Bí ẩn bóng đá Trung Quốc: Trung Quốc che giấu bí mật trong 'học viện Harry Potter'

Thể thaoThứ Hai, 21/03/2016 01:00:00 +07:00

Nằm ở tỉnh Quảng Đông, Học viện bóng đá Evergrande tiêu tốn không dưới 185 triệu USD hàng năm để duy trì một môi trường ăn tập đạt chuẩn thế giới

(VTC News) - Nằm ở tỉnh Quảng Đông, Học viện bóng đá Evergrande tiêu tốn không dưới 185 triệu USD hàng năm để duy trì một môi trường ăn tập đạt chuẩn thế giới.
"Trông nó chẳng khác gì công viên Disney", đó là từ mà cây viết Jonathan Stayton đã dùng để mô tả về Học viện bóng đá được cho là lớn nhất thế giới, nằm tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, nơi đang nuôi dưỡng khoảng hơn 2000 tài năng nhí của bóng đá nước này.
Học viện Evergrande nhìn từ trên cao
Học viện Evergrande nhìn từ trên cao 
Khác với những học viện bóng đá bình thường, Học viện Evergrande ở Quảng Đông rất chú trọng đến tính mỹ quan của công trình. Không chỉ đơn giản là thảm cỏ, nhà ăn, phòng thay đồ và những trái bóng, ông chủ Từ Gia Ân còn muốn nhiều hơn thế ở học viện này.
"Đó phải là nơi khiến lũ trẻ cảm thấy gắn bó như gia đình mình vậy", một đại diện của Evergrande phát biểu. Chính bởi tư duy này mà những đứa trẻ ăn tập tại Evergrande được ở trong lâu đài, hệt như nhân vật Harry Porter, được bao phủ bởi rừng cây xanh mát. Trước sảnh chính là hình một trái bóng lớn được trang trí cầu kỳ. 
"Bóng đá phải được tạo ra từ những tình yêu mãnh liệt", lời Chủ tịch Tập Cận Bình là kim chỉ nam cho cơ ngơi bề thế của học viện tiêu tốn hàng năm 185 triệu USD này. Những chuyên gia bóng đá hàng đầu từ Tây Ban Nha, chủ yếu là của Real Madrid, đã được mời về để truyền thụ kinh nghiệm cho lớp trẻ.
Chỉ trong vòng 10 tháng, tính từ lúc thành lập, Evergrande đã lột xác hoàn toàn. Từ một bãi đất bỏ hoang, nơi đây đã trở thành nơi ăn tập của hàng nghìn giấc mơ vươn tầm thế giới.

Dù chi phí cho 1 năm luyện tập ở Evergrande rất đắt đỏ, lên đến hơn 9000 USD/năm, cao hơn nhiều mức sống trung bình của người dân Trung Quốc, nhưng Học viện sẽ thường xuyên cấp các suất học bổng. Nếu có tài năng, những đứa trẻ sẽ được ăn tập miễn phí, giống như ở lò La Masia của Barca.
Chuyên gia bóng đá Sergio Zarco
Chuyên gia bóng đá Sergio Zarco 
Không chỉ được rèn giũa các kỹ năng đá bóng, những đứa trẻ đến Evergrande còn được dạy văn hóa, kỹ năng sống và đặc biệt nhất là cách ứng xử với mọi người. Sergio Zarco, một chuyên gia người Tây Ban Nha có mặt ở Evergrande, cho biết: "Chúng tôi dạy lũ trẻ làm thế nào để trưởng thành. Cầu thủ ở đây cũng được học cả ngoại ngữ và tác phong sinh hoạt chuyên nghiệp. Chúng được đào tạo để sau này có thể vươn tầm thành ngôi sao".
Mặc dù vậy, Sergio Zarco cũng nhận xét rằng, khoảng cách giữa những đứa trẻ ở đây và mặt bằng chung ở những lò đào tạo danh tiếng vẫn còn 1 khoảng cách. "Điểm yếu lớn nhất của lũ trẻ là chiến thuật, đặc biệt là lúc đưa ra những quyết định. Chúng chưa được dạy khi nào cần giữ bóng, khi nào nên chuyền hay phá bóng lên".
Học phí tại học viện lớn nhất thế giới lên tới 9200 USD/năm
Học phí tại học viện lớn nhất thế giới lên tới 9200 USD/năm 
He Xinjie, một cậu nhóc 14 tuổi người Phúc Kiến, đã rời gia đình từ năm lên 10. Mục đích của cậu là 1 ngày nào đó được triệu tập vào ĐTQG, hoặc xa hơn là khoác áo những CLB danh tiếng như Barca hay Real Madrid. He được đánh giá là 1 trong những viên ngọc sáng giá nhất ở lò đào tạo Evergrande.
"Tôi cảm thấy mình quả là may mắn khi được đào tạo ở đây. Tôi phải chiến đấu với rất nhiều bạn bè cùng trang lứa, với ước mơ 1 ngày lọt vào ĐTQG và thi đấu vì lòng tự hào dân tộc", cậu nói.
Một điều khá đặc biệt, đó là tại học viện Evergrande, những đứa trẻ được dạy chiến thuật bóng đá hoàn toàn bằng tiếng Anh. Zhang Liya, một giáo viên Tiếng Anh tâm sự: "Lần đầu tiên đến đây, tôi đã dạy cho lũ trẻ những thuật ngữ cơ bản. Trước đây, chúng chỉ được dạy cách chơi bóng, còn bây giờ, chúng cần thêm những bài học về cuộc sống".
Hiệu trưởng Liu Jiangnan
Hiệu trưởng Liu Jiangnan 
Mô hình Evergrande đang hướng đến, đó là một khu tổ hợp, nơi mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể tìm thấy niềm vui ngoài giờ học và tập luyện. Bởi vậy mà ở học viện này không thiếu bất cứ thứ gì, từ rạp chiếu phim, bể bơi, sân bóng rổ, sân tennis, quán ăn, thư viện và các tụ điểm chơi game. Thậm chí, để chăm lo cho các học viên dân tộc thiểu số, những đầu bếp đặc biệt từ Tân Cương cũng được mời đến.
Mọi thứ đều được quan tâm, dù đó là những công việc nhỏ nhất như căt cỏ. Liu Jiangnan, hiệu trưởng của học viện nói: "Tất cả sẽ có bước chuyển biến rõ rệt trong vòng 4 năm tới. Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc hàng đầu châu lục và tiến tới những vị trí dẫn đầu thế giới trong khoảng 20-30 năm nữa".
"Những sự đầu tư khổng lồ hiện tại không cho phép Trung Quốc chống lại quy luật ấy. Chúng tôi sẽ thành một thế lực thực sự", ông Liu kết luận.

Phan Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn