Bí mật thú vị về 2 'chàng trai vàng' Olympic Vật lý Châu Á 2015

Giáo dụcThứ Tư, 13/05/2015 08:06:00 +07:00

Hai chàng trai vàng của Olympic Vật lý Châu Á 2015 có những bí mật vô cùng thú vị về bản thân khiến ai cũng bất ngờ.

(VTC News) - Hai chàng trai vàng của Olympic Vật lý Châu Á 2015 tiết lộ bí mật vô cùng thú vị về bản thân khiến ai cũng bất ngờ.

"Chàng trai vàng" biết đọc từ năm 4 tuổi

Nguyễn Ngọc Khánh - học sinh lớp 12A3 THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) đoạt huy chương vàng cuộc thi Olympic Vật lý Châu Á 2015 tại Trung Quốc.

Ngay từ thuở học sinh cấp 2 trường làng của xã Nghi Trung – Nghi Lộc, Khánh đã đạt thủ khoa tuyệt đối học sinh giỏi huyện, giải Nhì học sinh giỏi tỉnh môn Vật Lý.

Từ vùng quê nông thôn nghèo khó, ý chí sắt đá của em đã được toại nguyện và thi đỗ vào lớp chuyên Lý của trường Phan Bội Châu và từng bước khẳng định tư chất, đam mê và học giỏi môn Vật lý.
Chàng trai vàng Olympic 2015
Khánh được bố, mẹ ra đón con tại sân bay Nội Bài rạng sáng 12/5.
Năm học lớp 11, em đã giành Huy chương đồng Olympic Vật Lý châu Á năm 2014. Sang năm lớp 12, em đã giành giải Nhất học sinh giỏi Quốc gia môn Vật Lý và xuất sắc vượt qua kỳ thi vòng 2 chọn Đội tuyển Quốc gia Việt Nam để tham dự Kỳ thi Olympic Vật lý châu Á vừa tổ chức tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Triết Giang (Trung Quốc).

Tư chất của một cậu học trò giỏi và kinh nghiệm đã giúp em đủ bình tĩnh, tự tin trong kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á với sự tham gia của 26 quốc gia để giành Huy chương vàng.

Ông Nguyễn Ngọc Danh (Bố của Khánh) kể chàng trai này hiếu động từ nhỏ, luôn mày mò, tìm hiểu đồ vật trong xung quanh.

“Khánh tìm cách tháo gỡ xem cấu tạo, nguyên lý hoạt động của những vật dụng xung quanh. Nhiều đồ dùng không thể lắp lại được. Khánh rất ham học, luôn đặt những câu hỏi 'vì sao' để tự mình giải quyết”, ông Danh kể. Đặc biệt, Ngọc Khánh biết đọc chữ, làm tính từ năm 4 tuổi.

 "Tôi mua sách lớp 1, dạy con bằng cách ứng dụng vào những trò chơi. Tôi dạy con phát âm từng đồ vật trong nhà, ngoài sân. Không ngờ, chỉ 4 tuổi, cháu đã đọc được chữ, làm toán”, người cha của "chàng trai vàng" nhớ lại.

Năm lớp 9, Nguyễn Ngọc Khánh bắt đầu yêu thích môn Vật lý, trong khi bố mẹ lại định hướng chuyên Toán. Chàng trai vàng Olympic vẫn lựa chọn theo quyết định của mình. Gia đình tôn trọng, ủng hộ con trai.

Theo ông Danh, Khánh rất tự giác trong học tập, không bao giờ phải để bố mẹ nhắc nhở. “Mỗi tối, cháu thường học 2 tiếng, nhưng cũng có khi học đến sáng, rồi cắp sách đến trường. Tuy nhiên, chỉ có quãng thời gian ngắn năm lớp 7, cháu mải chơi, mất tập trung. Được bố mẹ nhắc nhở nhẹ nhàng, Khánh hiểu ra và chú tâm học tập”
Chàng trai vàng Olympic 2015
 Nguyễn Ngọc Khánh - Chàng trai vàng Olympic Vật lý Châu Á 2015.
Nguyễn Ngọc Khánh đạt điểm lý thuyết cao nhất đoàn Việt Nam và điểm thực hành đứng thứ 2 trong số 8 thành viên của Đội tuyển Quốc gia Việt Nam tại kỳ thi này.

Khánh đã hiện thực hóa được mơ ước và khát vọng sau tấm huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Á năm 2014.

Tấm huy chương Vàng Olympic châu Á quý giá này sẽ là niềm tin, động lực giúp em tiếp tục khẳng định những gì mà mình đã làm được để tự tin phấn đấu đạt kết quả tốt nhất trong Kỳ thi Olypic Vật lý Quốc tế sắp tới.

Chàng trai vàng "siêu tiết kiệm giấy nháp"

Năm 2015 Vũ Thanh Trung Nam tiếp tục thành công với tâm huy chương Vàng Olympic Vật lý châu Á (năm 2014 giành huy chương Bạc Olympic Vật lý châu Á và huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế). Giọng nói trầm ấm và cởi mở có phần khác so với bề ngoài tưởng như khó gần khi gặp Nam.

Học hết lớp 9 Nam dự thi vào 3 trường THPT chuyên và đỗ thủ khoa Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội); Á khoa trường chuyên ĐH Sư phạm và THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Sau cùng Nam quyết định chọn trường Hà Nội – Amsterdam vì đây là nơi đã gắn bó hồi học THCS.
Chàng trai vàng Olympic 2015
 Nụ cười rạng rỡ nở trên môi chàng trai vàng Trung Nam.
Thầy giáo Đinh Trần Phương, giáo viên dạy đội tuyển Vật lý lớp 12 tại trường Ams chia sẻ: “Chỉ sau 3 tháng của lớp 10 Trung Nam đã nổi trội về khả năng học tập, tư duy tốt, khả năng làm bài chính xác”. Tính tự lập, tự giác học tập là điều thầy Phương rất ấn tượng ở học trò.

Trung Nam cho biết: “Mình nghĩ để lọt vào các vòng thi cấp quốc gia, quốc tế, trước hết các bạn phải nắm vững kiến thức cơ bản và hiểu rõ bản chất của các vấn đề, ngoài ra các bạn nên trang bị cho mình một chút kiến thức Toán. Về thời gian học thì mình nghĩ các bạn học tầm 2-3 tiếng một ngày là đủ, còn về phần tài liệu các bạn ngoài làm các sách bài tập còn nên đọc thêm các sách lý thuyết vật lý đại cương”.

Chàng trai lớp 12 Lý 1 còn được bạn bè đặt cho biệt danh “siêu tiết kiệm giấy nháp” khi không để một chỗ trống trên tờ giấy nháp của mình.

Cậu hóm hỉnh: “Thú thực mình nháp không theo trình tự nên cũng lộn xộn. Mình tận dụng mọi chỗ trống trên giấy để viết vì làm như vậy mình sẽ nhìn được tổng quan nhưng gì mình viết. Nếu viết qua tờ khác thì sẽ khó theo dõi.”

Trong suốt 11 năm học, Trung Nam chỉ học thêm một thời gian rất ngắn là trước khi thi vào lớp 6 của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Hầu hết thời gian còn lại Nam tự học, tự đọc....

Năm lớp 11 Nam ước mơ sau khi tốt nghiệp THPT em ước mơ vào ĐH MIT danh tiếng của Mỹ để học ngành Vật lý ứng dụng. Nhưng năm nay cậu dự định học ngành Kỹ sư khoa học của Đại học Quốc gia Singapore vì điều kiện kinh tế của gia đình và khả năng tiếng Anh của bản thân.

Lưu Ly(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn