Bí ẩn những người tìm chỗ xây thủy điện Sơn La

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 10/05/2013 06:59:00 +07:00

(VTC News) – Để tìm được nơi phù hợp xây dựng thủy điện Sơn La, những kỹ sư địa chất đã phải mất 23 năm ròng ăn rừng, ngủ thác.

(VTC News) – Để tìm được nơi phù hợp xây dựng thủy điện Sơn La, những kỹ sư địa chất đã phải mất 23 năm ròng ăn rừng, ngủ thác.


Kỳ 4: Kỳ công tìm nơi xây thủy điện

Ngày công trình thủy điện Sơn La khởi công là ngày vô cùng trọng đại. Nhưng đó cũng là ngày các kỹ sư địa chất chấm dứt công việc ròng rã suốt mấy chục năm của mình.

Những kỹ sư địa chất là những người đứng sau bức rèm sân khấu. Chẳng ai biết họ đã bỏ ra mấy chục năm trời, cả tuổi trẻ, đi dọc triền sông mấy trăm km mới tìm ra được cái nơi đặt công trình thủy điện vĩ đại này.

Hồi thủy điện Hòa Bình khởi công, năm 1982, thì các kỹ sư địa chất như Huỳnh Phong, Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Văn Tuân, Bùi Khôi Hùng… cũng rời Hòa Bình.

thủy điện sơn la
Tổ máy thứ 6 của thủy điện Sơn La đã vận hành
Họ vào Tây Nguyên khảo sát xây dựng thủy điện Yaly, Sê San 3, Sê San 4, Plây Crông, vào Đông Nam Bộ khảo sát thủy điện Trị An. Vùng Tây Bắc thì khảo sát không thiếu sông nào, tìm ra vô số địa điểm ngăn sông đắp đập.

Tuy nhiên, với lứa kỹ sư kỳ cựu của Xí nghiệp khảo sát xây dựng điện I này, thì thủy điện Sơn La thực sự là dấu ấn lớn nhất cuộc đời họ. Với các thủy điện khác, họ chỉ mất vài năm là khảo sát xong, nhưng thủy điện Sơn La đã ngốn mất 23 năm ròng.

Từng ấy năm là không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, cả máu xương những người khảo sát địa chất đã đổ xuống con sông mà anh em địa chất gọi là “Ma-cà-rồng” này.
thủy điện sơn la
Cảnh tượng đắp đập thủy điện Sơn La 
Những năm 80 của thế kỷ trước, đường lên Mường La thực sự khủng khiếp. Để đi từ Hà Nội lên đến Mường La phải mất trọn 3 ngày. Từ Mường La vào các bản làng dọc sông Đà, cho đến tận thượng nguồn con sông này, chỉ còn cách cuốc bộ.

Người lính địa chất đi đâu, là cả một phòng thí nghiệm đi theo. Vô vàn những thứ máy móc, thiết bị, toàn là cục sắt, cục chì nặng chịch. Hãi hùng nhất là những chiếc máy khoan SKB của Liên Xô nặng đến 5 tấn. Các loại máy khoan hạng nhẹ khác cũng nặng trên dưới một tấn.

Máy móc nặng như vậy, mà đường sá thì không có, nên quả là khủng khiếp. Anh em phải tháo rời máy, rồi vận chuyển như kiểu kéo pháo lên núi. Với những thiết bị nặng thì phải mở đường mới mang lên được.

Nhiều chỗ núi hẹp, phải bắn cáp vào hai đỉnh núi, rồi cả người và dụng cụ trượt trên không trung vô cùng nguy hiểm.
thủy điện sơn la
Cảnh đào đá phá núi xây dựng thủy điện Sơn La
Công việc của các chuyên gia địa chất là khoan vào lòng núi, khoan xuống lòng sông để phân tích địa tầng, đất đá, rồi phân tích, lập bản đồ địa chất.

Những người lính địa chất cũng phải cắm mốc đo mực nước cao nhất, thấp nhất của lòng hồ.

Để hình dung công việc của những người lính địa chất làm công việc âm thầm này, ta chỉ nhìn vào hồ thủy điện Sơn La hiện hữu từ vệ tinh.

Chân đập là xã Ít Ong của huyện Mường La, thì cách đó 240km, tận đất Lai Châu mới là cuối hồ. Tính ra, cái hồ thủy điện Sơn La có chu vi cả ngàn km.

Điều đó có nghĩa, những kỹ sư địa chất phải làm việc tỉ mẩn trên một diện tích có chu vi tới cả ngàn km. Công việc của họ không chỉ là cắm mốc, mà phải xem xét từng hòn đá, khe núi, con suối.
thủy điện sơn la
Lính địa chất khảo sát sông Đà. Ảnh Tư liệu 
Họ phải chui vào từng hang động để tính toán mức độ thất thoát nước, lưu trữ nước. Họ phải khoan thủng chi chít từng ngọn núi để xác định hang ngầm, vết nứt, để tìm biện pháp xử lý. Chỉ cần bỏ sót vài hang ngầm, có thể khiến mực nước thủy điện Sơn La hao hụt và khiến một vùng nào đó ngập lụt trắng băng.

Để làm được từng ấy công việc, suốt hơn 20 năm ròng, có đến 200 công nhân, kỹ sư địa chất làm việc. Lúc cao điểm, có tới 500 lính địa chất tỏa đi dọc sông Đà, lên tận biên giới làm việc miệt mài.

