Bất thường khi giá khởi điểm 24 tỷ nhưng giá trúng thầu lên tới 1.684 tỷ

Tin nóngThứ Ba, 28/11/2023 12:15:00 +07:00
(VTC News) -

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung dẫn chứng về một số cuộc đấu giá mà người tham gia có biểu hiện đưa mức giá bất thường, trả quá cao gấp 204 lần giá khởi điểm.

Sáng nay, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, trong đó nhiều đại biểu đặt vấn đề liên quan tiền đặt trước, xử lý bỏ cọc trong đấu giá.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) đồng thuận phương án quy định mức tiền đặt trước từ 5 - 20%. Theo bà, nếu nâng lên quá cao sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do giao dịch, giảm tính cạnh tranh, ít người tham gia đấu giá tài sản, ảnh hưởng tới kết quả đấu giá.

Bà cũng đề cập việc một số tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá với mục đích không tốt, như là phô trương thanh thế hoặc thao túng thị trường để hình thành mặt bằng giá mới chứ không phải để mua tài sản, sẵn sàng mất tiền cọc.

Để giải quyết vấn đề này, theo bà, Luật cần quy định, sau thời gian nhất định mà người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính, không chứng minh được lý do bất khả kháng thì ngoài việc mất tiền đặt trước còn bị phạt thêm một số tiền.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung phát biểu sáng nay. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung phát biểu sáng nay. (Ảnh: Quochoi.vn)

Bà Dung hy vọng, việc phạt này phải dựa trên cơ sở bổ sung các quy chế, chế tài có liên quan về xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt là của cơ quan Nhà nước có tài sản đưa ra đấu giá...

Dẫn chứng, thời gian qua nhiều cuộc đấu giá mà người tham gia có biểu hiện bất thường, trả giá quá cao so với mặt bằng chung, nhất là về quyền sử dụng đất, quyền khai thác mỏ, "giá trả cao gấp mấy chục lần đến 204 lần so với giá khởi điểm".

"Từ giá khởi điểm 24 tỷ đồng nhưng giá trúng đấu giá lên tới 1.684 tỷ đồng", bà Dung nêu và nhấn mạnh, Luật chưa quy định đấu giá viên hoặc người có tài sản đấu giá được quyền dừng hoặc yêu cầu dừng cuộc đấu giá để xử lý các trường hợp tương tự. 

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) cho rằng, cần bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm và chế tài với vi phạm trong việc xác định giá khởi điểm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Theo đại biểu, hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói, tuy đã được quy định trong luật hiện hành, nhưng trên thực tế còn ít được sử dụng so với các hình thức khác. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đấu giá, chỉ nên duy trì hai hình thức là đấu giá bằng lời nói và đấu giá trực tiếp. Đồng thời, cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các bên liên quan, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá, người tổ chức đấu giá.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần sửa đổi, bổ sung quy định nhằm hạn chế tình trạng bỏ cọc, hạn chế tình trạng người đấu giá thiếu thận trọng, ngăn ngừa tình trạng phá giá vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thao túng, gây rối.

Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) quan tâm đến đấu giá tài sản có giá trị lớn, khó định giá hay tài sản dạng "phi vật thể" như: quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng rừng, cho thuê rừng.

"Việc đấu giá tài sản này rất khác biệt, có nhiều bất cập cần nghiên cứu bổ sung quy định chặt chẽ hơn. Đặc biệt là các hành vi nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản như đấu giá quyền sử dụng đất", ông Khải nói.

Bên cạnh đó, ông Khải cũng nêu tình trạng người tham gia đấu giá không đủ năng lực tài chính đang rất phổ biến. Trong Luật hiện hành không quy định xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá. Việc này dẫn đến tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường đất đai hay “đấu giá hộ” do không đủ nguồn lực tài chính, nhiều trường hợp "dựa hoàn toàn" vào ngân hàng bảo lãnh.

Trong thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay, cũng là lỗ hổng pháp lý lớn nhất, là xác định năng lực tài chính  “vốn thực có” của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, đại biểu tỉnh Hà Nam nhấn mạnh.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn