Người “yêu điên cuồng” hồ Gươm hiến kế cứu cụ Rùa

Bạn đọc viếtThứ Bảy, 26/02/2011 11:02:00 +07:00

(VTC News) – Gắn bó từ nhỏ với Hà Nội và hơn 10 năm tìm tòi hết thảy những gì liên quan đến hồ Gươm. Anh là nhà báo Hà Hồng, hiện công tác tại báo Nhân Dân.

(VTC News) – Gắn bó từ nhỏ với Hà Nội và hơn 10 năm tìm tòi hết thảy những gì liên quan đến hồ Gươm.Anh là nhà báo Hà Hồng, hiện công tác tại báo Nhân Dân. PV VTC News đã có cuộc trò chuyện cùng anh về những vấn đề liên quan tới việc cứu cụ rùa hồ Gươm.

 

Anh chia sẻ, cả nước có 1 Thủ đô – trung tâm của cả nước là Hà Nội; trung tâm văn hóa của Thủ đô lại là khu vực xung quanh Hồ Gươm; tại hồ lại có cụ rùa có giá trị lớn lao về khoa học, vừa có giá trị về tâm linh. Rùa Hồ Gươm là động vật quý hiếm, đang ở mức báo động tuyệt chủng rất cao; hơn nữa, cụ rùa hồ Gươm gắn liền với lịch sử của dân tộc nói chung và Hà Nội nói riêng qua truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm báu cho thần Kim Quy. 

 

Không có bằng chứng nào chứng minh cụ rùa bị rùa tai đỏ cắn

 

Trong thời gian vừa qua, các phóng viên đã chụp được những bức ảnh về cụ rùa bị rùa tai đỏ cưỡi trên lưng và các vết thương ngày càng nghiêm trọng của cụ. Tình trạng khẩn cấp của cụ rùa đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của toàn xã hội, với sức ép từ nỗi bức xúc của đông đảo người dân. Chính từ đó, Ban chỉ đạo khẩn cấp cứu chữa rùa Hồ Gươm đã được thành lập.


 Cụ rùa với những vết thương đang ngày càng loang rộng (Ảnh: Hà Hồng)
 

Trao đổi với chúng tôi, anh cho rằng: “Ý kiến nói cụ rùa bị rùa tai đỏ cắn thì tôi thấy không hợp lý lắm. Quan sát khi cụ nổi ở đường ống nước, cụ vần vũ quanh 2 đường ống thoát nước từ đền Ngọc Sơn, có thể nó chính là nguyên nhân gây ra những vết xước trên vai cụ chứ không phải là do rùa tai đỏ cắn. Và trong buổi hội thảo ngày 15/2 vừa qua, nhiều nhà khoa học đã phát biểu và khẳng định rằng không có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng rùa tai đỏ cắn mai cụ rùa.”

 

Anh là người đã kiến nghị tiến hành ghim hai đường ống thoát nước này lại, và ngay lập tức, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng phải dỡ bỏ 2 đường ống thoát từ bể phốt của nhà vệ sinh ở đền Ngọc Sơn chảy ra cống trên đường Đinh Tiên Hoàng và làm đường ống thoát đi theo chân cầu Thê Húc.

 

- Về việc “triệt” rùa tai đỏ khỏi hồ Gươm, anh có ý kiến thế nào? 

- Khi tôi được biết Sở Khoa học – Công nghệ Hà  Nội tiến hành làm lồng bắt rùa, tôi đã vào Sở để xem chiếc lồng ấy. Tôi đã nhìn thấy cán bộ kỹ thuật của Sở đang chế tạo hai loại lồng bắt rùa tai đỏ. Loại thứ nhất bắt rùa tai đỏ dưới mặt nước. Theo thiết kế, cửa lồng đón rùa tai đỏ có kích thước chiều rộng 30 cm, chiều cao 18 cm. Với kích thước như vậy cụ rùa rất có thể chui đầu vào được. Nếu lúc đó lại đóng cửa tự động thông qua bộ điều kiển từ xa rất nguy hiểm cho cụ rùa. Chúng tôi đã kiến nghị các nhà thiết kế  cần chỉnh sửa cổng đón rùa tai đỏ vào lồng sao cho không gây hại cho cụ rùa.

Thiết kế cửa sập lồng bẫy rùa ban đầu trước khi được kiến nghị thiết kế lại

Tôi đã đưa ra ý kiến nếu dùng lồng đang làm sẽ có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với cụ rùa, không những không diệt được rùa tai đỏ mà có khi lại “diệt” mất cụ rùa. Bởi rất có thể, khi đặt lồng bắt rùa tai đỏ, cụ rùa lại tới lồng này và đưa đầu vào cửa lồng thì cụ sẽ bị cửa sập làm bị thương. Khi ấy, cụ càng giãy thì càng đau, vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm về chuyện ấy được.

 

Cuối cùng Sở Khoa học – Công nghệ đã thiết kế cửa của lồng dài ra và cửa sập ở trong để nếu cụ rùa có thò đầu vào thì cũng chỉ ở khu vực ngoài, không bị ảnh hưởng.

- Vậy bắt chúng ở khu vực nào là tốt nhất? 

- Rùa tai đỏ có rất nhiều ở Hồ Gươm. Vì tôi đã đi và theo dõi trên hồ rất nhiều nên biết được điểm mà rùa tai đỏ hay nổi, đậu nhiều nhất. Đó là phần bãi đá ngay cạnh chân tháp Rùa phía về đường Hàng Khay. Có bức ảnh tôi chụp được ở khu vực này cho thấy, có tới cả chục con rùa tai đỏ trong 1 mét vuông.

Theo tôi, bắt rùa tai đỏ ở cạn thì nên đặt xung quanh tháp Rùa, mà tốt nhất là đặt bẫy tại vị trí gần bãi đá chân tháp Rùa phía đường Hàng Khay. Bởi theo quan sát trong suốt những năm qua cho thấy rùa tai đỏ tập trung ở đây rất nhiều, nhất là những ngày nắng ấm.

 Rùa tai đỏ thường hay lên phơi nắng khu vực bãi đá gần chân tháp Rùa

Tôi biết được độ nông sâu của lòng hồ, chỗ nào nông, chỗ nào sâu và đặt chỗ nào thì bắt được rùa tai đỏ dễ nhất. Theo tôi được biết, rùa tai đỏ rất nhát và khi ta đi cách chúng khoảng hơn chục mét là chúng đã nhảy xuống nước rồi. Nếu đặt bẫy rùa tai đỏ xung quanh đền Ngọc Sơn là không hợp lý, bởi khách du lịch đi rầm rập như vậy thì sẽ không hiệu quả. Còn đặt lồng cao bắt rùa tai đỏ dưới nước thì phải đặt xa tháp Rùa, nhưng không nên đặt gần đền Ngọc Sơn vì người qua lại nên sẽ bị ảnh hưởng nhiều.

Đặt lồng bắt rùa tai đỏ dưới nước rất khó, phải đặt giữa hồ bởi đặt ở đó mới có hiệu quả, mực nước hiện tại ở khoảng 80cm đến 1 mét, nếu đặt xung quanh tháp thì nước lại rất nông. Điểm sâu nhất ở hồ là điểm nước 1/3 từ tháp Rùa vào đền Ngọc Sơn (phía cạnh tháp Rùa).

 

Không nên dùng trực thăng đưa cụ lên

 

- Có đề xuất đưa cụ lên bằng trực thăng sau khi bắt, anh nghĩ sao về việc này?

 

- Đúng là tại buổi hội thảo ngày 15/2 vừa rồi, đã có ý kiến rất “lãng mạn” là dùng trực thăng để cẩu cụ lên bờ chữa trị. Nhưng theo tôi, nếu dùng trực thăng sẽ làm xáo trộn sinh hoạt xã hội xung quanh khu vực hồ Gươm rất lớn. Bởi, bình thường khi cụ nổi lên đã khiến mọi người dừng lại đông nghịt, và dẫn đến việc tắc đường; vậy mà bây giờ dùng trực thăng để đưa cụ lên thì lúc ấy khu vực hồ Gươm sẽ đông như đêm giao thừa. Cả Hà Nội, thậm chí từ các địa phương lân cận sẽ rầm rập đổ về đấy để xem cụ. 

 Cần khẩn trương cứu chữa cho cụ Rùa, nhưng cũng cần hết sức cẩn trọng (Ảnh: Hà Hồng)

Hơn nữa, nếu dùng trực thăng để đưa cụ lên bờ sẽ tạo ra stress cho cụ rùa. Khi bị đưa lên khỏi mặt nước, cụ sẽ vùng vẫy, và chuyện cụ phải đón nhận thêm những vết thương mới là điều đương nhiên. Khi mà hàng trăm năm cụ sống yên ổn dưới lòng hồ, rồi tự nhiên có người đến vây bắt cụ, phải đảm bảo sức khỏe cho cụ cũng như đảm bảo mọi hoạt động bên hồ không bị đảo lộn, không được làm xáo trộn cuộc sống bên hồ.

- Vậy theo anh, có thể chữa trị cho cụ ở đâu là phù hợp?

 

Việc chữa trị cho cụ, cần đảm bảo có một môi trường có sinh cảnh gần với cuộc sống hiện nay nhất của cụ rùa, tốt nhất là ở hồ. Và điểm tốt nhất là xung quanh khu vực tháp Rùa. Bởi nếu người dân có hiếu kỳ đứng trên bờ để xem thì cũng không gây ảnh hưởng gì tới mọi hoạt động sinh hoạt xung quanh hồ (quây bạt xung quanh bởi cần có chế độ bảo vệ nghiêm ngặt).

 

Và một kiến nghị cuối cùng, đó là cấp bách (đúng như cái tên Ban khẩn cấp) chữa trị cho cụ. Nhưng về lâu dài vẫn còn nhiều việc cần phải làm tiếp, bởi tại sao cụ bị thương như hiện nay thì mọi người vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân. Có thể là do vật gì đó dưới lòng hồ, có thể do môi trường nước hay gì đó mà chúng ta chưa biết. Vì vậy, phải có giải pháp tổng thể bảo vệ bền vững môi trường hồ Hoàn Kiếm, để sau khi được chữa bệnh, cụ được sống trong môi trường trong sạch. Với môi trường nước ô nhiễm như hiện nay thì cụ có thể mắc bệnh trở lại là điều dễ hiểu.

 

Điều bây giờ các nhà chuyên môn và chúng ta cần làm là khẩn trương cứu chữa cho sức khỏe của cụ. Tuy nhiên, không thể vội vàng, nếu không hậu quả sẽ là khó lường.

Nam Phong ghi

Bình luận
vtcnews.vn