Bỏ chấm điểm học sinh tiểu học: Bữa tối căng thẳng trong gia đình sẽ mất

Giáo dụcThứ Hai, 09/11/2015 11:08:00 +07:00

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã nêu ra nhiều lợi ích khi bỏ chấm điểm tiểu học.

(VTC News) – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã nêu ra nhiều lợi ích khi bỏ chấm điểm tiểu học.

Trong buổi tọa đàm "Giáo dục Việt Nam, học thế nào để thành công?",  nhiều giáo viên phản ánh lứa học sinh tiểu học đầu tiên không chấm điểm theo Thông tư 30 không có thói quen làm bài tập, học bài cũ khi lên lớp 6.  Vì vậy, nhiều em bị điểm kém trong bài kiểm tra đầu năm học.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến 

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học có từ 10 năm trước và không phải đến Thông tư 30 mới quy định.

Tuy nhiên, nhiều nơi, giáo viên vẫn giao bài cho học sinh. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh còn đề nghị giáo viên giao thêm bài tập cho con làm ở nhà.

Phân tích về điều này, ông Tiến lấy ra ví dụ "Mỗi ngày cơ thể thích nghi với 3 bữa cơm, nhưng đêm về lại ăn thêm khẩu phần tương đương bữa trưa thì liệu có tiêu hóa được không? Phụ huynh cần biết ở trường trẻ đã học và tham gia nhiều hoạt động cả ngày, vậy thời gian buổi tối cha mẹ cần chơi với các con. Nếu phụ huynh muốn con làm bài tập để có thời gian làm việc khác thì có thể mua sách tham khảo, đừng bắt nhà giáo dục làm việc này cho các cháu. Tôi nghĩ học 2 buổi/ngày đã đủ kiến thức, kỹ năng cho trẻ rồi".

Bên cạnh đó, một số phụ huynh cũng phản ánh việc không chấm điểm học sinh tiểu học sẽ làm các cháu mất đi niềm vui khoe điểm và không cố gắng.

Tuy nhiên, vị Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng: “Phụ huynh không nên đổ lỗi cho Thông tư 30 mà hãy nên mở vở xem con học thế nào, tiếp thu ra sao, giảng dạy con. Đừng quan tâm con có điểm số bao nhiêu mới biết con đang ở đâu. Thậm chí, có những phụ huynh không kiềm chế được cảm xúc đã bạt tai con vì điểm kém”.

“Phụ huynh có nghĩ đến việc ngoài mất đi niềm vui của những học sinh đạt 9, 10 điểm, không chấm điểm còn sẽ mất đi nỗi buồn của những em đạt điểm 3, 4; mất đi những bữa tối căng thẳng trong mỗi gia đình?” ông Tiến phân tích.
 TS Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội)
Cũng có cùng quan điểm này, TS Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội) nêu quan điểm: "Chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo không cung cấp hoàn toàn kiến thức cần trang bị cho học sinh. Tôi thấy nhiều trẻ em không biết gì về âm nhạc, các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, kiến thức địa lý, kỹ năng sống, nấu ăn, thể thao… Như vậy, thời gian buổi tối là lúc các cháu có thể học và làm những điều đó.

Điều quan trọng là phụ huynh cần kết hợp nhà trường để giáo dục theo cách tốt nhất, bởi học sinh Việt Nam tương đối giỏi lý thuyết nhưng kém thực hành".

Vì vậy, thay vì việc bắt con làm các bài tập về nhà, phụ huynh có thể cùng học và cùng chơi với con qua các hoạt động, các bộ môn âm nhạc, thể thao.

Cũng trong buổi hội thảo, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Xuân Tiến bày tỏ sự trăn trở trước vấn nạn dạy thêm, học thêm. Thậm chí, một số cô giáo ra bài khó để học sinh phải đi học thêm.

Học thêm nếu xuất phát từ nhu cầu, mong muốn phát triển, sở thích hoặc đam mê, là điều chính đáng. Học thêm chỉ có lỗi khi dạy và học tràn lan.

Vì vậy, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến khuyên phụ huynh chỉ cho con học thêm khi thấy cần, đừng chạy theo bầy đàn, đừng sợ áp lực.

Bình luận thêm về việc dạy thêm, học thêm, TS Vũ Thu Hương cho rằng không nên học thêm theo phong trào.

“Tôi nói với con tôi rằng, học là việc của con, không phải là việc của mẹ. Tôi nhờ cô giáo phạt con không làm bài tập về nhà, sau đó tự giác hẳn, hết học kỳ 1 được khen tiến bộ. Tiếng Anh chỉ học khi kém hơn các bạn học lớp chuyên ngữ. Do đó, phụ huynh cần biết con mình cần gì chứ không phải hàng xóm làm gì mình làm đó".

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn