‘Bà hỏa’ khiến Mỹ phải chi cả tỷ USD

Thế giớiThứ Năm, 22/08/2013 08:53:00 +07:00

(VTC News) - Chi phí chữa cháy và khắc phục sau hỏa hoạn các vụ cháy rừng ở California, Oregon, Idaho và Montana của Mỹ đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD trong năm nay.

(VTC News) - Chi phí chữa cháy và khắc phục sau hỏa hoạn các vụ cháy rừng ở California, Oregon, Idaho và Montana của Mỹ đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD trong năm nay, hãng tin Foxnews cho hay.

Hôm 20/8, lần đầu tiên Trung tâm Cứu hỏa liên ngành quốc gia Mỹ ở Boise tăng cấp độ báo động cháy rừng lên mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Đến nay, Mỹ đã phải bỏ ra 1 tỷ USD hỗ trợ công tác cứu hỏa 

Hai vụ hỏa hoạn ở miền trung Idaho do Trung tâm đề ra được xem là ưu tiên hàng đầu quốc gia. Cho đến nay, chính phủ đã  bỏ ra gần 12 triệu USD để hỗ trợ lực lượng cho Beaver Creek dập tắt ngọn lửa và di tản 1.250 hộ gia đình trong khu nghỉ dưỡng Ketchum và Sun Valley.

Tổng thống Barack Obama đã được Lisa Monaco, cố vấn an ninh quốc gia thông báo cụ thể về các vụ cháy vào ngày thứ ba 20/8. Nhà Trắng cho biết trọng tâm của chính quyền là tiếp tục nắm bắt tình hình để hỗ trợ các tiểu bang và địa phương một cách kịp thời.

Foxnews dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng nói đám cháy rừng vẫn không ngừng lan nhanh và trải  dài trên một diện rộng từ Arizona đến tiểu bang Washington và Alaska. Khoảng 17.800 người đã được đưa ra khỏi khu vực này.

Steve Gage, trợ lý giám đốc Trung tâm cứu hỏa nói hiện cơ quan này chưa thể đáp ứng tất cả các yêu cầu hỗ trợ lực lượng và thiết bị cho 48 đám cháy chưa được khống chế trên khắp đất nước.

Gage cho hay, mùa cháy rừng đang diễn ra nên trung tâm buộc phải tiếp cận những khu vực có nhiều dân cư sinh sống và cố gắng hỗ trợ các vùng ngọn lửa mới bắt đầu nhen nhóm.
 
Tại California, vụ cháy rừng ở ngoại ô Vườn quốc gia Yosemite đang đe dọa hơn 2.000 công trình, buộc dân địa phương phải di cư tạm thời đến các khu tập trung hay vùng xa xôi, hẻo lánh.

“Trong 3 ngày, ngọn lửa đã lan rộng gần 40km2 và phá hủy hoàn toàn 2 khu dân cư”, phát ngôn viên Cục kiểm lâm Hoa Kỳ Jerry Snyder cho biết.

Ở Oregondo, do ảnh hưởng của gió, hẻm núi khu vực sông Columbia bị lửa lan rộng gấp đôi, khiến diện tích rừng bị cháy lên đến hơn 25km2. Hỏa hoạn đã thiêu rụi 3 ngôi nhà và đe dọa hàng chục ngôi nhà khác hai bên sườn phía bắc núi Hood.

Phát ngôn viên Trung tâm cứu hỏa cho hay, khoảng 50 gia đình đã phải sơ tán 16km về phía tây nam The Dalles khỏi khu vực hẻm núi.

“Sau bốn ngày, chi phí hỗ trợ chữa cháy đã lên đến 1 triệu USD”, phát ngôn viên trạm kiểm lâm Oregon Dave Morman nói với hãng tin Foxnews.

“Đó là một thử thách lớn khi ngọn lửa lan dọc theo những hẻm núi dài. Điều này thực sự rất khó khăn cho nhân viên cứu hỏa”, Morman cho biết thêm.

Lực lượng chữa cháy chủ chốt gồm 1.750 nhân viên được điều động đến Beaver Creek, Idaho để tiếp cận và khống chế trực tiếp ngon lửa. Điều kiện thời tiết được cải thiện nên đám cháy đã được dập tắt 9% sau khi thiêu hủy hơn 400km2 rừng. Chi phí phục vụ cứu hỏa được báo cáo là 11,6 triệu USD, tính đến hôm 19/8.

Theo Trung tâm cứu hỏa, đến nay, trên toàn quốc, các cơ quan liên bang đã phải bỏ ra hơn 1 tỷ USD, bằng khoảng một nửa tổng chi phí năm ngoái là 1,9 tỷ USD cho công tác cứu hộ. 33.000 vụ hỏa hoạn đã đốt cháy hơn 13.500km2 rừng, gần bằng cả diện tích tiểu bang Connecticut.

10 năm qua, mặc dù chi phí cứu hỏa bỏ ra đạt kỷ lục 1,4 tỷ USD vào năm 2012 và 1,9 tỷ USD năm 2006 nhưng trong năm nay, 1 tỷ USD sẽ chưa phải con số cuối cùng. Khoản chi này còn phụ thuộc vào tình hình cuối mùa cháy khi ngọn lửa có xu hướng bùng phát nhanh ở miền Nam California vào cuối tháng 10 như thường lệ.

Giáo sư Norman Christensen, trường Môi trường Nicholas thuộc Đại học Duke, một chuyên gia nghiên cứu về các tác động của môi trường đến cháy rừng, cho biết đám cháy sẽ diễn ra mạnh nhất ở Colorado, California và Idaho năm nay.

“Chắc chắn hạn hán ở một số khu vực là nguyên nhân khiến cho số lượng và cường độ các vụ cháy tăng lên nhanh chóng”, ông nói.
 
“Tuy nhiên, nhiều vụ xảy ra ở các khu đông dân cư, khu vực chuyển tiếp giữa nông thôn và thành thị như Colorado Springs, Sun Valley, Idaho và sườn dốc phía tây Sierra Nevada. Vì vậy, lực lượng cứu hỏa được tăng cường để bảo các công trình xây dựng nên các khoản phí chữa cháy cũng phải tăng lên”, Giáo sư Christensen nói thêm.

Jason Sibold, trợ lý giáo sư địa sinh học Đại học bang Colorado, cho biết từ những năm 1990, khí hậu thay đổi, làm cho mùa hè trở nên nóng, khô và kéo dài hơn ở phương Tây. Điều đó khiến cho việc xây dựng các nhà nghỉ trong rừng được đẩy lên cao.

“Con người đang cố gắng kiểm soát và chống lại những đám cháy nhưng hỏa hoạn thì vẫn tiếp tục gia tăng  tỷ lệ thuận với sự nóng lên của khí hậu", hãng Foxnews dẫn lời Sibold.

Mặc dù lực lượng cứu hỏa đã nỗ lực hết mình nhưng hơn 960 ngôi nhà và 30 cao ốc thương mại đã bị thiêu rụi trong năm nay. Không những vậy, 30 nhân viên đã thiệt mạng, gần gấp đôi trung bình hàng năm trong 10 năm qua là 17 người chết.

Ở Montana, Thống đốc Steve Bullock tuyên bố 31 hạt nằm trong tình trạng khẩn cấp, đồng thời cho phép việc sử dụng lực lượng Vệ binh Quốc gia để khắc phục hỏa hoạn.

Hải Yến

Bình luận
vtcnews.vn