Hội phụ huynh lạm thu theo gợi ý của nhà trường

Giáo dụcThứ Hai, 19/09/2011 03:35:00 +07:00

(VTC News) - "Thật ra thì không phải các Hội phụ huynh tùy tiện đặt ra các khoản đóng góp đâu, mà tất cả chính là gợi ‎ý của Nhà trường" - GS Nguyễn Lân Dũng.

(VTC News) - "Thật ra thì không phải các Hội phụ huynh tùy tiện đặt ra các khoản đóng góp đâu, mà tất cả chính là gợi ‎ý của Nhà trường."

"Vì vậy thay mặt cho các phụ huynh khác, Ban đại diện Hội phụ huynh học sinh cần hiểu rõ hoàn cảnh của đa số các gia đình và cũng cần hiểu biết về Luật Giáo dục, về các quy định của ngành Giáo dục, để từ đó có sự trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo Nhà trường về các khoản đóng góp sao cho vừa hợp tình‎, vừa không trái với các quy định hiện hành" - GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ về giải pháp để xóa bỏ “lạm thu” đầu năm học.

 “Chúng ta nhất thiết phải sớm thực hiện được việc miễn học phí cho cấp phổ cập giáo dục, tức là hết lớp 9”-   GS Nguyễn Lân Dũng  

Hội phụ huynh là “lá chắn”

- Thưa GS, ông nghĩ gì về tình trạng “lạm thu” học phí dù đã nói nhiều nhưng vẫn xảy ra đầu mỗi năm học như một căn bệnh nan y?

Đúng là mọi nhà trường đều đang gặp không ít khó khăn về kinh phí: tiền xây dựng cơ sở vật chất, tiền bổ sung cho giáo viên vì đồng lương chưa đủ sống… Tuy nhiên như các vị lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết là Luật Giáo dục không cho phép việc lạm thu như hiện nay.

Các trường thường dựa vào các Hội phụ huynh học sinh để thực hiện việc thu thêm các khoản tiền ngoài quy định chung. Khuynh hướng chung của phụ huynh là không muốn làm mất lòng nhà trường và thường cố gắng để đóng góp.

Với những gia đình khá giả thì khoản tiền này không có gì khó khăn để bỏ ra, nhưng với số đông các gia đình cán bộ, viên chức, công nhân, nông dân, người buôn thúng bán mẹt…thì quả thực là hết sức khó khăn. Do không thể làm khác được nên đành phải đi vay mượn vào đầu các năm học và rất khó khăn để hoàn trả số tiền phải vay mượn này.

Điều này là không phù hợp với Điều 10 của Luật Giáo dục: “Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để người nghèo được học tập, tạo điều kiện để những người có năng khiếu phát triển tài năng."

"Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người tàn tật, khuyết tật và đối tượng được hưởng chính sách xã hội khác thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình”

- Đối với các trường công lập, thông qua hàng loạt các khoản thu dưới danh nghĩa “tự nguyện” các phụ huynh cũng phải đóng tới vài triệu đồng. Gánh nặng này hẳn là không phải nhỏ thưa GS?

Cần có một cuộc điều tra xã hội học để thấy rõ bao nhiêu gia đình gặp khó khăn hay quá khó khăn trong việc đáp ứng với sự lạm thu vào các dịp đầu năm học. Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục bằng các nguồn kinh phí khác nhau, kể cả các nguồn đóng góp từ thiện của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. Muốn vậy phải biết thu vén trong việc sử dụng ngân sách, sao cho không còn tình trạng lãng phí do sử dụng sai mục tiêu, sử dụng thiếu hiệu quả, nhất là sự thất thoát do tham nhũng- một bệnh trạng ngày càng phổ biến và tỏ ra ngày càng“nhờn thuốc”.

- Nhiều trường cho rằng họ đã công khai các khoản thu đầu năm trên trang web, qua hệ thống mail… nhưng dường như vẫn mang tính áp đặt khi không trao đổi trước với các bậc phụ huynh? Như vậy, liệu việc công khai đó cũng chỉ mang tính hình thức thưa GS?

Như tôi đã trình bày trong phần trên, dù có dựa vào các Hội phụ huynh học sinh thì các thông báo này vẫn mang tính áp đặt, chỉ phù hợp với hoàn cảnh của các gia đình có thu nhập cao và hoàn toàn gây khó khăn cho số đông các gia đình có thu nhập thấp hoặc rất thấp.

Chỉ cần hỏi chuyện các phụ huynh này sẽ thấy họ lo lắng biết chừng nào vào dịp mỗi đầu năm học. Sẽ rất khó khăn để phản đối nội dung của các thông báo này với suy nghĩ đơn giản là tất cả vì con em chúng ta.

Đã có nhiều cuộc vận động “nói không”. Có lẽ phải có thêm cuộc vận động “nói có”. Đó là có trách nhiệm thực hiện đúng quy định của Luật Giáo dục và các quy định khác của Bộ, của Sở.

Miễn học phí đến lớp 9

 

-Chia sẻ trên báo chí, GS từng cho rằng: “Cần chấm dứt tình trạng để các hội phụ huynh học sinh tùy tiện tự đặt ra các khoản đóng góp”. Tuy nhiên giải pháp để chấm dứt tình trạng này là như thế nào thưa ông?

Thật ra thì không phải các Hội phụ huynh tùy tiện đặt ra các khoản đóng góp đâu, mà tất cả chính là gợi ‎ý của Nhà trường. Vì vậy thay mặt cho các phụ huynh khác, Ban đại diện Hội phụ huynh học sinh cần hiểu rõ hoàn cảnh của đa số các gia đình và cũng cần hiểu biết về Luật Giáo dục, về các quy định của ngành Giáo dục, để từ đó có sự trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo Nhà trường về các khoản đóng góp sao cho vừa hợp tình‎, vừa không trái với các quy định hiện hành.

- Theo quan điểm của ông có nên miễn học phí ở bậc tiểu học để giảm gánh nặng cho các gia đình, đặc biệt là các gia đình ở nông thôn mỗi khi năm học mới bắt đầu?

Nhiều nước xuất phát điểm không khác gì chúng ta, thậm chí còn khó khăn hơn chúng ta, nhưng đến nay đã miễn hoàn toàn học phí cho mọi học sinh học hết cấp hai (THCS).

Điều 11 của Luật Giáo dục nước ta xác định: 1. Giáo dục tiểu học và giáo dục  trung học cơ sở là các cấp học phổ cập. Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước.

2. Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập.

3. Gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập”.

Vì vậy rõ ràng là nếu không miễn được học phí cho mọi cấp học thì chúng ta nhất thiết phải sớm thực hiện được việc miễn học phí cho cấp phổ cập giáo dục, tức là hết lớp 9 (phổ thông cơ sở)

Xin cảm ơn GS!

Phạm Thịnh(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn