Bạn pha chế thuốc “đam mê” cho con như thế nào?

Tổng hợpChủ Nhật, 28/11/2010 04:40:00 +07:00

Cha mẹ đôi khi kỳ vọng quá nhiều vào con cái, mong con sau này sẽ thành công giống như thần tượng của họ...

Bạn pha chế thuốc “đam mê” cho con như thế nào?

Cha mẹ đôi khi kỳ vọng quá nhiều vào con cái, mong con sau này sẽ thành công giống như thần tượng của họ. Tuy nhiên, cha mẹ lại quên rằng chính họ mới là hình mẫu cận kề nhất của chúng. Dưới đây là câu chuyện của một người mẹ có suy nghĩ như trên.
 

Chúng tôi ngồi trên những chiếc ghế băng lạnh và ẩm của bể bơi, dõi theo những đứa con bé bỏng đang lặn ngụp dưới bể nước rộng lớn. Người phụ nữ ngồi cạnh nói với tôi rằng sau lớp học bơi này cô sẽ đưa con gái mình đến lớp trượt băng nghệ thuật bởi con bé sắp tham dự cuộc thi.

Cuộc thi trượt băng nghệ thuật ư? Con bé mới chỉ 5 tuổi! Tôi nghĩ chắc mình bị ù tai bởi không gian ở đây quá ồn ào với những tiếng hò hét cùng những tiếng còi inh tai nhức óc dội lại từ phía các hướng dẫn viên bơi lội. Tuy nhiên, người phụ nữ tiếp tục giải thích rằng sau một vài buổi học trượt băng, tài năng của con gái cô bắt đầu bộc lộ. Ngay lập tức, tâm trí tôi bắt đầu hiện lên hình ảnh một cô bé nhỏ nhắn trong trang phục lộng lẫy đang lướt “ngọt” trên băng một cách điêu luyện, xung quanh khán đài chật kín những khuôn mặt ngơ ngẩn nhìn theo, chốc chốc đám đông ấy lại rào rào những tiếng vỗ tay và những lời cổ vũ nồng nhiệt.

Lớp trượt băng nghệ thuật ư? Tôi đã từng nghĩ, bộ môn này chắc sẽ là hoạt động duy nhất khiến con gái tôi hứng thú. Bởi lẽ, nó đã thử môn thể dục nhịp điệu và ba-lê, nặn gốm sứ, và nhạc kịch. Sau đó không lâu, tôi cũng đã cho nó và đứa em gái học piano, karate, nhiếp ảnh, tennis, và cả tá môn học khác mà tôi chẳng tài nào nhớ hết. Tôi muốn chúng có một cuộc sống tuổi thơ tràn ngập những hoạt động giải trí nghệ thuật như những tiểu thư thời Phục Hưng – cái mà xưa kia tôi không thể có được. Cha mẹ nào mà không tự hào khi con mình năng động, hoạt bát, hòa đồng cơ chứ?

Tôi đăng ký và trả tiền cho lớp học nhưng các con tôi có vẻ không quan tâm lắm. Một vài lần chúng có hỏi han nhưng đó chỉ là sự hứng thú chốc lát. Cô con gái út nhanh chóng chán piano và chùn bước trước những cuộc thi thể thao. Tôi chưa bao giờ đón con từ một trận đấu nào mà thấy chúng thở không ra hơi, má ửng đỏ với nụ cười chiến thắng và cái cúp trên tay cả. Không biết tôi đã làm điều gì sai?

Và gần đây, tôi đã có câu trả lời khi chúng tôi phải chuyển nhà sang một nơi khác trong thành phố. Ở đó tôi chẳng có thời gian rảnh rang cũng như tiền bạc cho những hoạt động ngoại khóa như thế. Đồ chơi của bọn trẻ cũng bị đóng gói trước và sau khi chuyển nhà nhiều tuần lễ. Trái với dự đoán của tôi, sự thiếu thốn này dường như chẳng hề hấn gì với chúng, thậm chí nó còn tạo ra nhiều sự khích lệ. Những đứa con gái của tôi đã tự tìm cách giải trí cho chính mình vào những giờ rảnh rỗi. Chúng ngồi lăn lê trên sàn nhà, giữa mớ lộn xộn thùng các-tông, vẽ vời và sáng tác truyện. Nghỉ tay sau nhiều tiếng dọn dẹp, tôi thực sự bất ngờ khi xung quanh nhà đâu đâu cũng thấy những bức chân dung, những mẩu truyện cười có hình minh họa được viết, vẽ rất đẹp và dí dỏm.

