Phóng sự

‘Bác sỹ rởm’ tiêm filler chui: Hậu quả khủng khiếp, không thể cứu vãn

Thứ Hai, 04/12/2023 06:55:00 +07:00

(VTC News) - Chuyên gia da liễu cho biết, những ca tiêm filler lỗi do "bác sỹ rởm” được đào tạo từ “lò siêu tốc” thực hiện thường không thể cứu chữa được.

Sau hành trình thâm nhập làm học viên của “lò” đào tạo tiêm filler, botox “chui”, PV VTC News có buổi làm việc với TS.BS Nguyễn Thị Hồng Chuyên, Giảng viên chính bộ môn Da liễu - Đại Học Y Dược TP.HCM, Trưởng đơn vị Da liễu &Thẩm mỹ da - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Hiện TS.BS Nguyễn Thị Hồng Chuyên đang tham gia giảng dạy lớp “Kiến thức và thực hành tiêm Botulinum toxin trong thẩm mỹ da” được tổ chức bởi bộ môn Da liễu, Đại Học Y Dược TP.HCM.

Video: Hãi hùng bị ép tiêm lên mặt mẫu sau 1 giờ học việc

- Tình trạng đào tạo “chui” các khoá tiêm filler, botox đang diễn ra tràn lan, gây hệ luỵ khôn lường cho khách hàng. Theo bác sỹ, nguyên nhân của “trào lưu” này là gì?

Nhu cầu làm đẹp nở rộ, đến từ mọi tầng lớp, đối tượng và đáp ứng nhu cầu ấy trở thành xu thế. Trong khi “học việc” từ các lò đào tạo “chui” lại quá đơn giản. Tất cả gói gọn trong những dụng cụ thô sơ như ống tiêm, găng tay, sát khuẩn, nước muối sinh lý, ghế ngồi.

Trào lưu này hình thành do có hai đối tượng khách hàng. Một là khách đi học, hai là khách đi tiêm. Khách đi học muốn thủ tục đơn giản, học nhanh, được hành nghề sớm mà không chịu tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật.

Họ không ngần ngại ra số tiền lớn với mong muốn nhanh thu hồi vốn như lời hứa hẹn của người dạy. Những người này thường là tay ngang, không có chuyên môn về ngành y.

Đối tượng thứ hai là khách hàng đi tiêm. Khi đến những cơ sở uy tín, có bác sỹ trực tiếp thăm khám, thì họ không mặn mà bởi bác sỹ chính quy thường sẽ tư vấn, phân tích cặn kẽ về các phương pháp làm đẹp và các tác dụng phụ có thể gặp.

‘Bác sỹ rởm’ tiêm filler chui: Hậu quả khủng khiếp, không thể cứu vãn - 1

 

Các cơ sở chính quy cũng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đúng theo quy chuẩn y tế, do đó giá thành chắc chắn không thể rẻ được, mà điều này lại khiến người muốn đẹp mà phải rẻ không ưa chuộng. Ngược lại, khi đi tư vấn tại các chỗ làm chui thì họ lại dễ dàng nghe theo vì tư vấn viên luôn nói như rót mật vào tai, khẳng định an toàn và đẹp ngay lập tức.

Hai đối tượng này góp phần thúc đẩy “cuộc đua” mở khoá đào tạo “chui”, là vấn nạn hiện nay mà chúng ta đang phải đối mặt.

- Những hậu quả của việc tiêm filler, botox không đúng kỹ thuật là gì, thưa bác sỹ?

Tai biến với tác dụng phụ của tiêm xoá nhăn và thon gọn do Botulinum Toxin A (thương hiệu phổ biến là Botox, nên vẫn thường gọi thông dụng vắn tắt là botox) thường đến từ nhiều nguy cơ. Trong đó, nguy cơ méo lệch, sụp mi do tiêm không đúng kỹ thuật, không đúng liều lượng thường xảy ra nhất. Tiếp đến là nguy cơ dị ứng do tiêm thuốc không rõ nguồn gốc, có lẫn tạp chất hoặc hư hại, bảo quản không đúng cách.

