5 năm trời mẹ phải thuê nhà chạy trốn con

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 25/05/2011 06:30:00 +07:00

(VTC News) - Cuộc đời thật lắm nghiệp chướng, thảm cảnh. Có người mẹ nào lại mong con được chết sớm cơ chứ!

(VTC News) - “Cô tìm bà giáo Nga à? Bà ấy phải trốn thằng con nghiện suốt 5 năm, không thì chết với nó…” – đó là lời giới thiệu mà tôi nghe được từ người hàng xóm khi đang tìm nhà cô giáo Vũ Thị Nga.

Tôi đến thăm nhà cô giáo Vũ Thị Nga (thị trấn Trường Sơn, quận Kiến An, TP. Hải Phòng) trong một buổi sáng tháng 5 oi ả. Cái nắng đầu hè dường như làm cho con đường dẫn vào nhà bà thêm xa và khó nhọc. Bà Quý – bán hàng nước gần đó chép miệng: “Ở hiền mà không gặp lành, khổ lắm!”

Hết khổ vì chồng…

Đón tiếp tôi là một người phụ nữ thấp bé, gầy gò, khuôn mặt có phần khắc khổ. Nhưng điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là nụ cười tươi với hàm răng trắng bóng của bà dù đôi mắt lại “phản bội” điều đó. Chính đôi mắt lúc nào cũng ướt ấy như hé lộ cuộc đời bất hạnh của bà.

Căn phòng rộng chưa đầy 10m2 - nơi bà Nga trú ẩn để chạy trốn con. 

Căn nhà nhỏ bé xiêu vẹo chưa đầy 10m2, chỉ kê được một chiếc giường cho hai bà cháu ngủ. Bà cho biết, đây là nhà bà đi thuê để trốn thằng út. Chủ nhà tốt bụng, thương hoàn cảnh của bà nên mỗi tháng chỉ lấy 200 ngàn đồng tượng trưng.

Bà sinh năm 1953, tại xã An Thắng, huyện An Lão, Hải Phòng. 18 tuổi, cô gái trẻ Vũ Thị Nga lên thành phố học hành, rồi trở thành cô giáo dạy tiểu học tại trường Nguyễn Thượng Hiền.

Năm 1975, bà lập gia đình với ông Nguyễn Văn Thịnh, hơn bà một tuổi, có nhà tại một con phố sầm uất và giàu có tại Hải Phòng. Ngay năm sau, bà sinh được người con trai kháu khỉnh tên Bình. Năm 1978, bà sinh tiếp con trai thứ hai tên Thanh.

Nhưng người tính không bằng trời tính…

Đang là công nhân xí nghiệp thủy tinh, ông Thịnh xin nghỉ làm vì lương thấp. Ông cùng mấy người bạn hùn vốn kinh doanh xe tay ga, thứ hàng hóa xa xỉ thời bấy giờ. Nhưng không ngờ, chuyến hàng cuối cùng bị đổ bể, hết sạch vốn.

Bà Nga bật khóc vì tủi thân. 

Kể từ ngày ngồi nhà vì không có việc làm, cuộc đời ông gắn liền với những cuộc nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng. Không chỉ nhậu ở ngoài đường, ông còn rủ bạn bè về “chén anh chén chú”, bắt bà phục dịch.

Bao nhiêu tiền của vợ, ông đều ném vào rượu. Lúc đầu, thương chồng, bà vẫn để cho ông uống, nhưng sau, khi bà không đưa tiền nữa thì ông quay sang mắng nhiếc chửi rủa. Nhiều lúc bị chồng mắng, đuổi ra khỏi nhà, bà chỉ biết ôm con mà khóc. Hàng xóm nhiều lần sang khuyên can nhưng chứng nào tật ấy, khi rượu đã ngấm sâu vào máu thì khó lòng mà dứt ra được.

Năm 2000, bệnh viện chẩn đoán ông bị ung thư gan giai đoạn cuối. Tiền bạc bà tích cóp được, một phần nuôi con ăn học, còn lại dồn vào chữa bệnh cho chồng. Gần một năm chống chọi với những cơn đau hành hạ, ông ra đi để lại cho bà hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn.

...lại khổ vì con

Tuy ông chồng “quý hóa” bao lần khiến bà mất ăn mất ngủ, nhưng bà vẫn chăm chỉ làm việc, dành dụm tiền để nuôi các con khôn lớn. Bao công việc gia đình đều do một tay bà đảm trách. Ngoài công việc dạy học, ở trường, bà còn làm tạp vụ để có đồng ra đồng vào nuôi gia đình. Năm nào bà cũng được tặng bằng khen giáo viên dạy giỏi của trường, được học trò yêu mến.

Đồ đạc sinh hoạt của bà Nga chỉ có thế này. 

Bà nói: “Hồi đó, tôi lao vào làm để quên đi buồn tủi, bao nhiêu hy vọng đều đặt hết vào các con, chỉ mong sao cho chúng nó đừng đi theo vết xe đổ của cha…”.

Cái tên Thanh Bình ghép lại của hai anh em cũng chứa đựng bao hy vọng, mong muốn có được cuộc sống yên ấm hạnh phúc của bà. Ấy thế mà, một lần nữa, bà lại tiếp tục hứng chịu những nỗi đau mới, giằng xé, nặng nề hơn. Nỗi đau đó mang tên: Ma túy…

Hai con trai bà vốn có thành tích học tập khá tốt. Không những thế, Thanh, con trai út, còn là thành viên của đội tuyển đá cầu thành phố. Ba năm phổ thông, anh đoạt được rất nhiều huy chương của Sở TDTT Hải Phòng.

Bà chỉ tay vào chùm huy chương treo ở trên tường. Ánh mắt bà chợt ánh lên niềm tự hào: “Đây là chiếc huy chương vàng giải đá cầu toàn thành phố năm 1995, còn đây là 2 huy chương bạc nó đoạt được năm 1996, đây nữa cô ạ…”.

Nhưng rồi sóng gió lại ập đến gia đình bà…

Ban thờ anh Thanh, con trai út của bà Nga. 

Thời điểm cuối những năm 1990, đầu 2000, cơn bão ma túy lan rộng khắp các tỉnh miền Bắc, trong đó Hải Phòng là một trong những trọng điểm về mua bán và sử dụng “cái chết trắng”. Trong khi mẹ bận bịu công việc, bố thì rượu chè bê tha cả ngày, hai con bà giao du với đám bạn xấu. Bỏ học, đánh nhau, trộm cắp để rồi lần lượt sa vào nghiện ngập.

Lúc nghe tin hai đứa bị nghiện, bà bị sốc nặng, nằm liệt giường gần 2 tuần. Nói đến đây, bà bỗng bật khóc. Thằng cháu nãy giờ nằm im, giờ thấy bà khóc, cất tiếng hỏi: “Sao bà lại khóc?”. Bà Nga lảng đi: “Bà có khóc đâu, bụi bay vào mắt bà mà!”. Cảm thấy yên tâm, nó lại tiếp tục mân mê món đồ chơi trong tay.

Bà tiếp tục kể về những chuỗi ngày cay đắng. “Khổ với bố nó một thì khổ với chúng nó mười. Đồ đạc trong nhà, chúng mang bán sạch. Khi không có tiền, chúng đi ăn cắp của hàng xóm. Nhiều lần tôi bị họ sang trách móc, bảo là giáo viên mà không biết dạy con. Tủi nhục lắm!”. Bà cũng đã khuyên ngăn, dọa nạt con nhưng ngựa quen đường cũ…

Hai anh em bỏ nhà lang bạt, một mình bà chăm sóc chồng ốm đau. Được hơn một năm, Bình về đòi cưới vợ, tưởng con tu chí làm ăn, bà đứng ra lo cưới cho con.

“Ngày nó đi xin dâu thì cũng là ngày ông nhà tôi mất. Số phận thật trớ trêu, cô ạ. Tôi vừa phải lo cưới cho con, vừa phải lo hậu sự cho chồng trong cùng một ngày. Có ai như thân tôi!” – bà than thở.

Bà bán nhà, về quê sống với mấy người họ hàng. Bình có con, để con cho bà nuôi rồi lại biệt tăm.

Bà Nga đặt hết niềm tin, hy vọng vào đứa cháu nội. 

Năm 2005, bà về hưu, đồng lương trợ cấp ít ỏi không nuôi nổi 3 miệng ăn. Cuối năm đó, chị Thảo, con dâu bà đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan. “Nó cũng thương tôi, thương con lắm, nên năm nào cũng gửi tiền về để nuôi con. Tôi chỉ mong ngày nào đó 2 mẹ con nó được đoàn tụ” – bà Nga tâm sự.

Có ít tiền bán nhà, bà sống không yên với cậu út. “Nó biết tôi bán nhà, dù đang sống vạ vật ở Sài Gòn, nó cũng mò ra Hải Phòng xin tiền tôi. Tôi không cho thì nó dọa sẽ bắt cháu Minh đi. Tôi phải chuyển nhà liên tục suốt 5 năm để trốn nó. Gần đây, tôi gặp nó ở đường bao Nguyễn Bỉnh Khiêm, trông nó hốc hác, gầy gò, chỉ còn da bọc xương, tôi cũng xót lắm. Thời gian sau thì nó mất vì sốc thuốc…”.

Nói đến đây, giọng bà lại nghẹn ngào: “Nhưng ông trời thương nó mới cho nó chết sớm, chứ cứ để nó sống thì chỉ càng làm khổ nó và xã hội thôi, cô ạ!”. Câu nói của bà khiến tôi cảm thấy nghèn nghẹn. Cuộc đời thật lắm nghiệp chướng, thảm cảnh. Có người mẹ nào lại mong con được chết sớm cơ chứ!

Thanh Hà


Bình luận
vtcnews.vn