Bà Hồng và bí mật công thức chế nước lau nhà từ rác thải

Khoa học - Công nghệThứ Hai, 30/04/2018 11:37:00 +07:00

Bà là Trịnh Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH MTV CNSH Minh Hồng (Đà Nẵng), sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở làng chài ven biển, lại mồ côi từ nhỏ, người phụ nữ ấy hoàn toàn không biết gì về công nghệ sinh học (CNSH) nhưng lại thành công với chế phẩm đặc biệt từ… rác thải.

Khi được hỏi bí quyết thành công, người phụ nữ ấy chỉ cười và tự nhận do bản tính gan lì hiếm có của mình. Nhưng thực tế, bên cạnh việc gan lì, bà còn rất ham học. Học tự internet cho đến sách báo, thậm chí cả các em sinh viên của trường ĐH Đà Nẵng.

nguoi-phu-nu-khoi-nghiep-tu-rac-1

Bà Hồng với chế phẩm nước rửa bát, nước lau nhà chiết xuất từ rác thải hữu cơ 

Không biết gì về CNSH nhưng bà “dám” theo đuổi một lĩnh vực vô cùng mạo hiểm, đó là chuyển đổi rác thải hữu cơ thành nước rửa chén, nước lau sàn… thân thiện với môi trường.

Ý tưởng liều lĩnh biến rác thành tiền xuất hiện năm 2011 khi xe chở rác khu phố của bà bị trục trặc, 4 ngày rác không được dọn, bốc mùi khủng khiếp.

Đã liều nghĩ, bà lại liều làm, nào tự tìm đọc tài liệu, mang rác về thử đủ cách hết xay rồi phơi, ép... nhưng không xong. Cười hồn hậu, bà kể: “Đến chồng tôi còn bảo đó là ý tưởng điên rồ, còn con trai thì rằng mẹ thật hão huyền, viển vông”. Người ngoài thì khỏi nói, không ai tin một nông dân lại nghiên cứu được sản phẩm tốt, rẻ từ rác như các giáo sư, tiến sỹ.

Cơ duyên đến với bà năm 2012, khi bà may mắn được nghe thuyết trình của đại diện Thái Lan về công nghệ lên men sinh học tạo chế phẩm từ rác thải hữu cơ tại chương trình tập huấn Phát triển công đồng nghèo châu Á. Tâm đắc với mô hình này, bà quyết tâm mang công nghệ này về nước, bắt tay nghiên để tạo ra sản phẩm tẩy rửa hữu ích, thân thiện với môi trường với giá thành rẻ hơn thị trường rất nhiều.

Công thức cơ bản là 3kg rác thải thực vật kết hợp với 10 lít nước sạch và 300g đường ủ trong thùng nhựa đậy kín. Nguyên liệu đầu vào đơn giản là các loại rau củ quả, lá cây, hoa bỏ đi hay các loại rác thải thực vật khác được rửa sạch, cắt nhỏ.

Sau khi ủ trong thùng 30 ngày, từ 10 lít nguyên liệu đầu vào sẽ lọc được 2 lít dung dịch có màu vàng từ xác thực vật. Dung dịch thô này có thể đem sử dụng. Tuy nhiên thời điểm đó, sản phẩm có mùi rất khó chịu và ít bọt nên không đáp ứng được thị hiếu của người sử dụng

Để khắc phục nhược điểm này, bà Hồng trộn dung dịch thô với dầu dừa, cam chanh để khử mùi và tạo bọt bằng bồ kết hay bồ hòn, tạo màu tự nhiên bằng tinh bột nghệ… Dung dịch thô ủ thêm với các chế phẩm thiên nhiên trong 45 ngày để ra nước rửa chén, nước lau nhà, nước giặt tiết kiệm xà phòng, tiết kiệm nước vì ít nhớt, nhờn, không hại da tay.

Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm ban đầu còn chưa ổn định, nhiều lô hàng bị hỏng, bị trả lại, chủ yếu là do trong nước tẩy rửa xuất hiện trở lại các cặn thực vật. Lại thêm một thời gian nghiên cứu, rà soát, cuối cùng bà cũng khắc phục được hạn chế này.

Sản phẩm nước rửa chén, lau sàn hay nước giặt từ lên men thực vật cũng được kiểm định độ PH, vì dung dịch tẩy rửa phải có độ PH ổn định vừa đảm bảo tính năng tẩy rửa, vừa an toàn cho người sử dụng.

Đặc biệt, nước này sau khi dùng để lau dọn nhà cửa có thể tưới cho cây để tăng độ mùn của đất. "Rất thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn sức khỏe.

Nhã Phương
Bình luận
vtcnews.vn