Beckham: 'Bạch mã hoàng tử' xứ sương mù

Thể thaoThứ Hai, 20/05/2013 03:00:00 +07:00

(VTC News) - Tuy rời MU đã được 10 năm nhưng David Beckham vẫn duy trì được "độ hot" của anh tại xứ sở sương mù

(VTC News) - Tuy rời MU đã được 10 năm nhưng David Beckham vẫn duy trì được "độ hot" của anh tại xứ sở sương mù.


Nổi sớm không bằng nổi đúng lúc

Cùng là thành viên trong đội hình MU vô địch FA Cup dành cho các cầu thủ trẻ năm 1992, nhưng so với 2 huyền thoại đương đại khác của Quỷ đỏ là Ryan Giggs và Paul Scholes, Beckham có được chỗ đứng trong đội 1 muộn hơn. Trong khi Giggs sớm là trụ cột của MU từ mùa 1991-1992, Scholes là mùa 1994-1995 thì mãi tới mùa 1995-1996, Becks mới thường xuyên xuất hiện trong đội hình chính thức.

Vợ chồng Beckham
Sự kết hợp hoàn hảo giữa Beckham và Victoria 

Ngày ấy, phu quân của Victoria sau này không phải là người được báo giới săn đón nhiều nhất. Vị trí ấy thuộc về cầu thủ chạy cánh người xứ Wales, người có những bước chạy nhanh thoăn thoắt cùng mái tóc xoăn dài đầy nghệ sĩ.

Xuất phát điểm không bằng các đồng đội nhưng Beckham lại biết cách làm ra những điều không tưởng khiến giới truyền thông phải để mắt tới. Công cuộc chinh phục trái tim người hâm mộ bắt đầu được cựu cầu thủ MU thực hiện vào đầu mùa giải 1996-1997, cú lốp bóng không tưởng từ cự ly 60m vào lưới Wimbledon ở ngay vòng đấu đầu tiên, khiến Beckham lập tức được báo giới xứ sương mù khi ấy gán cho mác “ông vua của những đường vòng cung”.

Khả năng chuyền dài và sút phạt chính xác của Becks khiến người hâm mộ nước Anh luôn phải nín thở mỗi khi anh đứng trước những tình huống cố định, điều mà Darren Anderton, một ngôi sao sút phạt trước đó của tuyển Anh chưa làm được.

So với các đồng đội cùng thời, sự xuất hiện của Beckham khiến hình ảnh của Giggs hay Scholes bị lu mờ. So với khả năng đi bóng của Giggs và sút xa của Scholes thì rõ ràng, những cú sút phạt của ngôi sao sinh năm 1975 dễ thành bàn hơn nhiều. Điều đó lý giải vì sao mà trong 7 mùa liên tiếp, tính từ mùa 1996-1997, số bàn thắng mà anh ghi được (76 bàn) vượt trội so với Giggs (61 bàn) và xấp xỉ bằng Scholes (80 bàn), dù Scholes được xếp đá cao nhất trên hàng tiền vệ.

Beckham đá phạt
Beckham được biết đến muộn hơnnhưng lại duy trì được sự nổi tiếng rất lâu 

Mang đến những xúc cảm đặc biệt cho khán giả trên chấm đá phạt, nhà tân vô địch của Ligue 1 còn đóng đinh hình ảnh “bạch mã hoàng tử” trong lòng các fan khi anh bắt đầu hẹn hò với Victoria Adams, một thành viên của nhóm nhạc Spice Girls đình đám lúc bấy giờ. Rõ ràng so với bà Stacey của Giggs hay Claire của Scholes, bà xã của Beckham giúp đức lang quân nổi tiếng hơn rất nhiều.

Chỉ trong vòng 3 năm, từ 1996 tới 1999, Beckham đã biến đổi mạnh mẽ cả trong lẫn ngoài sân cỏ, không chỉ định hình rõ rệt về lối chơi ở hành lang cánh phải với những quả tạt chính xác, chàng tiền vệ điển trai còn liên tục có mặt trong những khuôn hình quảng cáo phổ biến khắp hành tinh: Castrol Power 1, Armani… Anh cũng trở thành biểu tượng được nhiều người bắt chước nhất, hơn cả Lady Gaga sau này; đồng thời khai sinh ra một phong cách rất hợp thời trong giới showbiz: sự kết hợp giữa cầu thủ và ca sĩ.


Vượt xa ranh giới của một cầu thủ

Nếu chỉ đơn thuần là một cầu thủ đá bóng, chắc chắn Beckham sẽ không thể nào so bì được với Ryan Giggs (34 danh hiệu lớn nhỏ - 940 lần ra sân). Tính đến lúc này, chàng tiền vệ sinh ra ở London mới chỉ có… 20 danh hiệu cùng 718 lần ra sân. Nhưng thực tế lại cho thấy, Becks vẫn nổi tiếng hơn Giggs, vẫn là 1 trong số những cầu thủ được người Anh (và cả thế giới) quan tâm nhiều nhất.

Beckham rước đuôc Olympic
Beckham trở thành biểu tượng của cả nước Anh 

Điều đó có được là bởi từ lâu, tiền vệ 38 tuổi đã vượt ra xa khỏi ranh giới của một cầu thủ, một ngôi sao thể thao đơn thuần. Kinh doanh nhà hàng, buôn bán thời trang (do cô vợ Victoria điều hành), quảng cáo các thương hiệu lớn, lĩnh vực nào cũng có bàn tay Beckham động vào. Không quá khi nói rằng, giới thượng lưu Anh quốc ai cũng biết mặt vợ chồng nhà Becks.

Quen biết rộng rãi lại sẵn có tiếng tăm trên toàn cầu, Beckham luôn là người được tin tưởng giao phó những trọng trách trên bàn ngoại giao. Hẳn ai cũng còn nhớ cảnh ông bố của 4 nhóc tỳ chạy ngược chạy xuôi để giành quyền đăng cai Olympic 2012 cho London, hay thuyết phục FIFA để mang World Cup 2018 tới nước nhà.

So với Paul Ince, Steve McManaman, những ngôi sao của tuyển Anh từng ra nước ngoài thi đấu thì Beckham ở một đẳng cấp cao hơn nhiều. Anh vẫn giữ sợi dây liên lạc vững chắc với quê nhà bằng việc mở Học viện bóng đá David Beckham tại London vào năm 2005, hay đại diện cho quê hương tới tận Afghanistan để thăm quân đội Anh chiến đấu với lực lượng Taliban vào năm 2010.

Ngày David Beckham cập bến PSG, trên những tờ báo lớn tại xứ sở sương mù, người ta chẳng thèm quan tâm xem đội bóng thủ đô Paris thắng thua ra sao, mà chỉ chú ý xem ngôi sao người Anh có ra sân và thi đấu như thế nào mà thôi.

Tình yêu thường bắt nguồn từ những điều giản dị nhất và một David Beckham khóc như mưa trong ngày chia tay sân cỏ, người hâm mộ đã hiểu thế nào là một cầu thủ bóng đá chân chính.

Phan Nguyên

Bình luận
vtcnews.vn