7 cú lừa 'ngoạn mục' của tội phạm nước ngoài khi đến VN

Pháp luậtThứ Ba, 03/01/2012 06:32:00 +07:00

(VTC News) - Thủ đoạn của chúng cũng hết sức tinh vi. Có trường hợp nạn nhân đưa tiền cho chúng một cách “tự nguyện” trong vô thức, không biết gì.

(VTC News) - Một số người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để thực hiện hành vi lừa đảo. Thủ đoạn của chúng hết sức tinh vi. Có trường hợp nạn nhân đưa tiền cho chúng một cách “tự nguyện” trong vô thức, không biết gì.

Thủ đoạn của chúng cũng hết sức tinh vi, chúng đi ôtô, ăn mặc lịch sự, rất thích đổi tiền, vờ mua hàng rồi cướp giật, thậm chí còn dùng thẻ thanh toán giả. Có trường hợp nạn nhân đưa tiền cho chúng một cách “tự nguyện” trong vô thức, không biết gì.

VTC News xin điểm lại những ‘cú’ lừa “ngoạn mục” của khách nước ngoài tại Việt Nam như một lời báo động về loại tội phạm này.

1. Vờ đổi tiền, “cuỗm” luôn 25 triệu đồng

Sự việc xảy ra vào khoảng 17 giờ 30 ngày 16/9/2011 tại Khánh Hoà. Nạn nhân là bà Bùi Thị Kế Phước (45 tuổi, ở số 96 đường 2 Tháng 4, P. Vạn Thạnh, TP Khánh Hoà).

Vào thời điểm trên, có hai người vẻ dân Trung Đông, trạc ngoài 30 tuổi đi ô tô 7 chỗ màu trắng bạc đến cửa hiệu bao bì của bà Phước. Họ chỉ một kiện bao bì, ra dấu muốn mua. Bà Phước nói giá là 200.000 đồng, một người đưa tờ 500.000 đồng. Bà Phước vào buồng lấy tiền trả lại, anh ta đi theo.
Ba đối tượng người nước ngoài bị bắt giữ.

Khi bà Phước mở xắc, người áo vét thọc luôn tay vào trong, mở dây thun buộc và xòe các xếp tiền. Anh ta tỏ ý muốn được thối lại bằng đô-la, ra hiệu muốn cùng bà Phước lên lầu. Bà Phước bực mình, không chịu bán hàng nữa. Hai người nhận 300.000 đồng, ra xe đi về phía Bắc.

Khoảng một giờ sau, bà Phước mới biết bị mất hết tiền mệnh giá 200.000 đồng và 500.000 đồng, tổng số 25 triệu đồng.

2. Nhân viên bán vé máy bay bị 'thôi miên', mất tiền

Ngày 20/10, đại lý bán vé máy bay Vietnam Airlines tại địa chỉ số 74 Lê Hồng Phong (TP. Vinh, Nghệ An) xuất hiện hai vị khách nước ngoài vào mua vé máy bay chuyến Hà Nội – Hồng Kông vào chiều 21/10. Nhân viên bán vé là chị Phạm Thị Như Bình (SN 1987) đã kiểm tra và hệ thống và báo lại với 2 hành khách là chỉ có chuyến buổi sáng chứ không có buổi chiều. Sau đó họ ngồi lặng một lúc trước phòng vé.

Một lúc sau người đàn ông cao to, da ngăm đen rút ra một tờ tiền mệnh giá 500 ngàn đồng và bảo tôi đổi cho ít tiền lẻ để đi taxi. Nhân viên bảo không có vì đã đổi hết cho khách và mang ví ra ví và đưa tiền chẵn ra để thanh minh thì người đàn ông này giật ví và lôi tiền trong ví chị Bình ra liên tục nói: “Không phải đổi tiền đô la”.

Linh tính thấy chuyện chẳng lành, chị Bình nắm chặt tiền trong tay và gọi một nam nhân viên khác hỗ trợ, thế nhưng khi hai vị khách trả lại ví và rời đi thì chị Bình phát hiện mình bị mất 14 tờ mệnh giá 500 ngàn đồng vừa bán vé máy bay vào buổi sáng.

3. Hai người nước ngoài lừa bán hàng chục thỏi vàng giả

Anh Hùng làm việc ở văn phòng luật sư ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) bất ngờ nhận được điện thoại của một người đàn ông không quen biết, anh ta cho biết là công nhân xây dựng người Trung Quốc đang làm việc tại nhà máy ở Hưng Yên và trong quá trình làm việc tại đây anh ta phát hiện chiếc chum sành đựng hàng chục thỏi vàng hình thuyền và tượng Phật Di lặc bằng vàng, và do không hiểu pháp luật Việt Nam nên cần được tư vấn nên mang về nước hay bán tại chỗ.

