6 trách nhiệm người bán hàng cần tuân thủ: Vì sao phải niêm yết giá công khai?

Doanh nghiệp vì người tiêu dùngThứ Ba, 02/11/2021 17:10:00 +07:00
(VTC News) -

Cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh việc người tiêu dùng cần thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia mua bán hàng hóa, dịch vụ trực tiếp thì trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là một phần quan trọng không thể thiếu.

Cụ thể, căn cứ vào Điều 12 Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng như sau:

Thứ nhất, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật. Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.

6 trách nhiệm người bán hàng cần tuân thủ: Vì sao phải niêm yết giá công khai? - 1

Thứ hai, niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ. Ví dụ như tại các siêu thị, trung tâm thương mại, việc đề giá công khai hàng hóa là cần thiết vì người tiêu dùng cần biết giá để ước lượng những sản phẩm cần mua phù hợp với điều kiện của họ, không thể mỗi sản phẩm đều mang đi hỏi người bán hàng được.

Thứ ba, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa. 

6 trách nhiệm người bán hàng cần tuân thủ: Vì sao phải niêm yết giá công khai? - 2

Thứ tư, cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hóa. Đối với hàng hóa, linh kiện, phụ kiện được bảo hành, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cần có trách nhiệm được quy định cụ thể tại Điều 21 Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2019 và phải cung cấp đầy đủ thông tin về linh kiện, phụ kiện đó.

Thứ năm, tổ chức, cá nhân kinh doanh cụ thể là nhà sản xuất cần cung cấp hướng dẫn sử dụng; điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có bảo hành kèm theo với sản phẩm đó.

Thứ sáu, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch.

Như vậy, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không phải là một trách nhiệm đơn thuần, có thể thực hiện hoặc không thực hiện dựa theo ý chí của tổ chức, cá nhân kinh doanh, mà là nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp, tổ chức, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ các trách nhiệm đối với người tiêu dùng thì phải chịu những hậu quả pháp lý bất lợi theo quy định của pháp luật.

Ngô Xuyến
Bình luận
vtcnews.vn