Bé gầy trơ xương: Nước mắt người cha đi lấy tro cốt con

Sức khỏeThứ Hai, 08/04/2013 07:29:00 +07:00

(VTC News) – Bố cháu bé gầy trơ xương Hứa Văn Dũng đã xuống Hà Nội xin mang tro cốt của cháu để về quê làm thủ tục chôn cất.

(VTC News) – Bố cháu bé gầy trơ xương Hứa Văn Dũng đã xuống Hà Nội xin mang tro cốt của cháu để về quê làm thủ tục chôn cất.

Sức ép dư luận, bố mẹ không thể bỏ mặc con

Sau khi bài báo Đau xót bé gầy trơ xương mất, bị mẹ bỏ lại viện đăng tải trên VTC News, rất nhiều độc giả đã gửi phản hồi chia buồn khi cháu Dũng đã ra đi.

Cháu Dũng khi mới nhập viện Huyết học truyền máu TW
Độc giả Phương Nam viết: “Dũng ơi thương cháu quá, mới hôm rồi chú cũng nghe tình hình bệnh của cháu, giờ lại được tin cháu mất. Chú cầu mong linh hồn cháu được siêu thoát, ở thế giới bên kia mọi điều tốt đẹp sẽ luôn đến với cháu”.

“Xin cầu chúc cho em Hứa Văn Dũng, sinh ngày 18/10/2010 ở Đội 8, thôn Nà Bó, xã Thổ Bình, Lâm Bình được bình an nơi suối vàng. Anh tin… nơi thế giới ấy em luôn được sự nâng niu và che chở!!! Xin vĩnh biệt Em!”, độc giả Nguyễn Tấn, Hải Dương đầy lòng trắc ẩn chia sẻ.

Độc giả Hồng Ngọc, TP. HCM  còn cho rằng: “Cháu ra đi như vậy có lẽ tốt hơn không phải sống trong đau đớn vật vã mỗi ngày, nghiệp quả kiếp này mong rằng cháu đã trả hết, cầu mong kiếp sau làm người khỏe mạnh”.

Nhiều độc giả cũng phản ứng gay gắt trước việc bố mẹ cháu Hứa Văn Dũng để lại con ở bệnh viện sau khi cháu chết. Họ về quê mang theo cả  số tiền lớn được các nhà hảo tâm ủng hộ.

Độc giả Nguyễn Thơm viết: “Cầu mong cho linh hồn cháu được siêu thoát! Dù gì thì cũng là con mình đứt ruột đẻ ra, sao lại làm như thế? Lương tâm sẽ phải cắn dứt trong suốt phần đời còn lại”.

“Tại sao lại có người cha, người mẹ như vậy chứ…. Con ruột của mình mà nỡ đối xử như vậy. Không thương thì đừng có mà tạo ra nó, tội lỗi quá. Dũng ơi, cháu hãy yên nhỉ đi nha” (Trương Hồng Anh Khoa).

Ths. Dương Minh Thu, Trưởng phòng công tác Xã hội viện Nhi TW cho biết: “Sau khi  bố mẹ bỏ lại viện, bệnh viện đã liên hệ với gia đình để đưa cháu về nhưng gia đình không xuống. Vì vậy, các nhà hảo tâm và bệnh viện đã đưa cháu xuống nghĩa trang Văn Điển để điện táng”.

Có nhà hảo tâm (giấu tên) đã gọi điện, nhắn tin cho mẹ Dũng là chị Nhích. Tuy nhiên, họ chỉ nhận được những tin nhắn đáp trả tàn nhẫn: Đây là chuyện của chúng tôi, không liên quan đến chị.

Ngày 4/4, tôi đã gọi điện cho bố cháu Dũng chia buồn và bảo: “Em cố gắng xuống lấy tro cốt cho cháu vui nhé. Đừng để cháu ở đấy, lạnh lắm”.

Anh Dụng, bố Dũng hứa: “Ba ngày sau, thu xếp xong việc, em sẽ  xuống đón cháu  chị à”. Ngày hôm sau 5/4, bố Dũng đã bắt xe xuống Hà Nội đón cháu về.

Người cha, người mẹ khốn khổ

Nhiều độc giả khi biết tin bố mẹ Dũng bỏ lại cháu tại viện, đã viết: “Sao lại có người cha người mẹ như vậy trên đời, con ra đi như vậy có lẽ là 1 sự giải thoát. Cầu mong cho con đến chốn cực lạc, rũ bỏ mọi khổ đau và mãi hạnh phúc!” (Đào Thành Thái).

Là người chứng kiến từ lúc cháu nhập viện, mới thấy cháu đã quá khổ rồi, tôi cũng thấy buồn lòng vô hạn. Nhưng cũng xin độc giả hãy rộng lòng tha thứ cho những hành động không phải của bố mẹ Dũng.

Cha cháu Dũng, anh Dụng khóc khi đến nhận cốt cháu. 
Bố cháu Dũng là Hứa Văn Dụng quê ở Bắc Cạn, mẹ là Ma Thị Nhích quê ở Tuyên Quang. Họ đều là dân tộc Tày, đi thuê, gặp nhau rồi đến với nhau và sinh ra cháu Hứa Văn Dũng. Cả 2 bên họ đều quá nghèo.

Theo lời của chị Liên, hàng xóm của gia đình cháu Dũng: Họ dắt díu nhau về quê ngoại ở Đội 8, thôn Nà Bó, xã Thổ Bình, Lâm Bình, Tuyên Quang chung sống.

Bà ngoại Dũng đi lấy chồng khác, một mình chị Nhích phải nuôi Dũng, rồi cả 2 đứa cháu con của chị gái bỏ lại. Gia cảnh quá nghèo, nhà gỗ được chính quyền làm  cho cũng bị nhổ để bán lấy 15 triệu đồng. Giờ ở quê chỉ  còn túp lều rách nát. Vì miếng cơm, Nhích phải đi làm thuê, ai thuê gì làm đấy trên thị xã cách nhà 40 cây số để kiếm tiền nuôi con, nuôi cháu.

Nhích phải bỏ đấy cho cháu gái trông nom để đi làm, ngày kiếm vài chục ngàn đồng với chị Nhích cũng là đáng quý. Còn chồng thì đi biền biệt tận Tây Nguyên,. Vì vậy, cháu Dũng ốm đau lắm, gia đình cũng không có tiền đi chữa chạy ở bệnh viện mà loanh quanh chữa thuốc Nam.

Giờ Nhích đang có bầu hơn 6 tháng, người Nhích nhỏ thó, lặng lẽ. Nhích rất ít nói, chỉ hỏi đâu nói đấy, tiếng Kinh còn lơ lớ không rõ.

Nhích mang thai hơn 6 tháng đang chăm cháu Dũng tại viện. 
Mỗi lần nói chuyện, Nhích cũng không dám nhìn thẳng, mặt cứ cúi gằm. Khi chuyển đến viện Nhi, Nhích chạy đi chạy lại lo thủ tục, tôi đã nghĩ làm sao để kêu gọi nhà hảo tâm đến đây giúp Nhích làm những việc này để Nhích đỡ phải đi lại, bụng thì to thế.

Có người nói, bố Dũng nhắn tin không lịch sự lắm nhưng khi gọi điện, anh Dụng nói năng linh hoạt, khá dễ nghe: “Vì hoàn cảnh gia đình, em chưa đưa cháu về ngay được nên gửi lại viện. Ở nhà chỉ còn túp lều rách nát.  Hơn nữa, không muốn mang cháu về vì gia đình còn nợ nhiều”. Khi được hỏi bao giờ lên đón hài cốt con, anh Dụng bảo sẽ lên, sau khi thu xếp xong việc.

Sau khi lo xong việc của  cháu, vợ chồng anh dự định vào trong Tây Nguyên sinh sống. Hiện, anh đang lo thủ tục trong đó rồi.

Tuy nhiên, một điều khiến nhiều người băn khoăn vẫn là số tiền được ủng hộ, tại sao anh Dụng lại bảo được vài  chục triệu đồng, trong khi thực tế số tiền đó lớn hơn rất nhiều? Tại sao phải nói như vậy mà không nói sự thật, hay anh Dụng không biết thật?

Từ việc này, độc giả Trần Việt Hùng đã gợi ý: “Sau rất nhiều chuyện về lòng hảo tâm của cộng đồng chúng ta dành cho những đồng bào, những gia đình, thân phận nghèo đói, bệnh tật hiểm nghèo, khó khăn... đã chia sẻ những vất vả, dành những đồng tiền, manh quần áo...đem đến với những hoàn cảnh như thế.

Không mong gì hơn là chung tay góp phần giảm nỗi đau, nỗi khổ của cộng đồng nhưng thực sự thì đã có rất rất nhiều lòng hảo tâm của chúng ta bị lợi dụng. Người cần sự bao bọc giúp đỡ thực sự còn rất nhiều trong xã hội thế mà lòng tham và sự độc ác vẫn hàng ngày tồn tại đâu đó, chiếm đoạt những đồng tiền ủng hộ. Họ không có lương tâm đâu!

Vậy nên, tôi xin đề xuất ý kiến như thế này: Các báo đài có đăng các bài viết, tin tức kêu gọi nghĩa cử, lòng hảo tâm của mọi người thì hãy thành lập luôn 1 tổ phụ trách công việc này, hãy quản lý những vật chất mà độc giả ủng hộ cho đối tượng khó khăn đó, đứng ra chi trả cho đối tượng đó những khoản cần thiết trong khi nằm viện, đi học, đi làm, ma chay... sao cho đúng người đúng việc.

Tiền hay vật chất khác mà đối tượng đó đã đủ để trang trải còn thừa, chúng ta nên dành cho những đối tượng khác nữa, còn vô vàn mảnh đời khó khăn! Chúng ta hãy chung tay tiết kiệm cho họ! Điều đó làm cho xã hội không còn "nạn tham nhũng LÒNG HẢO TÂM".





Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn