Bỏ biên chế, lương viên chức có thể ở mức 50 triệu đồng

Thời sựChủ Nhật, 20/06/2010 06:35:00 +07:00

(VTC News) - "Tách ra khỏi công chức, viên chức sẽ không bị bó hẹp bởi những ngạch lương của công chức, họ có thể có những mức lương tới 30-50 triệu".

(VTC News) - "Tách viên chức ra khỏi công chức, viên chức sẽ không bị bó hẹp bởi những ngạch lương của công chức, họ có thể có những mức lương tới 30 - 50 triệu đồng", ĐB Nguyễn Văn Quyền (Hà Nội) nói như vậy khi góp ý cho dự thảo Luật Viên chức.

Sáng 19/6, các ĐBQH đã thảo luận dự án Luật Viên chức. Đây là dự án luật mà nếu được thông qua, sẽ có tác động đến 1,6 triệu lao động (trong đó tới 80% là viên chức giáo dục) đang làm việc trong gần 52.000 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, quy định gây tranh cãi và khó xử lý nhất là việc chuyển viên chức được tuyển dụng sau ngày 1/7/2003 từ hình thức biên chế suốt đời sang hình thức hợp đồng.

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng mục tiêu của việc tách viên chức ra khỏi công chức là để giảm nhẹ ngân sách Nhà nước, tập trung đầu tư cải cách tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời tăng tính chủ động, năng động sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ viên chức. Và quan trọng nhất là nâng cao đời sống, “viên chức không bị bó hẹp bởi những ngạch lương của công chức, họ có thể có những mức lương tới 30 - 50 triệu”, ông Quyền nói.


Mục tiêu như vậy, nhưng đa số ĐB lại bày tỏ băn khoăn và lo lắng về việc nếu chuyển từ biên chế sang hợp đồng ảnh hưởng đến tâm lý của đa số viên chức, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người dân của họ.

ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đưa ra quan điểm, viên chức Nhà nước không thể làm việc theo chế độ hợp đồng mà phải theo chế độ tuyển dụng, bởi quan hệ giữa người lãnh đạo và viên chức trong đơn vị sự nghiệp là quan hệ hành chính, có tính chất quyền lực phục tùng, mệnh lệnh, còn theo hợp đồng lại là thỏa thuận.


ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh).

Hơn thế, ĐB này còn cho biết, qua việc đi thực tế, viên chức rất không đồng tình với chế độ làm việc theo hợp đồng vì họ cảm thấy bị phân biệt đối xử khi cùng trình độ, chế độ thi tuyển, xét tuyển, cùng làm việc nhà nước, phục vụ nhân dân, thậm chí so với công chức họ là những người vất vả hơn nhưng bị phân biệt đối xử bởi chế độ hợp đồng làm việc. Như thế, họ sẽ không yên tâm làm việc, và người thiệt thòi trước hết là người dân, ĐB Châu nhận định.

Đồng ý phân chia ngạch, bậc của viên chức khác với ngạch, bậc của cán bộ, công chức là hợp lý, nhưng Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, ĐB Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) lại bày tỏ lo ngại “Nếu làm như vậy, cùng một đơn vị sẽ tồn tại hai loại hình ngạch, bậc khác nhau, từ đó rất dễ nảy sinh sự vênh nhau về chế độ hưởng thụ”.


Mặt khác, ĐB Đinh Xuân Thảo lo ngại nếu chuyển sang hợp đồng, một số người đang là cán bộ, công chức sẽ có tâm lý như bị hạ cấp, bị mất đi vị thế pháp lý mà họ được hưởng lâu nay, từ đó sẽ không chuyên tâm vào công việc. "Cộng với quyền lợi vật chất không có gì khá hơn thì một số chuyên gia, các nhà khoa học có trình độ cao có thể xin chuyển sang khu vực tư như vậy sẽ dẫn đến chảy máu chất xám", ĐB Đinh Xuân Thảo cảnh báo. Ông Thảo đề nghị dự thảo luật cần ghi rõ quan niệm hợp đồng chỉ là quan hệ nội bộ của cơ quan giữa người sử dụng viên chức viên chức.


Cùng lo ngại này, ĐB Đặng Sỹ Lợi (Thanh Hóa), để nghị dự thảo luật phải bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng của hơn 1,6 triệu viên chức trong khu vực dịch vụ công khi họ tách ra khỏi sự điều chỉnh của Luật cán bộ, công chức. “Lợi ích của viên chức theo dự thảo luật này ít nhất phải không thấp hơn lợi ích của cán bộ, công chức được hưởng theo quy định của Pháp lệnh cán bộ, công chức hiện hành cũng như Luật cán bộ, công chức đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010. Nếu không sẽ tiếp tục diễn ra tình trạng chảy máu chất xám của viên chức công sang khu vực tư”, ĐB Lợi đưa dự báo.


Ủng hộ quan điểm viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003 được đảm bảo chế độ làm việc suốt đời như công chức, nhằm tạo sự ổn định, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần làm việc của đội ngũ này, nhưng ĐB Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang), cho rằng dự thảo luật chưa đề cập đến trường hợp viên chức được tuyển dụng trước thời điểm nay nhưng không đạt yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.


Để đảm bảo công bằng và thống nhất, ĐB Sáng đề nghị chuyển bộ phân viên chức thuộc biên chế được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003 sang chế độ hợp đồng không xác định thời hạn. Còn với viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003 chưa đạt yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ hoặc còn trong thời hạn bị xử lý kỷ luật, ĐB Sáng đề nghị “không nên đương nhiên chuyển sang hình thức hợp đồng xác định thời hạn mà cần có quy định về thời gian để số viên chức này phấn đấu nâng cao trình độ”.

.

Ngược lại, ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh) lại cho rằng  công chức mà tuyển dụng trước 1/7/2003 thì không phải ký hợp đồng là không bình đẳng và có sự phân biệt đối xử trong một đơn vị sự nghiệp. Làm như vậy thì những người trước năm 2003 sẽ không chịu tiếp tục phấn đấu như những người tuyển dụng sau. Do vậy, ĐB Tiến đền xuất cho nên đề nghị là đồng loạt thực hiện việc ký hợp đồng đối với tất cả những viên chức được tuyển dụng trước và sau thời điểm 1/7/2003.

Cả nước hiện nay có gần 52.000 đơn vị sự nghiệp công lập với 1,6 triệu viên chức, trong đó 1,3 triệu người ngành giáo dục (chiếm 80%), 245.000 viên chức y tế và một số ngành khác như khoa học công nghệ, thể dục thể thao v.v....


Trong tổng số 1,6 triệu viên chức cả nước hiện nay thì có đến 1 triệu người dưới trình độ đại học, (chiếm 60,8%). Viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp ở địa phương trình độ dưới đại học là 986.782 người (chiếm 96%).


Nhật Anh

Bình luận
vtcnews.vn