Sáng hôm sau, 2 người đàn ông Trung Quốc tới văn phòng luật sư mang theo 10 thỏi vàng hình thuyền và 3 bức tượng phật Di lặc màu vàng. Cả 2 bảo cho biết không là vàng thật hay giả nên nhờ văn phòng luật sư kiểm tra. Người của văn phòng có thể chọn bất cứ thỏi vàng nào trong số trên để mang ra tiệm kim hoàn thử.

'Hô biến' vàng giả thành vàng thật.

Thấy "con mồi" cắn câu, hai người ngoại quốc gạ bán toàn bộ số vàng trên với giá 80 vạn Nhân dân tệ (được quy ra bằng 125.000 USD, tương đương hơn 2,5 tỷ đồng). Chiều 20/10, trong lúc chuẩn bị giao tiền, anh Hùng phát hiện một trong số hàng chục thỏi vàng có vết trầy xước để lộ ra bên trong ánh bạc. Nghi ngờ, anh bí mật báo cảnh sát.

Khi hai bên đang giao dịch, công an thành phố cùng các đơn vị của quận Cầu Giấy đã ập vào, bắt quả tang hành vi lừa đảo của cả hai là Dương Phát Khánh (40 tuổi) và Chung Thiết Lâm (39 tuổi) cùng ở Giang Tây, Trung Quốc, thành viên trong ổ nhóm lừa đảo chuyên nghiệp. 

Khánh và Lâm cùng một người nữa cùng sang Việt Nam và thuê nhà nghỉ ở quận Long Biên. Miếng vàng họ đưa anh Hùng đi thử là vàng thật, còn lại là vàng giả. Họ khai từng lừa một người ở Đà Nẵng để lấy 2,9 tỷ đồng với thủ đoạn tương tự. Khi thực hiện trót lọt một phi vụ, họ đều bay về nước chờ vài tháng rồi mới lại quay lại tiếp tục gây án.

4. Luôn có đồng bọn hỗ trợ phạm tội

Khoảng 14 giờ ngày 01/12, ba người nước ngoài đi trên xe Toyota 4 chỗ ngồi mang BKS 51A-21573 dừng tại cây xăng Sông Lai (huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Một người vào mua một hộp nhớt và đưa tờ 500.000 đồng yêu cầu nhân viên thối lại tiền mệnh giá 200.000 đồng, nhưng nhân viên này không có và dẫn vào quầy gặp người quản lý là ông Trần Văn Bán.

Tiếp đó, một người nước ngoài nói chuyện cùng nhân viên để đánh lạc hướng, còn hai người khác vào lấy tiền dư. Ông Bán cầm tiền chuẩn bị thối lại thì một người trong số đó đã giật lấy rồi cả 3 cùng chạy ra ôtô nổ máy sẵn tẩu thoát. Số tiền ông Bán bị cướp là 28,5 triệu đồng.

Đến lúc 16 giờ ngày 1-12, trên QL1A đoạn qua huyện Phú Lộc, lực lượng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt được Lalia Mostafa (SN 1986), Farhad Hosseininasbardi (SN 1984) và Setoodeh Mohamad Shiraz (SN 1983, đều mang quốc tịch Iran) khi chúng đang trên đường chạy trốn.

Tại cơ quan công an, chúng khai nhận đã nhập cảnh vào Việt Nam tháng 8/2011, thuê ôtô trên tại TPHCM với giá 90USD/ngày để làm phương tiện gây án.

5. Vị khách nước ngoài 'hô biến' 15 lượng vàng thành chì

Ngày 28/10, có hai người nước ngoài với dáng vẻ sang trọng, lịch sự vào tiệm vàng Diệp Khánh, số 30 đường Hoàng Văn Thụ, phường Diên Hồng, TP. Pleiku, Gia Lai do bà Dương Thị Khánh Cúc làm chủ. Họ tự giới thiệu là người Thổ Nhĩ Kỳ, vừa mới sang Việt Nam để du lịch. Hai vị khách ngỏ ý muốn mua 5 lượng vàng SJC với giá vào thời điểm đó là 45,2 triệu đồng/lượng.

Sau khi thỏa thuận về giá cả, họ yêu cầu bà Cúc lấy 5 lượng vàng cho vào một túi giấy có hình dạng như bì thư, dán băng keo rồi bỏ vào chiếc hộp, khóa lại.

Lúc này, hai vị khách nói, họ không mang theo nhiều tiền mặt, gia chủ có thể đợi họ sang ngân hàng Vietcombank để rút tiền. Hai vị khách lấy 1.000 USD trong vali đưa cho bà Cúc cùng chiếc hộp đựng vàng và chìa khóa để mở hộp.

Chừng 30 phút sau, hai vị khách trở lại tiệm vàng, họ cho hay chỉ rút được 100 triệu đồng. Sau đó, bà Cúc bán cho họ 2 lượng vàng.