Đây rõ ràng không phải là tài năng vừa được khám phá. Các con tôi đã làm việc này từ nhiều năm nay, nhưng phải đến tận bây giờ tôi mới thấy chúng phấn khích đến thế. Tôi nhận ra lý do tại sao con gái lớn của tôi từng đọc say xưa một bài thơ ở hiệu sách, từng diễn thuyết ở trường khi chỉ học lớp 5, và bài viết của cô bé cũng đã từng được đăng trên báo của trường. Đó hoàn toàn không phải là do được tham gia những lớp học bồi dưỡng. Có thể một phần vì được các cô giáo cổ vũ; tuy nhiên, điều cốt lõi lại nằm ở tôi. Tôi thường bỏ ra hàng giờ đọc sách, truyện cho bọn trẻ khi đi trên xe buýt, hoặc chúng cũng ngồi yên hàng giờ để xem tôi tốc ký qua những cuộc phỏng vấn qua điện thoại – tôi là một nhà báo.

Với cô con gái út, tôi cũng đóng một phần quan trọng trong sở thích vẽ tranh của con bé. Tôi thường đưa chúng đến các khu trưng bày nghệ thuật và bảo tàng, càng sặc sỡ, càng độc đáo và siêu thực thì mẹ con tôi càng thích. Chúng tôi cứ luyên thuyên với nhau về việc làm thế nào mà họa sĩ lại tìm được cái đẹp trong mỗi sự vật.

Giờ đây, con gái út của tôi đã 11 tuổi và cô chị là 13. Sự sáng tạo của chúng luôn được cô giáo khen ngợi, thực tế thì chúng còn đạt được một vài giải thưởng ở trường.

Vậy mà tôi lại từng muốn chúng trở thành những nghệ sĩ chơi dương cầm, những ca sĩ, nghệ sĩ ba-lê nổi tiếng, hay những vận động viên tầm cỡ quốc tế – ước mơ mà tuổi thơ tôi chưa bao giờ với tới. Hơn nữa, nhìn lại những gì đã làm cho các con, tôi thấy mình chỉ đơn thuần đưa chúng đến trường, dặn dò phải học cho thật tốt, thơm tạm biệt và chúc vui vẻ, khi chúng về nhà thì hỏi han xem hôm nay chúng học gì, có vui không... Trong cái nồi pha chế thuốc “đam mê” cho các con, có lẽ tôi đã quên mất một thành phần quan trọng tạo nên sự màu nhiệm – sự tham dự của tôi.

Tôi đã quên rằng nghệ sĩ dương cầm mà thuở xưa tôi ngưỡng mộ đã được dìu dắt bởi cha mẹ cô, còn người phụ nữ mà tôi nói chuyện ở bể bơi ngày ấy cũng là một vận động viên thể thao. Tôi bắt đầu hồi tưởng lại những kỳ nghỉ hè tuyệt vời ngày bé khi được cùng cha dong duổi trên khắp các nẻo đường. Niềm đam mê du lịch của ông và sự sẻ chia với đứa con gái bé bỏng đã trở thành một giá trị vững bền, thắp sáng cho sự nghiệp của tôi. Đến nay, với tư cách là một nhà báo và nhà văn, tôi sáng tác các tác phẩm cho thiếu nhi, viết về những con người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Tôi bỗng nhận ra rằng chúng ta – những người làm cha, làm mẹ – chính là những hình mẫu cận kề nhất của bọn trẻ, chúng sẽ nỗ lực phấn đấu theo gương của những người mà chúng thần tượng thay vì thần tượng của bố mẹ chúng.

Giờ đây, tôi không còn bận tâm với các hoạt động ngoại khóa của các con nữa. Cô con gái lớn không thể nhớ nổi các động tác của karate, nhưng nó luôn dành tình yêu cho thơ văn và lấy đó làm nguồn động viên mỗi khi có biến cố trong cuộc sống. Còn cô út thì luôn thấy những điều đẹp đẽ trong bất cứ sự vật, sự việc diễn ra xung quanh nó. Tôi không rõ chúng sau này có thành công rực rỡ hay không, nhưng tôi biết chúng sẽ rất giàu có – giàu có về mặt tâm hồn.

 Bài: Hồng Phạm - Ảnh: hts


Bình luận
vtcnews.vn