Câu chuyện về một sinh viên sống nhờ truyền máu

Giáo dụcThứ Bảy, 02/07/2011 06:52:00 +07:00

(VTC News) - Vượt lên tất cả mọi khó khăn về hoàn cảnh, bệnh tật, chàng trai 20 tuổi cao chưa đầy 1,5m, nặng chưa đến 35 kg ấy đã chính thức trở thành sinh viên

(VTC News) - Vượt lên tất cả mọi khó khăn về hoàn cảnh, bệnh tật, chàng trai 20 tuổi cao chưa đầy 1,5m, nặng chưa đến 35 kg ấy đã chính thức trở thành sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Sống nhờ máu người khác

Vũ Đình Huyên sinh năm 1991 tại thôn La Vân 2, Quỳnh Hồng, Quỳnh Phụ, Thái Bình trong một gia đình nông dân nghèo có bố từng tham gia chiến đấu trong chiến trường miền Nam.

Lên một tuổi Huyên mất bố, 6 tuổi mất anh trai. Năm lên 7 tuổi gia đình phát hiện Huyên bị bệnh to lá lách do ảnh hưởng của chất độc màu da cam từ bố. Kể từ đó, Huyên không thể phát triển một cách bình thường như bạn bè cùng trang lứa.

Nụ cười vẫn rạng rỡ trên khuôn mặt chàng sinh viên bé nhỏ này. 

Học hết THCS, Huyên mới cao được 1,26 m, nặng 24 kg, gương mặt lúc nào cũng trắng bệch, xanh xao như tàu lá. Trước khi phẫu thuật cắt bỏ lá lách, cứ 2 tháng em phải đi thay máu 1 lần vì như giải thích của cô Thạnh - mẹ Huyên: “máu sản sinh ra bao nhiêu thì lá lách ăn hết bấy nhiêu…”.

7 năm trời phải sống nhờ vào “máu thiên hạ”, mãi đến năm 15 tuổi em mới được phẫu thuật. Đó là khoảng thời gian thực sự khó khăn và khốn đốn với hai mẹ con Huyên. Sau cuộc phẫu thuật sức khoẻ của Huyên có phần khá hơn, thời gian thay máu cũng được giãn ra (5 tháng/lần), chiều cao tăng lên được 150 cm, cân nặng cải thiện lên đến 34 kg. Tuy nhiên so với bạn bè, Huyên vẫn cực kì “thấp bé nhẹ cân”.

Cùng mẹ vượt khó mưu sinh

Khi chúng tôi đến, trong nhà Huyên không có lấy một vật dụng giá trị. Căn nhà ngói cũ đã ngả màu thời gian, xiêu vẹo và cứ mưa xuống là dột. Cuộc sống thiếu thốn đủ đường, hai mẹ con chỉ có vật dụng giá trị nhất là cái ti vi cũ xin được của một người quen.

Cô Thạnh nghẹn ngào: “Có đồng nào dồn hết vào việc chữa bệnh cho con, giờ cứ 5 tháng thay máu 1 lần, rồi thuốc nọ thuốc kia, lại tiền ăn học…thì còn dư ra đồng nào đâu mà mua sắm”.

Ít ai nghĩ "cậu bé" này đã là một sinh viên đại học, một chàng trai đã 20 tuổi. 

Từ khi mất bố và anh trai, hai mẹ con Huyên nương tựa vào nhau để sống. Cuộc sống khó khăn lại thêm căn bệnh nan y, chưa ngày nào Huyên thôi ý thức về những hy sinh của mẹ với mình. Hàng ngày, ngoài giờ học trên lớp, Huyên đỡ đần mẹ làm những công việc nhà, cố gắng học tập thật giỏi để làm vui lòng mẹ.

Dù chỉ có một mình nhưng vụ nào cô Thạnh cũng làm đến hàng mẫu ruộng. Thóc lúa thu về cô chỉ để lại đủ cho hai mẹ con ăn đến vụ kế tiếp, còn lại bao nhiêu cô mang bán hết dồn tiền cho cậu con trai chữa bệnh và ăn học.

Cô tâm sự: “Nhà chỉ có 2 mẹ con, tôi còn ai để hy sinh nữa đâu. Vì con, dù có khó khăn, vất vả hơn nữa tôi cũng không ngại miễn sao nó được khoẻ mạnh và học hành bằng người là được”.

Thành tích học tập đáng nể

Ngay từ những ngày đầu cắp sách tới trường, ý thức rõ hoàn cảnh gia đình khó khăn, thương mẹ, vượt lên nỗi đau hành hạ của bệnh tật, 12 năm liền Huyên là học sinh giỏi.

Những thành tích học tập đáng nể không ai dám nghĩ một cậu bé bệnh tật đầy người lại có thể làm được. Năm học lớp 6, Huyên vinh dự đoạt giải nhì môn Toán học sinh giỏi cấp tỉnh, lớp 7, 8, 9 liên tiếp đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện. Năm thi chuyển cấp lên THPT, Huyên xuất sắc đạt 45 điểm/5 môn thi (9 điểm/môn) vào trường THPT Quỳnh Côi, một trong những trường THPT tốp đầu tỉnh Thái Bình.

Ba năm THPT Huyên luôn đứng trong danh sách top 10 học sinh giỏi nhất trường. Thường xuyên tham gia các kì Đại hội Đoàn của huyện, tỉnh với tư cách là đoàn viên tiên tiến suất sắc.

Là gương mặt duy nhất của huyện Quỳnh Phụ được nhận học bổng hỗ trợ của Quỹ học bổng Việt - Pháp…và bằng sự cố gắng không mệt mỏi Huyên đã xuất sắc vượt qua kì thi tuyển sinh đại học với 24 điểm/3 môn thi, chính thức trở thành sinh viên của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Huyên tâm sự: “Em được như ngày hôm nay là nhờ có bàn tay chăm sóc của mẹ. Ước mơ lớn nhất của em là được khỏi bệnh, sống khoẻ mạnh cho mẹ đỡ vất vả và đạt được kết quả học tập tốt nhất trong năm học đại cương ở trường Bách Khoa để vào được khoa Điện tự động hoá…”

Cuộc sống phía trước còn nhiều khó khăn mà hai mẹ con Huyên phải vượt qua. Sẽ nhẹ lòng biết mấy nếu tấm gương sáng của Huyên nhận được sự giúp đỡ, động viên của mọi người.

Thu Hòe

Bình luận
vtcnews.vn