Còn chất làm đầy (filler, chứa hyaluronic acid dùng vào mục đích làm đầy và tăng thể tích vùng mô) đặc hơn nên khi tiêm vào lòng mạch máu, có nguy cơ làm tắc mạch. Cũng có khi, không phải tiêm vào lòng mạch nhưng tiêm quá nhiều dẫn đến chèn ép mạch máu, cũng dẫn đến biến chứng hoại tử vùng mô được tưới máu bởi mạch máu đó.

Tắc mạch, chèn ép mạch máu là nguy cơ đáng ngại nhất vì có thể dẫn đến các tai biến không thể cứu vãn được ví dụ như mất thị lực, tắc mạch não, hoại tử da... Đa số các tai biến xảy ra gây tử vong hay hoại tử như nhiều trường hợp gần đây, chủ yếu là do những người không biết làm, làm nghề tay ngang, được đào tạo “siêu tốc”.

Một nguy cơ khác cũng rất đáng ngại, đó là nhiễm trùng. Nó đến từ sự kém vệ sinh trong quy trình tiêm chích, dễ dẫn đến tình trạng lây nhiễm vi trùng, vi nấm nguy hiểm. Nghiên cứu cho thấy, nền tảng kiến thức, sự am hiểu về kỹ thuật tiêm và kinh nghiệm của bác sỹ chính là chìa khoá quan trọng để giúp giảm thiểu các tai biến nghiêm trọng khi tiêm filler.

- Ngoài chuyên môn và kỹ năng của người tiêm, vấn đề chất lượng filler, botox có ảnh hưởng thế nào đến sự an toàn của khách hàng, thưa bác sỹ?

Chủng loại của filler, botox khá đa dạng.

Hiện nay, có nhiều cơ sở được phép cung cấp dịch vụ tiêm filler, botox, đảm bảo tiêu chuẩn quy định. Trong đó, tiêu chuẩn về chứng nhận nguồn gốc sản phẩm, giấy phép đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế là điều cơ bản nhất, bắt buộc phải có.

Video:  ‘Mình tiêm gì lên mặt nó, sao nó biết mà lo’

Filler và botox chính hãng, được phép lưu hành hiện phải được phân phối từ các công ty uy tín, được cơ quan thẩm quyền cấp phép. Công ty phải có trụ sở, kho xưởng công khai; sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, quy trình bảo quản theo chuẩn, bởi vậy giá không hề rẻ.

Các sản phẩm giá rẻ bèo, không rõ nguồn gốc thường có nguy cơ lẫn tạp chất, bảo quản không đúng quy định nên chất lượng không đảm bảo. Từ đó dẫn đến các nguy cơ phản ứng dị ứng, tạo phản ứng u hạt, nguy cơ lây nhiễm...

Do đó, người sử dụng dịch vụ cần tỉnh táo chọn lựa nơi uy tín để tránh tai biến, đảm bảo an toàn trong chăm sóc cho sức khoẻ và sắc đẹp của mình.

- Vậy đối với một chương trình đào tạo tiêm filler, botox chính quy sẽ gồm những gì?

Tiêm filler, botox là các thủ thuật chuyên môn ở mức độ chuyên sâu, đòi hỏi nền tảng kiến thức và kỹ năng được đào tạo bài bản. Quy trình đào tạo, vì thế, cũng hết sức kỹ lưỡng.

Thứ nhất, chương trình đào tạo phải được biên soạn và giảng dạy một cách chính quy và theo quy chuẩn y khoa tiên tiến. Mỗi chương trình đòi hỏi cao về nội dung thường được thiết kế theo nhu cầu xã hội, năng lực giảng viên, tiêu chuẩn đầu vào của học viên, cơ sở vật chất… Các chương trình luôn phải được thẩm định bởi hội đồng chuyên môn nhằm đảm bảo phù hợp với mục tiêu đào tạo.

Sau khi nắm vững lý thuyết, các hoạt động giảng dạy, thực hành cũng được thiết kế chuyên nghiệp, với các bước thực hành trên mô hình, trên xác, sau đó mới trên người mẫu tình nguyện, đặt dưới sự hướng dẫn sát sao, cầm tay chỉ việc của giảng viên.

Người tình nguyện cũng phải tuyển đúng quy trình. Trong đó, họ phải được giải thích cặn kẽ về thủ thuật, về các loại thuốc được tiêm, các nguy cơ có thể gặp và họ tình nguyện ký vào biên bản đồng thuận.

Thứ hai, đối tượng đi học cần đáp ứng các tiêu chí của chương trình đào tạo. Tiêu chuẩn tối thiểu là tốt nghiệp bác sỹ, rồi tuỳ chương trình đào tạo mà có thêm các tiêu chí đi kèm bắt buộc khác như bác sỹ đó phải có thời gian thực hành, cơ quan công tác, chứng chỉ hành nghề… thì mới đủ tiêu chuẩn tham dự khoá đào tạo.  

‘Bác sỹ rởm’ tiêm filler chui: Hậu quả khủng khiếp, không thể cứu vãn - 2

 

- Một bác sỹ để được phép hành nghề tiêm filler, botox phải trải qua quá trình thế nào, thưa tiến sỹ?

Đầu tiên, để hành nghề, bác sỹ phải có chứng chỉ từ các chương trình đào tạo mà tôi đã đề cập ở trên. Lưu ý là để được đăng ký tham gia các khoá này, người học cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn đầu vào.

Về quá trình đào tạo bác sỹ, từ lúc còn sinh viên đến lúc được hành nghề, đối với trường hợp suôn sẻ, nhanh nhất cũng tầm 10 năm. Đầu tiên là học 6 năm Y đa khoa. Sau khi tốt nghiệp đa khoa là 18 tháng thực hành tại bệnh viện. Kết thúc thực hành tại bệnh viện, tiếp tục thực hành chuyên khoa thêm 12 tháng. Sau 12 tháng đủ điều kiện mới được tiếp tục thi vào chuyên khoa 1 và học 24 tháng nữa.  Đủ quá trình này mới bắt đầu đi xin chứng chỉ hành nghề chuyên khoa.

Tuy nhiên, để được cấp phép tiêm filler và botox thì cơ sở, nơi thực hiện các thủ thuật này, cần được Sở Y tế thẩm định hồ sơ bao gồm giấy tờ, bằng cấp, chứng chỉ, báo cáo thử nghiệm ca thành công và cơ sở vật chất đủ chuẩn quy định.

Sau khi thẩm định đạt chuẩn thì mới cấp phép cho danh mục kỹ thuật để thực hiện.

Do đó, đây thực sự là một quá trình dài hơi để người bác sỹ được cấp phép tiêm filler, botox.

‘Bác sỹ rởm’ tiêm filler chui: Hậu quả khủng khiếp, không thể cứu vãn - 3

 

- Theo bác sỹ, cơ quan quản lý nhà nước cần có chế tài, giải pháp gì để xử lý triệt để các vi phạm này?

Ở nước ngoài, đối với tiêm filler, botox, nếu bị phản ánh hoặc kiện tụng, thì mức bồi thường cực lớn, kèm theo nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm nghiêm trọng nên tạo áp lực răn đe nhất định.

Còn ở Việt Nam, mức xử phạt không cao trong khi lợi nhuận từ ngành làm đẹp, tiêm filler, botox “chui” quá lớn, nên có thể chưa đủ sức răn đe cho những người bất chấp làm liều vì lợi ích.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng khó xác định được chính xác những cơ sở làm “chui” để xử phạt. Họ cũng không có giấy phép để mà rút… Vậy thì trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý, nhưng chúng ta đang thấy là có quá nhiều khó khăn.

Giải pháp khả thi nhất hiện nay là phải truyền thông tích cực để cho cả người có ý định đi học và người đi tiêm đều hiểu được nguy cơ mà tránh.

Đầu tiên là truyền thông cho nhóm người có ý định đi học để họ hiểu mình có phải là đối tượng được làm các thủ thuật đó hay không và cần học ở đâu để làm được đẹp và an toàn. Hiện nay, tại các trường đại học Y khoa, bệnh viện lớn có mở chương trình đào tạo tiêm filler, botox chính quy. Đó chính là nơi tin cậy để các bác sỹ có nhu cầu theo học.

Tiếp đến là truyền thông cho nhóm khách hàng có nhu cầu làm đẹp, về những hệ luỵ, tai biến nghiêm trọng. Họ cần biết rõ rủi ro khi sử dụng dịch vụ kém chất lượng nguy hại cỡ nào, từ đó tỉnh táo và chọn lựa nơi uy tín trao gửi vẻ đẹp và sức khoẻ của mình.

Cảm ơn bác sỹ!

Tuệ Lâm
Bình luận
vtcnews.vn