Ăn nhiều hồng xiêm có tốt không?

Dinh dưỡngThứ Tư, 05/04/2023 09:51:00 +07:00
(VTC News) -

Hồng xiêm là loại giàu giá trị dinh dưỡng, nhưng ăn nhiều hồng xiêm có tốt không?

Theo chuyên gia dinh dưỡng, hồng xiêm là loại quả giá trị dinh dưỡng cao như chất đạm, chất béo, canxi, các loại vitamin... tốt cho sức khỏe con người. 

Trong 100 gram trái hồng xiêm chín chứa các dưỡng chất gồm: Năng lượng 83 kcal; 0,44 g chất đạm; 1,10 g chất béo; 1,40 g chất xơ; 0,80 mg sắt; 21 mg canxi; 12 mg photpho; 193 mg potassium; 12 mg sodium; 0,020 mg riboflavin (B2)..

Dù hồng xiêm là trái cây tốt cho sức khoẻ nhưng không nên quá nhiều vì có thể làm tăng nguy cơ gây tắc ruột, đặc biệt là thường gặp ở người già và trẻ nhỏ.

Ăn nhiều hồng xiêm có tốt không? - 1

Ăn nhiều hồng xiêm có tốt không?

Mới đây, khoa Điều trị bệnh ống tiêu hóa (Bệnh viện 108) tiếp nhận bà cụ 92 tuổi tiền sử tăng huyết áp, nhập viện vì đau rát ngực, khó nuốt, khó thở nhiều ngày.

Bà cụ có cảm giác nuốt nghẹn, khó nuốt, vướng trong cổ họng, ăn vào thường nôn ra ngay. Bà từng đi khám tại một số cơ sở y tế và phát hiện khối dị vật thức ăn lớn ở dạ dày. Khối dị vật thức ăn cứng, tồn tại lâu gây loét niêm mạc xung quanh đã được lấy qua nội soi 1 lần nhưng không thành công, chỉ lấy được một phần nhỏ dị vật.

Gần đây các triệu chứng nặng xuất hiện trở lại, kèm theo đau ngực sau xương ức và cảm giác khó thở nhiều, không ăn uống được, nuốt nghẹn hoàn toàn, người gầy sút nhanh. Bà đến Bệnh viện 108 và được đánh giá lại qua nội soi, chẩn đoán hình ảnh thấy có khối dị vật thức ăn lớn ở thực quản 1/3 trên, khối gây bít tắc và gây loét thực quản.

Các bác sĩ xem xét chỉ định phẫu thuật vì khả năng lấy khối dị vật lớn qua nội soi rất khó khăn. Do bệnh nhân tuổi cao, phẫu thuật nhiều rủi ro nên đội ngũ thầy thuốc đã trao đổi với gia đìn, quyết định lấy dị vật qua nội soi.

Khi khai thác tiền sử bệnh nhân, bác sĩ biết được trước đó bệnh nhân ăn nhiều hồng xiêm và kéo dài. Đây là nguyên nhân gây ra tắc ruột ở.

Bác sĩ Mai Thu Hoà, khoa Điều trị bệnh Ống Tiêu hóa, Bệnh viện 108 cho biết, do khối bã thức ăn rắn và lớn nên không thể dùng các dụng cụ thông thường có sẵn trên thị trường. Kíp kỹ thuật dùng thòng lọng tự tạo cắt nhỏ khối dị vật sau đó gắp dần ra ngoài.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục sức khỏe nhanh, ăn uống trở lại bình thường và xuất viện 3 ngày sau đó.

Một số loại quả chát, các đồ ăn nhiều chất bã xơ như hồng xiêm, măng, sung, mít, ngô... cũng dễ hình thành u bã thức ăn. Khi chúng xuống ruột rất dễ vo tròn thành cục, gây tắc ruột, trướng hơi. Bởi vậy, mọi người không nên ăn quá nhiều một lúc nhất là khi đói.

Để dự phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa và tránh tắc ruột, bác sĩ lưu ý khi ăn uống nên nấu chín, ninh nhừ thức ăn cho trẻ nhỏ và người cao tuổi. Trong quá trình ăn phải nhai kỹ, không ăn quá nhanh hoặc nuốt chửng.

Không ăn quá nhiều rau quả có tanin và hàm lượng chất xơ cao, nhất là những người có tiền sử bệnh lý răng miệng, bệnh đường tiêu hóa hay đã phẫu thuật dạ dày, ruột...

Khi có những dấu hiệu bệnh lý hệ tiêu hóa cần đi khám để chẩn đoán sớm, tránh những bệnh có thể gây hẹp ruột.  

Phạm Loan
Bình luận
vtcnews.vn