Bổ sung quy định hủy bỏ khen thưởng, tước danh hiệu vinh dự nhà nước

Tin nhanh 24hThứ Hai, 28/03/2022 12:11:00 +07:00
(VTC News) -

Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) bổ sung quy định trường hợp tổ chức, cá nhân bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước.

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng 28/3, thảo luận về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung trường hợp đã được khen thưởng nhưng sau đó bị phát hiện vi phạm quy định của Nhà nước và bị xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên trong kỳ được xét khen thưởng thì phải bị hủy bỏ quyết định khen thưởng và bị thu hồi hiện vật và tiền thưởng.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội xin phép được chỉnh lý Điều 91 của dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định trường hợp tổ chức, cá nhân bị hủy bỏ quyết định khen thưởng.

Đặc biệt, quy định cụ thể hơn về các trường hợp cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà có hành vi vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên có tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước. Đồng thời,Thường trực Ủy ban Xã hội chỉnh lý quy định cụ thể về nội dung để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về vấn đề xử lý vi phạm.

Bổ sung quy định hủy bỏ khen thưởng, tước danh hiệu vinh dự nhà nước - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh.

Về việc bổ sung danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu” (Điều 26), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn “đạt chuẩn nông thôn mới”.

Dự thảo được chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn chung đạt danh hiệu “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” nhằm bảo đảm tính phổ quát chung nhất thể hiện tại khoản 1 Điều 26 của dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị không giao UBND cấp tỉnh quy định việc xét tặng danh hiệu này.

Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc giao UBND cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn và việc xét tặng đối với danh hiệu này trên cơ sở tiêu chuẩn chung được nêu tại dự thảo Luật là phù hợp. Việc này nhằm bảo đảm hài hòa chung cả nước và phù hợp thực tiễn của từng vùng, miền, đặc điểm của từng địa bàn cụ thể, phản ánh được thực chất của phong trào thi đua ở từng địa phương. Do đó, Thường trực Ủy ban Xã hội xin phép Quốc hội cho được giữ như dự thảo Luật.

Về vấn đề khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích tham gia Chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Tại lần sửa đổi Luật này, Chính phủ tiếp tục duy trì nguyên tắc chung như trên để trình Quốc hội và bổ sung phạm vi “bảo vệ Tổ quốc” và đối tượng “tập thể”.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến như thể hiện tại khoản 1 Điều 95 dự thảo Luật.

Về việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, trong quá trình thảo luận, có hai loại ý kiến về việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.

Loại ý kiến thứ nhất thống nhất với tờ trình của Chính phủ, đề nghị bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” và loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” trong dự thảo Luật.

Với tính chất là một hình thức khen thưởng kháng chiến, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cho phép đưa quy định này vào Điều về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và thể hiện tại khoản 2 Điều 95 nói trên.

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp