Lương tháng 13 cho giáo viên: Đau đầu lắm!

Giáo dụcThứ Hai, 04/02/2013 05:15:00 +07:00

(VTC News) – Giáo viên là công chức, làm việc cho nhà nước, không phải là người kinh doanh nên... có đâu mà thưởng.

(VTC News) – Giáo viên là công chức, làm việc cho nhà nước, không phải là người kinh doanh nên… có đâu mà thưởng.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Hữu Hùng (Chủ tịch công đoàn Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM). Ông Hùng cho biết, trước những năm đất nước chưa đổi mới, mỗi người giáo viên đều có lương tháng 13 và một số thứ như vải, bột ngọt, đường… “làm quà” ăn tết.  Nhưng khi đất nước bước sang giai đoạn đổi mới thì việc thưởng lương tháng 13 không còn nữa.

Bởi hiện nay, ngành giáo dục đang thực hiện chương trình thi đua khen thưởng cho từng giáo viên vào các dịp lễ tết trong năm như: ngày 20-11, ngày thành lập Đảng… theo mức lương và trình độ của giáo viên nên việc cắt giảm lương tháng 13 là đều đương nhiên.

Nói về chuyện thưởng tết của giáo viên, cụ thể là tại TP.HCM, có trường thưởng ít, có trường thưởng nhiều là tùy thuộc vào điều kiện cũng như việc chi tiêu của trường đó. Nhưng số tiền ấy không phải là tiền thưởng tết mà là tiền tiết kiệm từ chi phí khoán kinh phí hành chính (bao gồm lương và các khoản chi hoạt động).

Giáo viên được thưởng tết phụ thuộc vào ngân sách trường

Theo ông Hùng, từ năm 2007 đến nay, ngành giáo dục đang thực hiện nghị định 43/NĐ-CP của Chính phủ về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị, sự nghiệp công lập.

Từ đó đến nay, Sở giáo dục và Ủy ban nhân dân TP.HCM đã giao việc tự chủ tài chính cho các trường tự thu chi, quản lý. Thông qua đó, các trường có thể tự xây dựng và thực hiện quy chế chỉ tiêu của trường mình sao cho hợp lý và đảm bảo được quyền lợi của giáo viên cũng như nhân viên trong trường. Vì vậy, việc chi vào cuối năm của từng trường có sự khác nhau. Bởi có trường chi hàng tháng, trường chi hàng quý, từng học kỳ hoặc vào cuối năm cho mỗi giáo viên.

Với việc làm trên, nếu trường nào có nhiều giáo viên trẻ, hệ số lương thấp tiền tiết kiệm chia sẽ nhiều hơn và ngược lại. Điều này cũng như chiếc bánh nếu cắt miếng đầu to thì miếng sau sẽ nhỏ lại, đổi lại cũng vậy. Nếu so trong điều kiện hiện nay, nhất là đối với các doanh nghiệp đang phá sản, công nhân thất nghiệp thì mức tiền tết mà nhiều giáo viên nhận được khoảng vài triệu đồng được coi là tạm đủ.

Còn việc thưởng Tết Nhâm Thìn 2012 của giáo viên tại TP.HCM, năm nay, mỗi giáo viên, cán bộ công nhân viên trong ngành giáo dục là 900.000 đông/người. Nguồn kinh phí này là do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động sử dụng từ nguồn kinh phí được giao trong dự toán 2012.

Ông Hùng cho biết, so với mức hỗ trợ tết Tân Mão năm 2011 là 700.000 đồng, mức chi năm nay của TP.HCM cho giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục tăng 200.000 đồng. Mức thưởng này, tùy vào từng nơi và từng tỉnh, thành phố. Riêng TP.HCM, do kinh tế khá hơn nên mới có mức thưởng trên.

Trao đổi cùng chúng tôi, thầy Lê Văn Phước (Hiệu trưởng trường THPT Võ Thị Sáu, Q,.Bình Thạnh) cho biết, “mức chi tiền tiết kiệm cho giáo viên trong trường nhiều hay ít là do kế hoạch chi tiêu của nhà trường, nhất là người quản lý. Họ phải biết điều tiết và phải nắm rõ được tình hình kinh phí của trường. Việc gì nên làm, việc gì không nên làm.

Tuy nhiên việc này cũng phụ thuộc vào điều kiện của từng trường. Như ở trường chúng tôi, việc chi tiền tiết kiệm cho từng giáo viên năm nay cao là bởi, chúng tôi có mặt bằng cho các trung tâm ngoại ngữ, tin học thuê và còn có chỗ gửi xe để thu kinh phí. Nhưng ở một số trường khác không có được như vậy, nhất là các trường mầm non, tiểu học đóng trên địa bàn thành phố thì rất khó thực hiện”.

Một lãnh đạo phòng Giáo dục – Đào tạo TP.HCM cho rằng nên có lương tháng 13 cho giáo viên để động viên, khích lệ tinh thần làm việc và nhiệt huyết phấn đấu với nghề. “Việc làm này, đối với những giáo viên đang công tác ở các trường ở vùng sâu, vùng xa là một điều cần trăn trở và đưa ra mổ xẻ. Thế nhưng xét về cơ chế, cho đến nay chưa thể thực hiện lương tháng 13 cho giáo viên ở các vùng này, vì nếu giải quyết được cho họ mà không giải quyết ở nơi khác thì đau đầu lắm”.

Ngọc Thân



Bình luận
vtcnews.vn