"7 nốt nhạc không có nốt nào là nốt sến"

Tổng hợpThứ Sáu, 26/11/2010 03:40:00 +07:00

Lần đầu tiên đặt chân đến thủ đô Hà Nội, tác giả của “Nỗi buồn hoa phượng”, “Đoản xuân ca” cứ nhất định phải trông thấy bằng được cây hoa sữa.

Nhạc sỹ Thanh Sơn: “7 nốt nhạc không có nốt nào là nốt Sến”

 
Lần đầu tiên đặt chân đến thủ đô Hà nội để tham gia chương trình Chân dung số 13 của kênh VTC HD1,tác giả của “Nỗi buồn hoa phượng”, “Đoản xuân ca” “Hình bóng quê nhà” và gần 200 ca khúc khác đượccông chúng đón nhận và yêu thích từ lâu cứ nhất định phải trông thấy bằng được cây hoa sữa. Và khi ravề ông tâm sự rằng hơi tiếc vì không được ở gần mùa thu Hà nội lâu hơn…

 THƯA NHẠC SĨ THANH SƠN HÌNH NHƯ ÔNG SẼ CÓ MỘT TÁC PHẨM SAU CHUYẾN GHÉ THĂM THỦ ĐÔ HÀ NỘI LẦN ĐẦU TIÊN NÀY?

 Hôm trước đó là lời hứa trong đêm nhạc của tôi tại nhà hát lớn Hà Nội với khán giả thủ đô, còn bây giờ thì tác phẩm đó đã hình thành, hy vọng sẽ sớm ra mắt công chúng yêu mến âm nhạc trong thời gian tới.

 THEO CẢM NHẬN CỦA RIÊNG ÔNG THÌ CA KHÚC NÀY CÓ GÌ ĐẶC BIỆT SO VỚI NHỮNG TÁC PHẨM VIẾT VỀ HÀ NỘI TRƯỚC ĐÂY KHÔNG?

Thường thì tôi không thích so sánh, vì mọi thứ đều có giá trị tương đối mà thôi, tôi chỉ có thể nói rằng đó là cảm xúc của một người lần đầu tiên đến Hà Nội sau khi đã đi hầu hết mọi miền trên khắp đất nước Việt Nam.

 HÌNH NHƯ CÓ MỘT THỜI NGƯỜI TA GỌI ÔNG LÀ “NHẠC SĨ CỦA MIỀN TÂY” RỒI THÌ NHÀ “ĐỊA PHƯƠNG CA”, ÔNG SUY NGHĨ THẾ NÀO VỀ ĐIỀU NÀY?

 Không phải một thời mà bây giờ người ta vẫn gọi thế, tôi rất vui vì được gọi là Nhạc sĩ của miền Tây mảnh đất đã nuôi dưỡng thể chất cũng như tâm hồn tôi suốt thời ấu thơ. Khi đi qua bất kỳ một địa danh nào, được đắm mình trong cảnh sắc và văn hóa vùng miền ấy tôi đều cảm thấy yêu quê hương đất nước mình hơn, và tình yêu ấy còn được tiếp thêm sinh lực khi người dân ở mảnh đất đó thuộc và cất cao lời hát ca khúc của mình mỗi ngày. Nếu bạn có dịp về Cà Mau chắc sẽ được nghe “Áo mới Cà Mau” rồi một bài khác như bài “Bạc Liêu hoài cổ” được người dân Bạc Liêu rất yêu mến. Và trong lần ra Hà Nội này tôi rất xúc động khi ca sĩ Thanh Thanh Hiền biểu diễn bài “Hình bóng quê nhà” của tôi đầy cảm xúc rồi chị tâm sự rằng mỗi lần nghe bài hát này thì dường như được đến với quê hương Nam bộ gần hơn bao giờ hết. Đó thực sự là một niềm hạnh phúc lớn lao đối với những người làm nhạc như chúng tôi khi mà ca sĩ hay công chúng thưởng thức có thể chia sẻ tình cảm với mình qua tác phẩm.

 NGOÀI MẢNG ĐỀ TÀI NGỢI CA QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC ÔNG CÒN CÓ RẤT NHIỀU SÁNG TÁC TRỮ TÌNH DÀNH CHO TUỔI HỌC TRÒ NHƯ “LƯU BÚT NGÀY XANH”, “THƯƠNG CA MÙA HẠ” RỒI “NỖI BUỒN HOA PHƯỢNG”…ĐƯỢC SÁNG TÁC VÀO NHỮNG THẬP NIÊN 60, 70 CỦA THẾ KỶ TRƯỚC, HÌNH NHƯ TUỔI HỌC TRÒ LÀ MỘT MIỀN KÝ ỨC ẢNH HƯỞNG RẤT LỚN ĐẾN SÁNG TÁC CỦA ÔNG?

 Tôi nghĩ có rất nhiều người sẽ giống tôi bởi tuổi học trò bao giờ cũng là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời của mỗi người, với cá nhân tôi khi bắt đầu việc sáng tác nhạc vào năm 1960 với ca khúc đầu tay “Tình học sinh”, tôi nghĩ đơn giản chỉ là ghi lại một vài nỗi niềm nào đó trong đời học sinh của mình thế rồi cảm hứng nối tiếp cảm hứng, những kỷ niệm cứ đồng hiện trong tâm trí mình mỗi ngày và những ca khúc về tuổi học trò tiếp sau đã đến với tôi tự nhiên như thế.

 NHỮNG CA KHÚC TRỮ TÌNH CỦA ÔNG THƯỜNG VIẾT VỀ NHỮNG NỖI CHIA LY, NHỮNG TÌNH YÊU DANG DỞ HAY CỤ THỂ HƠN LÀ NHỮNG NỖI BUỒN THƯƠNG VÔ HẠN, XIN NHẠC SĨ CẢM PHIỀN NẾU TÔI HỎI NHẠC SĨ ĐÃ NGHE AI NHẮC TỚI KHÁI NIỆM “NHẠC SẾN” BAO GIỜ CHƯA?

 NS Thanh Sơn: Ý bạn là nhạc buồn tức là nhạc sến?

 VỚI CÁ NHÂN TÔI THÌ HAI KHÁI NIỆM ĐÓ HOÀN TOÀN KHÁC NHAU, THẾ NHƯNG TÔI BIẾT CÓ MỘT SỐ QUAN ĐIỂM KHÔNG CHÍNH THỐNG CHO RẰNG NHẠC SẾN LÀ LOẠI NHẠC MÔ TẢ SỰ QUÁ ĐÀ CỦA CẢM XÚC ĐI VÀO CHIỀU HƯỚNG BI LỤY, ÔNG NGHĨ GÌ VỀ ĐIỀU NÀY?

 Tôi đã từng nghe thấy khái niệm “Nhạc sến” mà một số ý kiến nói về dòng nhạc của tôi hay rộng hơn là cả những tác giả cùng thời với tôi. Điều này khiến tôi thấy buồn, không phải buồn cho mình mà buồn cho những tác phẩm bị người ta gán cho cái từ “sến” ấy. Theo tôi được biết từ “Sến” có rất nhiều nguồn gốc, chẳng hạn như việc đọc chệnh đi theo phiên âm tiếng việt từ tên một diễn viên quốc tế nổi tiếng thời trước là Mari Shell. Cô này từng đóng một bộ phim được khán giả miền Nam rất quan tâm thời kỳ trước trong đó có một cảnh quay hết sức khêu gợi và lả lướt, kiểu  rất “sến” (cười). Ngoài ra theo ý kiến của một số học giả thì từ “sến” có liên quan đến từ “sen” cách gọi người giúp việc ở ngoài Bắc thời Pháp thuộc ám chỉ văn hóa bình dân, rồi thì trong dàn nhạc tài tử của Nam bộ cũng có một nhạc cụ là đàn “sến”. Cá nhân thôi thì có thể có từ “sến” còn không thể có khái niệm “nhạc sến” bỡi lẽ bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào đó đã tạo dựng được dấu ấn trong tâm trí công chúng thưởng thức đều đáng được trân trọng, và chúng ta đừng nên phân loại cấp bậc của nghệ thuật vì đó là một việc làm vô nghĩa. Còn về khía cạnh nỗi buồn sự chia ly trong các tác phẩm của tôi thì đó là những cảm xúc thực sự, cuộc sống này theo tôi đôi khi cần những nỗi buồn tận cùng để chúng ta có thể giải tỏa tất cả, những ai ghẻ lạnh với nỗi buồn sẽ không bao giờ có thể hiểu hết giá trị của cuộc sống. Vâng, một lần nữa tôi muốn khẳng định rằng với cá nhân tôi thì không bao giờ tồn tại khái niệm nhạc sến và xin thưa rằng trong 7 nốt nhạc của nhạc lý căn bản không có nốt nào là nốt sến cả.

 
ĐI SÂU VÀO NỘI DUNG NHỮNG CA KHÚC TRỮ TÌNH CỦA ÔNG THÌ NỖI BUỒN ẤY SỰ CHIA LY ẤY HÌNH NHƯ ĐỀU DỰA TRÊN NHỮNG CÂU CHUYỆN CÓ THẬT TRONG CUỘC SỐNG CỦA ÔNG?

 (Cười) Câu này hơi khó trả lời, tuy nhiên tôi có thể nói rằng hầu hết những sáng tác của tôi đều dựa trên những câu chuyện và cảm xúc có thật của cuộc sống, có thể là chuyện của cá nhân tôi hoặc bạn bè hay đôi khi mình tình cờ nhìn thấy, nghe được ngoài đời sống thường ngày. Ví dụ như hai ca khúc “Nỗi buồn hoa phượng” và “Mùa hoa anh đào” là chuyện thật của tôi. Cho đến tận giờ phút này đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ thời khắc ngẫu hứng tôi cất lên những ca từ và giai điệu đầu tiên của tác phẩm đó nhưng mỗi lần được nghe lại “Nỗi buồn hoa phượng” tôi đều có một xúc cảm thật đặc biệt.

 ÔNG VỪA NHẮC ĐẾN HAI CA KHÚC RẤT NỔI TIẾNG CỦA MÌNH, CÂU ĐẦU TIÊN CỦA HAI BÀI HÁT LÀ “MỖI NĂM ĐẾN HÈ LÒNG MAN MÁC BUỒN…” VÀ “MÙA XUÂN SANG CÓ HOA ANH ĐÀO…” CÙNG RẤT NHIỀU CA TỪ TRONG CÁC TÁC PHẨM KHÁC CỦA ÔNG GIỜ ĐÂY ĐÃ TRỞ NÊN NHỮNG THÀNH NGỮ TRONG CUỘC SỐNG MÀ CHÚNG TA ĐÔI KHI VẪN DÙNG HÀNG NGÀY, CẢM GIÁC CỦA ÔNG NHƯ THẾ NÀO?

 Tôi thực sự vui, và tôi nghĩ điều đó hoàn toàn rất dễ lý giải. Quan điểm sáng tác của tôi là phải gần gũi với công chúng để làm sao đó nói hộ họ những tình cảm suy tư trong cuộc sống thường ngày. Với tôi cảm giác hạnh phúc nhất là khi đi ngoài phố chợt nghe ở đâu đấy vang lên lời hát của mình, mà là hát mộc không nhạc do một phút ngẫu hứng của ai đó.

 “NỖI BUỒN HOA PHƯỢNG” LÀ MỘT KÝ ỨC ĐẸP CỦA THỜI HỌC SINH, CÒN “MÙA HOA ANH ĐÀO” HÌNH NHƯ LÀ CÂU CHUYỆN CỦA ÔNG VÀ NGƯỜI BẠN ĐỜI CỦA MÌNH?

 Phải nói rằng nếu không có bà xã chắc tôi không có được nhiều sáng tác như thế. Ở đây tôi không đề cập đến việc khơi nguồn cảm hứng, hay “nàng thơ” hay những gì đó mà người ta thường nói về hình bóng một người đẹp trong sáng tác của các nghệ sĩ. Tất nhiên tôi có thể tự hào nói rằng vợ tôi rất đẹp (cười) thế nhưng vợ tôi luôn ở bên, chia sẻ, đồng cảm và ủng hộ tôi trong mọi việc. Người làm công tác sáng tác đòi hỏi phải có thật nhiều xúc cảm nhưng để có thể giới hạn tất cả những cảm xúc đó mà không ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình là điều hoàn toàn không đơn giản, và chỉ có người phụ nữ nào thực sự tinh tế và nhạy cảm mới có thể giúp người chồng làm được điều đó. Tôi có thể tự hào nói rằng cho đến bây giờ sau gần 50 năm ở bên nhau lúc nào tôi cũng cảm thấy an tâm và hạnh phúc khi có bà xã ở cạnh. Một ví dụ cụ thể hơn là mỗi lần đi đến bất kỳ đâu bà ấy đều hối thúc tôi sáng tác cảnh đẹp chỗ này chỗ kia, đó cũng là một trong những động lực làm nên những sáng tác ngợi ca non nước con người Việt nam của tôi.

 MỘT GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC VÀ VỮNG BỀN, MỘT KHỐI LƯỢNG TÁC PHẨM ĐƯỢC CÔNG CHÚNG YÊU MẾN TRONG SUỐT THỜI GIAN QUA, SỰ NGHIỆP VÀ GIA ĐÌNH ĐẾN BÂY GIỜ VỚI ÔNG CÓ THỂ NÓI LÀ TRỌN VẸN, VẬY THÌ ÔNG CÒN ƯỚC MƠ NÀO NỮA KHÔNG?

 Đơn giản thôi, ước mơ tiếp tục được đi nhiều hơn nữa trên khắp đất nước Việt Nam những nơi mình chưa bao giờ được đặt chân đến.

 XIN CHÚC CHO ƯỚC MƠ ĐÓ CỦA ÔNG TRỞ THÀNH HIỆN THỰC VÀ XIN CHÂN THÀNH CÁM ƠN NHẠC SĨ BỞI CUỘC TRÒ CHUYỆN THÚ VỊ NÀY.

Lê Vũ Diệp Chi - Ảnh: hts

Bình luận
vtcnews.vn