Khoảng 9 giờ ngày 01/11, hai người nước ngoài nói trên quay lại, họ đề nghị mua 15 lượng vàng SJC. Như lần trước, họ yêu cầu bà Cúc lấy vàng cho vào một túi giấy, dán băng keo rồi bỏ vô chiếc hộp màu xanh, khóa lại. Một vị khách lấy ra xấp tiền 80 triệu đồng giao cho vợ chồng bà Cúc, còn lại hơn 600 triệu đồng sẽ đưa sau khi đến ngân hàng rút tiền. Tuy nhiên, lần này họ không đưa chìa khóa.

Đến 12 giờ cùng ngày, bà Cúc đã gọi thợ sửa khóa đến mở chiếc hộp đựng vàng. Nhưng trong đó chỉ là những thanh chì và nhôm.

6. Cán bộ bị Tây ‘thôi miên’ cướp tiền giữa phố

Khoảng 21 giờ 15 phút ngày 15/12, trước cửa khách sạn Nikko Hà Nội trên phố Trần Nhân Tông, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Người đàn ông chừng 35 tuổi, là phó trưởng phòng đối ngoại một vụ thuộc một Bộ lớn đang đứng đợi xe taxi để về nhà thì chiếc xe ô tô Honda mang nhãn hiệu Accord đi tới.

Một thanh niên da ngăm đen cao chừng 1m70 khoảng 20 tuổi bước ra nói tiếng Anh vùng Trung Đông giọng khẩn khoản với người đàn ông khoác túi đứng bên đường cũng đang chờ taxi: "Tôi là người Italy vừa đến Việt Nam. Tôi muốn đổi tiền Việt nhưng không biết mệnh giá tiền Việt thế nào. Anh vui lòng cho tôi xem mệnh giá tiền Việt để tôi còn đổi”.

Thấy người đàn ông Việt sang trọng lưỡng lự, gã thanh niên liến thoắng: "Đừng lo. Tôi vừa từ Italy sang, chưa thông thuộc ở đây, cần đổi tiền gấp." Vừa nói gã thanh niên vừa móc ra chiếc ví trong đó lòi ra xấp tiền USD không biết thật hay giả.

Người đàn ông, rút ví tiền trong túi hậu và đưa cho gã thanh niên xấp tiền 100.000 đồng. Gã thanh niên cầm xấp tiền rồi đưa lại cho người đàn ông Việt sang trọng và lại giọng khẩn khoản: "Tôi muốn xem tiền mệnh giá khác được không?"

Người đàn ông không ngần ngại rút ra xấp tiền 500.000 đồng đưa cho gã thanh niên Trung Đông. Gã thanh niên soi xấp tiền chừng vài giây và đưa lại cho người đàn ông. Hắn lên xe và chiếc xe rồ máy vụt chạy mất. Khi chiếc xe vụt chạy, Người đàn ông rút ví kiểm lại tiền và cho biết anh bị mất gần 5 triệu đồng.


7. Dùng 14 thẻ thanh toán quốc tế vào Việt Nam lừa đảo

Koay Keng Chen (quốc tịch Malaysia) nhập cảnh vào Việt Nam vào ngày 24/04 và mang theo 2 quyển hộ chiếu (một hộ chiếu giả) cùng 14 thẻ thanh toán quốc tế giả. Đến ngày 27/04, hắn đi bay từ TP HCM bay ra Hà Nội để thực hiện hành vi lừa đảo.

Ngày 06/05, Chen mua 2 chiếc Iphone4 ở một cửa hàng điện thoại trên phố Thái Hà với giá gần 35 triệu đồng. Hắn đã dùng thẻ thanh toá giả để trả tiền và lừa được cửa hàng này và sau đó bán 2 chiếc điện thoại này cho một người nước ngoài với giá 700 USD.

Thấy dễ làm ăn, ngay hôm sau (ngày 07/5), Chen tiếp tục đến một cửa hàng điện thoại trên phố Thái Hà để mua 5 chiếc Iphone4 với tổng giá trị 85 triệu đồng.

Cũng như lần trước, hắn dùng thẻ giả để thanh toán nhưng lần này hành vi của hắn đã bị phía ngân hàng phát hiện, báo cho cửa hàng. Chen bị cơ quan công an tạm giữ ngay sau đó và đến ngày 16/12 thì bị TAND TP Hà Nội xét xử và tuyên phạt 26 tháng tù giam vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


Đây chỉ là 7 trong rất nhiều vụ lừa đảo liên quan đến người nước ngoài, mặc dù cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra và xử lý nhưng tình trạng lừa đảo do người nước ngoài vẫn xảy ra và có nguy cơ gia tăng. Do vậy, việc đề cao cảnh giác với loại tội phạm nguy hiểm này là một biện pháp hữu hiệu.

Đại Minh - Đại Trí (Tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn