Chuyện về người ăn xin tuyệt vời nhất Việt Nam

Thời sựThứ Tư, 21/04/2010 06:18:00 +07:00

(VTC News)- Ở góc nhỏ trên con phố sầm uất bậc nhất TP. Nam Định có một bà cụ ăn xin hơn 70 tuổi vẫn ngày ngày dệt nên một câu chuyện gây xúc động lòng người.

(VTC News) - Ở góc nhỏ trên con phố sầm uất bậc nhất TP. Nam Định có một bà cụ ăn xin hơn 70 tuổi vẫn ngày ngày dệt nên một câu chuyện gây xúc động lòng người: Ăn xin để nuôi cháu học đại học. Điều đáng nói là đứa cháu đó với bà chẳng có quan hệ máu mủ gì. Biết được tấm lòng của bà, có người đã phải thốt lên: Đây chính là người ăn xin tuyệt vời nhất Việt Nam.

Bà cụ là Trần Thị Nguyệt, còn cô cháu nuôi là Phạm Thị Thu Thảo năm nay vừa tròn 19 tuổi, sinh viên năm nhất khoa Du lịch, Viện ĐH mở Hà Nội. Câu chuyện về hai bà cháu như cổ tích giữa đời thường.

Đứa cháu tình cờ

Theo lời chỉ dẫn của cậu bạn trong nhóm tình nguyện Tuổi trẻ xanh,
tôi tìm đến con ngõ nhỏ nằm gần Nhà Thờ Lớn (Nam Định), nơi có bà cụ đã ngoài 70 tuổi nhưng ngày ngày vẫn đi xin của người qua đường để nuôi cô cháu gái học đại học trên Hà Nội. Lúc này đã quá trưa, mọi người trong xóm nhỏ đều quây quần bên mâm cơm gia đình. Hỏi thăm một đôi vợ chồng đang bế đứa con nhỏ về cụ Nguyệt, chị vợ nhanh nhảu: “Bây giờ bà Nguyệt chưa về đâu. Anh ở đây chờ hoặc anh ra bến xe buýt trước nhà Thờ Lớn kiểu gì cũng gặp”.

Đúng như chỉ dẫn của người vợ, bà Nguyệt đang đứng lom khom trong nhà chờ xe buýt mưu sinh bằng chiếc nón đã sờn. Khi biết được ý định gặp gỡ cụ Nguyệt của tôi, bà chủ quán nước gần đấy hồ hởi: "Kia kìa anh. Bà Nguyệt đấy. Bà ấy ăn xin để nuôi cô cháu hờ đang học đại học trên Hà Nội đấy”. Như để khẳng định thêm thông tin, bà chủ quán nước tiếp lời: “Tôi sống ở đây mấy chục năm rồi tôi biết chuyện từ hồi bố nó bỏ nó lại cho bà ấy nuôi cơ. Hai chục năm rồi chứ ít gì đâu. Bà ấy không kể đâu nhưng chúng tôi biết hết cả”.

Căn nhà chỉ rộng chừng 8m2, cũ kĩ leo lét ánh đèn của hai bà cháu

Sau mỗi ngày đi khắp các con phố ở thành Nam, cụ Nguyệt lại trở về ngôi nhà của mình, hay đúng hơn chỉ là một căn phòng, rộng chừng... 8m2, vừa nhỏ bé lại tối tăm như một cái nhà kho thời bao cấp. Mái nhà lợp tạm bợ bằng  1 loại nguyên liệu tổng hợp gồm ngói, tôn, giấy dầu và cả nhựa…. Bà Nguyệt vào nhà bật điện, nhưng ánh đèn leo lét cũng không đủ để xua đi cái lạnh lẽo, ẩm mốc nơi đây. Căn phòng nhỏ hai bà cháu ở chỉ kê vừa một chiếc giường cũ cùng một chiếc tủ đã ọp ẹp. Vừa mời khách vào nhà, bà Nguyệt vừa thanh minh: “Nhà cháu chỉ đơn giản thế thôi. Giờ chỉ còn mỗi bàn học của cái Thảo là sạch sẽ ngăn nắp”.

Bà Trần Thị Nguyệt, quê gốc ở làng Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Mẹ mất sớm nên bố bà lấy vợ hai. Sau đó ông cùng người vợ mới và hai anh trai của bà Nguyệt vào Nam từ trước cách mạng (1945). Rồi bà bặt tin bố mình từ đó. Mãi về sau bà nghe đâu có người bảo bố bà đã mất trong chiến tranh, một anh trai đã sang Mỹ định cư cùng vợ con. Người anh còn lại ở đâu bà cũng không được rõ. Bà Nguyệt bắt đầu bỏ quê lên Nam Định kiếm sống bằng những thúng xôi mỗi sáng.

Bà Nguyệt lật tìm lại những tờ giấy khen cô cháu Thảo đã từng đạt được

Năm ấy, dù đã hơn 50 tuổi nhưng bà vẫn bán xôi trên tuyến phố Nguyễn Du quen thuộc gần khu vực nhà trẻ. Bà bảo chỗ đó đông người và quan trọng nhất là bà thích được nhìn lũ trẻ vui chơi, đùa nghịch.

Trong đám trẻ, bà thường chú ý tới một cô bé gái chừng hơn 1 tuổi ngày ngày bám tay vào những song cửa khóc khi người bố thường gửi vội con ở đấy rồi đi chạy xích lô. Những hôm nhà trẻ nghỉ, cô bé lại rong ruổi theo xe xích lô của bố đón khách. Những lúc bắt được khách, người bố phải bỏ con lại bên vỉa hè nhờ mọi người trông giúp.

Thương ông bố vất vả lại sẵn tình yêu trẻ, bà Nguyệt đã nhận đứa bé về chăm sóc. Ông bố vui mừng gửi được con ở một nơi tin cậy. Mỗi ngày khi gửi con ông đưa cho bà Nguyệt 3 nghìn đồng để cho cô bé ăn. Cứ thế được khoảng 1 tuần. Một hôm, như thường lệ người đàn ông vẫn mang cô bé đến gửi. Song lần này, lúc chia tay  người bố có vẻ bịn rịn, ông ôm đứa bé vào lòng, thơm lên má, lên trán cô bé rồi dặn thêm bà Nguyệt: “Cháu tên là Phạm Thị Thu Thảo, cháu vừa tròn 15 tháng tuổi bà ạ”.

Chẳng ai ngờ, sau hôm đó, người bố ấy không bao giờ quay trở lại. Bà nghe người ta kể lại hai vợ chồng nhà đó nợ nần chồng chất phải vào tận trong Nam trốn nợ. Từ đó cuộc đời bà Nguyệt cùng cháu Thảo cứ gắn chặt lấy nhau như duyên trời định.

Dù khổ tôi vẫn nuôi cháu

Bà Nguyệt tâm sự: “Từ ngày về ở với bà, cháu không hề đòi bố mẹ, không khóc, suốt ngày quấn lấy tôi”. Có tiếng trẻ bi bô trong nhà, cuộc sống của bà sôi động và hạnh phúc hơn.

Năm tháng trôi đi, Thảo cũng đến tuổi đi học, bà Nguyệt lại tất bật lo sắm sửa quần áo cặp sách mới, đưa cháu tới trường. Ngày đó cuộc sống khó khăn, nhiều người hàng xóm đã rỉ tai bà khuyên nhủ: “Bà đem bỏ nó đi, ai không có con thì người ta đem về nuôi. Hoặc bà gửi nó vào trại trẻ mồ côi cho nhẹ nợ”. Ngay lập tức bà gạt phắt: “Nó là cháu tôi. Tôi không nuôi nó thì ai nuôi. Dù khổ mấy thì nó vẫn ở với tôi chứ”.

Thời gian này biết tin bà đang nuôi con cho “thiên hạ”, người anh trai của bà định cư bên Mỹ rất tức giận, nhiều lần gửi thư về bắt bà phải bỏ Thảo hoặc sẽ cắt những khoản trợ cấp nhỏ cho bà. Song cho dù anh trai có nói thế nào, bà vẫn quyết tâm giữ Thảo. Anh trai giận bà nên từ đó cắt mọi khoản viện trợ hàng tháng.

Ngày anh trai mất, bà Nguyệt cũng không có dịp đưa tiễn. Mùa hè năm 2009, ngày Thảo lên đường ra Hà Nội nhập học ở trường ĐH, người chị dâu bên Mỹ về Sài Gòn chơi có gửi ra Nam Định 4 triệu đồng mừng cho cô cháu gái đỗ đại học.

Anh trai và chị dâu của bà Nguyệt đang định cư bên Mỹ trước đây cũng từng nhiều lần phản đối việc bà Nguyệt nhận nuôi Thảo

Bà Nguyệt tự tay chăm chút cho Thảo từng bữa ăn, từng giấc ngủ. Bà Nguyệt vẫn còn nhớ như in ngày Thảo 7 tuổi, bị một trận ốm thập tử nhất sinh khiến bà phải một phen hoảng hốt. “Từ nhỏ con bé trộm vía nên không ốm quay quắt như nhiều đứa trẻ khác nhưng có một chiều nó đi học về mà mặt cứ nặng trĩu, tôi sờ đầu mới biết cháu sốt cao”. Bà Nguyệt lo lắng nấu cháo, lấy khăn ướt đắp để giải nhiệt cho Thảo.

Nhưng đến nửa đêm bệnh tình cô bé chuyển biến nghiêm trọng hơn. Hoảng hốt, bà Nguyệt gõ cửa từng nhà hàng xóm nhờ giúp đỡ nhưng họ cũng như bà, nào có ai biết chữa bệnh ra sao. Có người mách bà xuống phố Năng Tĩnh nhờ thầy thuốc về khám cho cháu. Giữa đêm khuya mùa đông, giữa cái rét như cắt da cắt thịt bà Nguyệt lặn lội hơn 2 cây số đi tìm bác sĩ. “Ngày đó còn có chưa nhiều bác sĩ, tôi đi bộ đến nơi cũng mất gần tiếng đồng hồ. Gọi cửa mãi rồi cũng có người ra mở cửa. Thấy có bóng người là tôi quỳ xuống van xin ông bác sĩ đến giúp cháu Thảo. Ông bác sĩ động lòng liền đồng ý theo tôi về nhà. Hôm đó khám xong ông bác sĩ còn không lấy tiền công, lại cho thêm thuốc để cho cháu Thảo uống”, bà Nguyệt nghẹn ngào kể.

Kí ức về người anh bên Mỹ cứ đan xen trong câu chuyện về hai bà cháu

Ngày Thảo nhận được giấy báo nhập học của Khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội, bà Nguyệt không cầm được nước mắt, mừng cho cháu đạt được ước mơ nhưng lại lo xoay đâu ra tiền cho cháu nhập học. Được sự giúp đỡ của bà con hàng xóm cùng chính quyền địa phương, bà Thảo thêm vững tâm cùng cháu lên Hà Nội.

Gặp Thảo trên Hà Nội, trước mặt chúng tôi là một cô gái xinh xắn và chững chạc hơn cái tuổi 19 của mình. Khi nhắc về bà,Thảo say sưa kể về những kỷ niệm về thời thơ ấu. Gần 20 năm sống cùng bà, có quá nhiều kỉ niệm Thảo nhớ về bà. Chính vì thế những vui, buồn của đời sinh viên đều được Thảo điện thoại kể tường tận với bà mỗi khi có dịp. Với Thảo, tình thương và những tháng ngày mưu sinh không mệt mỏi của bà là động lực rất lớn giúp em đứng vững trong cuộc sống của một cô sinh viên nghèo giữa phố phường Hà Nội.

* Địa chỉ gia đình bà Trần Thị Nguyện và cháu Phạm Thị Thu Thảo: Ngõ 22 phố Hai Bà Trưng, TP.Nam Định (Ngõ cạnh nhà thờ lớn Nam Định)




Phạm Thịnh

Câu chuyện về bà cụ Trần Thị Nguyện để lại trong bạn những cảm xúc gì? Trong cuộc sống, bạn đã từng nghe kể hay từng chứng kiến những tấm lòng bao dung như cụ Nguyện khi trong hoàn cảnh khốn cùng cụ vẫn cưu mang đứa cháu gái không phải máu mủ của mình.
Hãy chia sẻ ý kiến của mình bằng việc bấm vào dòng Viết thảo luận về bài báo dưới đây. Gõ tiếng Việt có dấu để được đăng tải. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn