạo những doanh nghiệp đầu mối phải nhập đủ sản lượng xăng dầu khi nhà máy Nghi Sơn thiếu hụt để đảm bảo đủ nguồn cung trong nước. 

Về giá xăng dầu, ông Diên cho hay, thời gian qua biên độ tăng giá ở trong nước cao nhất cũng chỉ bằng cận dưới của thế giới.

Liên quan đến công tác thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, cả nước có khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 16.800 cửa hàng và xử lý được những cửa hàng vi phạm, khoảng 211 cửa hàng. 

“Hiện tượng một số cây xăng đóng cửa với lý do không có nguồn cung là có thực. Bởi vì những của hàng này nhận xăng dầu từ Nghi Sơn, mà nhà máy giảm đột ngột nên không có ngay xăng dầu được”, ông Diên nói.

Xuân Trường - Quang Tuyền
Bình luận
vtcnews.vn