Mặc dù công việc của họ vô cùng vất vả như vậy, nhưng chỉ cần một ý kiến tranh cãi, hay một dấu hỏi được đặt ra, là những kỹ sư địa chất lại làm lại từ đầu, nhằm làm sáng tỏ vấn đề. Mạng sống của cả triệu con người dưới hạ du phụ thuộc một phần rất lớn vào sự cẩn trọng của những kỹ sư địa chất.

Các nhà khoa học Pháp, Trung Quốc đã phải chào thua sông Đà vì nó có bề dày phong hóa quá lớn, tức là lớp đá dưới lòng sông đang chịu ảnh hưởng của thời gian, điều kiện thời tiết...
thủy điện sơn la
Hạ lưu đập thủy điện Sơn La 
Hơn nữa, lớp sỏi cuội ở tầng phủ và lớp cuội tảng lại quá dày, nếu đắp đập trên đó phải xử lý nhiều vấn đề sẽ rất tốn kém, lại không an toàn. Khó khăn như vậy, nên để xác định được địa điểm đặt nhà máy thủy điện Sơn La, riêng đoạn sông 30km ở Mường La đã phải xác định cả chục tuyến.

Mũi khoan đầu tiên mà anh Phong, anh Nhân cùng cả trăm lính địa chất của Xí nghiệp khảo sát xây dựng điện I đặt là ở bản Bậu, xã Tạ Bú vào năm 1982. Tại khu vực bản Bậu, phải khảo sát 4 điểm có thể đắp đập. Tuy nhiên, tầng phong hóa ở khu vực này quá dày và rộng.

Sau 4 năm trời khảo sát, tìm ra biện pháp khắc phục để xây đập ở đây thì lại nhận được "lệnh" phải đi tìm chỗ khác, vì khu vực bản Bậu lòng sông quá rộng, nếu đắp đập phải dài hơn 600 mét, như vậy việc xây đập và xử lý đập sẽ rất tốn kém.

Vậy là 4 năm trời khảo sát bị đổ xuống sông xuống biển, các kỹ sư địa chất lại vác máy móc lên bản Tạ Bú, cách bản Bậu 10km. Riêng khu vực Tạ Bú phải khảo sát 3 tuyến, mất tổng cộng 5 năm trời.
thủy điện sơn la
Hồ thủy điện Sơn La 
Khu vực Tạ Bú, nền đập có địa tầng khá tốt, phù hợp cho việc xây đập, tuy nhiên, vai phải đập có tầng phong hóa sâu, gồm những lớp phủ sỏi cuội và lớp bazan rất dày và có một vết đứt gãy sâu chạy qua tuyến đập.

Còn một nguyên nhân quan trọng nữa mà các kỹ sư địa chất phát hiện ra, đó là dãy núi đá vôi Pi Toong chạy dọc huyện Mường La có tầng địa chất rỗng, nhiều vết đứt gãy, tức là hiện tượng karts rất sâu.

Đã vậy, từ cách đây trăm năm, thực dân Pháp đã đào những đường hầm lớn, chạy dọc dãy núi để tìm vàng. Nếu đắp đập ở khu vực Tạ Bú, nước sẽ dâng cao và thấm vào lòng núi, hình thành những dòng sông ngầm tống nước về hạ lưu, như vậy, không những hồ sẽ mất một lượng lớn nước mà có thể tạo ra thiên tai cho vùng hạ lưu.

Để chống thấm cho cả dãy núi đá vôi Pi Toong thì phải đào sâu vào lòng núi vài ngàn mét rồi xây tường bê tông như tường thành. Như vậy, số tiền bỏ ra sẽ vô cùng lớn mà hiệu quả lại không cao.
thủy điện sơn la
Sông Đà đoạn bến Cà Nàng (Quỳnh Nhai), khi chưa ngập nước 
Ngoài ra, nếu đắp đập ở Tạ Bú, cả thị trấn Mường La sẽ phải di chuyển, tạo ra một sự tốn kém không cần thiết. Trách nhiệm đi tìm một địa điểm phù hợp lại đổ lên vai các kỹ sư địa chất. Coi như gần chục năm trời dày tâm nghiên cứu đã bỏ đi.

Sau 10 năm trời lăn lộn dọc sông Đà, thì khu vực Pá Vinh II đã được các kỹ sư địa chất “đóng dấu”. Địa điểm này hội tụ tương đối đầy đủ điều kiện để xây dựng công trình thủy điện vĩ đại.

Còn nhớ, hồi dự án thủy điện Sơn La bắt đầu, đã diễn ra vô số cuộc tranh luận gay gắt, sôi nổi. Riêng việc tranh cãi xây dựng thủy điện cao hay thấp đã tốn kém không biết bao nhiêu thời gian, tiền bạc.

Chỉ có những người lính địa chất âm thầm lăn lộn với con sông hung dữ này, mới có thể đưa ra câu trả lời sáng suốt nhất, giúp các nhà quản lý đưa ra quyết định.

Và lựa chọn xây dựng thủy điện thấp đã được chấp nhận. Việc xây thủy điện thấp sẽ chi phí ít hơn, ít phải di dân tái định cư, lại có thể tiết kiệm dòng sông làm thêm một số thủy điện trên thượng nguồn.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn